Xuất khẩu khả quan
Theo số liệu thống kê, 4 tháng đầu năm Việt Nam nhập siêu gần 13 tỷ USD, đặc biệt khối kinh tế trong nước nhập siêu 8 tỷ USD.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong 4 tháng đầu năm 2017, xuất, nhập khẩu đều tăng mạnh. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng nhập khẩu tăng mạnh hơn nhiều, ở mức 29,4%, trong khi xuất khẩu tăng 15,4%. Chính vì vậy, tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu khoảng 2,74 tỷ USD, bằng khoảng 4,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, những mặt hàng nhập khẩu tập trung chủ yếu ở các mặt hàng nguyên liệu, nhiên liệu, máy móc, thiết bị… để phục vụ sản xuất và chế biến xuất khẩu. Mặt khác, giá dầu tăng so với cùng kỳ đã kéo theo giá của một số mặt hàng nhập khẩu như nhiên liệu, nguyên liệu của một số ngành sản xuất, các mặt hàng cơ bản như xăng dầu, hoá chất, chất dẻo, nguyên liệu… có giá trị nhập khẩu phụ thuộc lớn vào giá dầu thô.
Về cán cân thương mại, từ trước đến nay, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) luôn ở trạng thái xuất siêu, trong khi các doanh nghiệp trong nước luôn ở trạng thái nhập siêu. Nhưng trong thời gian gần đây, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã đạt những kết quả rất tích cực. Trong 1 tháng đạt từ 13-13,3 tỷ USD, tăng 13,7%. Rất nhiều mặt hàng đã tăng trưởng. Đây là kết quả khả quan nếu so sánh với thời điểm này năm 2016, xuất khẩu tăng 3,4%. Việc phải nhập khẩu nhiều mặt hàng dùng cho sản xuất cũng như chế biến cho xuất khẩu cho thấy sản xuất, kinh doanh tiếp tục có dấu hiệu phục hồi tích cực.
Để hạn chế nhập khẩu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất trong nước. Đồng thời thực hiện tốt Cuộc vận động của Bộ chính trị “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Nghĩa là ưu tiên sử dụng những sản phẩm, hàng hóa sản xuất được trong nước.
Liên quan đến vấn đề tại sao Việt Nam xuất siêu trong khi vẫn nhập khẩu nhiều mặt hàng cùng chủng loại thì hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, có nhiều Hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Do đó, nếu chúng ta phát triển xuất khẩu, thì nhiều nước cũng sẽ có điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam.
"Do đó, việc quan tâm là đẩy mạnh sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá để có thể đạt giá trị xuất khẩu cao hơn" - Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Về thị trường nông sản, thực phẩm (thịt lợn) tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ: Cả năm 2016, Việt Nam nhập 39.400 tấn thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn từ các nước EU, Australia, Hoa Kỳ, Canada, Liên bang Nga… Như vậy, về kim ngạch chỉ đạt 44 triệu USD, bằng 0,1% sản lượng tiêu thụ thịt lợn trong nước. Do đó, có thể khẳng định việc nhập khẩu thịt lợn và các sản phẩm liên quan đến thịt lợn không ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước. Trên thực tế, các sản phẩm nhập khẩu, trong đó có thịt lợn bán tại các siêu thị có giá đắt hơn rất nhiều so với các sản phẩm sản xuất trong nước.
Liên quan đến tạm nhập - tái xuất, năm 2016, Việt Nam chỉ tạm nhập - tái xuất 20 triệu USD thịt lợn. Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) đang rất lưu ý và có nhiều biện pháp phòng tránh thẩm lậu các mặt hàng tạm nhập - tái xuất vào thị trường nội địa. Nếu Chính phủ chấp thuận phương án tạm dừng tạm nhập tái xuất các sản phẩm thịt lợn và sản phẩm liên quan, Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện.
Còn việc tại sao nhiều mặt hàng của Việt Nam như rau quả, thịt lợn không thể xuất khẩu sang thị trường các nước? Trước hết là do chất lượng các mặt hàng này. Ví dụ như thịt lợn, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương mới chỉ có Hong Kong và Malaysia là chúng ta đã ký Hiệp định về thú ý, công nhận chất lược kiểm dịch. Như vậy nếu về chính ngạch sản phẩm của Việt Nam mới có thể xuất khẩu vào hai thị trường này. Cũng xin nói thêm đây là hai thị trường chỉ nhập khẩu lợn sữa, với số lượng rất ít. Các mặt hàng rau quả cũng tương tự.
Trong thời gian sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra các giải pháp toàn diện, cụ thể và thiết thực. Trong đó, quan trọng nhất là phải tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường ký các hiệp định liên quan đến kiểm dịch, thú y để đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng nông sản.
Tác giả: Đình Dũng
Nguồn: baocongthuong.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;