Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản vừa thông báo phía Nhật Bản đã chính thức cấp bằng chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận. Như vậy, sau hơn 3 năm nộp hồ sơ, thanh long Bình Thuận là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam sau vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.
Theo ông Phan Văn Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận, việc thanh long Bình Thuận được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, điều này có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều cơ hội để quản bá, mở rộng thị trường cho việc xuất khẩu thanh long Bình Thuận đến các thị trường khác.
Trong khi đó, theo ông Biện Tấn Tài, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long đến với thị trường này. Do đó, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện một số giải pháp trong xúc tiến thương mại xuất khẩu thanh long sang thị trường Nhật Bản.
Cùng với đó phối hợp Bộ Công thương cung cấp thông tin thị trường, hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Cũng như xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, thực phẩm để doanh nghiệp kịp thời nắm thông tin, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ theo đúng quy trình trồng và sản xuất, bảo quản thanh long, đảm bảo chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long vào thị trường Nhật.
Ngoài ra, Sở Công thương Bình Thuận cũng sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... tổ chức các chương trình hội thảo, đào tạo tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thanh long trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng các hoạt động có tác dụng lâu dài như đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm; kỹ năng xúc tiến thương mại, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm; ứng dụng thương mại điện tử…
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm chuyên ngành thực phẩm tại Nhật; tham gia trưng bày quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận (thanh long sấy, kẹo thanh long, snack thanh long, nước ép thanh long…) cùng với các tài liệu giới thiệu, quảng bá về địa phương, doanh nghiệp và sản phẩm thanh long Bình Thuận trong gian hàng Việt Nam tham gia Hội chợ thương mại quốc tế tại thị trường Nhật.
Cũng theo ông Biện Tấn Tài, Nhật Bản là một thị trường khó tính. Trái thanh long vào thị trường Nhật Bản phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có trọng lượng từ 300gram trở lên. Cùng với đó, sản phẩm phải phù hợp với luật vệ sinh môi trường của Nhật và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi được vào được thị trường khó tính này.
Toàn bộ lô hàng được xử lý qua hơi nước nóng (gia nhiệt) để loại bỏ ruồi đục quả và tăng chất lượng sản phẩm. Tất cả quá trình xử lý được các chuyên gia của phía Nhật Bản và Việt Nam giám sát rất chặt chẽ.
Đến nay, tỉnh Bình Thuận chưa có doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp thanh long vào thị trường Nhật Bản mà chủ yếu bán cho doanh nghiệp ngoài tỉnh để xử lý theo yêu cầu rồi xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản.
Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có khoảng 33.750ha thanh long, với tổng sản lượng đạt khoảng 700.000 tấn/năm. Nhằm đảm bảo sản xuất và xuất khẩu thanh long Bình Thuận được bền vững, tỉnh Bình Thuận xác định trước hết sản xuất phải đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng truy xuất nguồn gốc, phải tổ chức sản xuất GAP, sản xuất theo hữu cơ.
Vì vậy, đến nay toàn tỉnh có hơn 16.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hơn 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đến năm 2025 toàn tỉnh phải đạt 70% (trên 20.000 ha) diện tích thanh long toàn tỉnh đạt chứng nhận GAP.
Để đạt được mục tiêu này, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tuyên truyền, hỗ trợ giúp người trồng thanh long thay đổi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng; quản lý và sử dụng mã số vùng trồng; áp dụng quy trình sản xuất theo hướng an toàn VietGAP, GlobalGAP, ATTP, HACCP, hữu cơ…Cùng với đó hướng dẫn các HTX, doanh trang bị hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để đáp ứng sản xuất như tem QR Code, phần mềm nhât ký điện tử.
Theo Sở Công thương Bình Thuận, hiện thị trường xuất khẩu chính của thanh long Bình Thuận như Châu Á gồm Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Philippine, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Myanmar, Indonesia, Qatar, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE); Đức, Hà Lan, Nga, Tây Ban Nha, Canada, Mỹ; Úc, New Zealand. 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh Bình Thuận đã thu hoạch đạt trên 532.000 tấn thanh long và dự kiến 3 tháng cuối năm sẽ thu hoạch khoảng 250.000 tấn.
Kim Sơ/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã