Sắc thu dưới chân núi Hồng |
Tôi bắt gặp trong khúc ca ấy hồn cốt quê nhà với cây rơm, cây rạ, với thôn nữ má ửng hồng đợi “mùa xuân chín” đi giữa “mưa giăng lối nhỏ”… Câu hát ngân lên là bóng hình cha mẹ tôi trở về với “cày đồng đang buổi ban trưa”, với “cặm cụi thân cò” để làm nên hạt lúa, củ khoai nuôi con nên người. Trong lòng đất có gì nhiều hở mẹ? Câu hỏi ngây thơ từ thuở ấu thơ của tôi nhận được câu trả lời rất đỗi đơn sơ: “Mẹ sống nhờ đất và chết cũng trở về với đất”. Mẹ kính yêu ơi, mẹ chưa trả hết nợ cho đất đã giã từ cõi đời rồi lặng lẽ tan vào đất!. Và chúng con lại tiếp tục cuộc hành trình trả nghĩa tình cho đất.
Mẹ miền Trung của tôi cũng như bao nhiêu người mẹ sống trong dải đất hình chữ S này đều nặng lòng tri ân với đất. Chiếc áo nâu sồng mẹ nhuộm từ củ nâu màu đất hay đất thương mẹ nhuộm nên áo nâu sồng? Mẹ mặc áo nâu “bắc cầu giải yếm” từ độ ấy để tình yêu tan vào ánh trăng, hòa vào dòng sông bến nước.
Lòng đất và lòng mẹ đã thổi nên hồn dân ca ví giặm, nên những lời ru mộc mạc quê nhà. Lòng đất và lòng mẹ cũng đưa ta về tìm lại thuở hồng hoang, thuở Vua Hùng một sớm đi săn đã đặt tên cho làng Thậm Thình khi vua xúc động nghe tiếng “thậm thình” giã gạo. Từ lòng đất, lòng mẹ, ta lại nhớ lại tích cũ về người con trai hiếu thảo Lang Liêu đã biết dâng bánh chưng, bánh dày lên Vua cha nhân dịp tết cổ truyền dân tộc.
Bánh chưng thờ đất, bánh dày thờ trời, công sinh thành cha mẹ lồng lộng như trời, mênh mông như đất. Bánh chưng, bánh dày soạn trên mâm cúng tổ tiên từ đời này sang đời khác đã trở thành di sản văn hóa ẩm thực đặc sắc nhất Việt Nam. Cây lúa được đất nuôi, hạt thóc là thành quả cày bừa cấy gặt, lẽ nào khi bưng bát cơm ăn mà con người lại thiếu nhân thiếu nghĩa, thiếu sự tri ân với đất?
Còn gì gần gũi hơn, còn gì mộc mạc hơn cái nồi được vắt lên từ chất liệu đất. Đất đã hóa mình để tạo nên chum sành, lu đựng mắm, vại nhút, vại cà trong mỗi gia đình thôn dã. Lịch sử tiến hóa của loài người theo dòng chảy thời gian có thể làm vơi dần những dòng xe chở nồi đất nhưng kỷ vật làm bằng đất nung vẫn mãi mãi trường tồn. Mãi trường tồn với các thế hệ tuổi thơ bày đủ trò chơi với đất. Mãi mãi trường tồn con tò he bằng đất được nhuộm phẩm màu trong phiên chợ quê khi xuân về tết đến hút hồn trẻ thơ…
Lịch sử khắc ghi tên tuổi vàng những nghệ nhân sáng tạo từ đất với những bàn tay tài hoa làm nên vại Hương Canh, gạch Bát Tràng. Dân gian từng nói: “Người ta là hoa của đất” và tôi hiểu triệu bông hoa thức dậy ở mỗi vùng quê khác nhau, ở mỗi hoàn cảnh lịch sử khác nhau. Từ đồng bằng châu thổ sông Hồng đến tận mũi Cà Mau, ở đâu con người sinh ra và lớn lên cũng nhìn được giá trị vĩnh hằng của đất. Đất chắt chiu, đất gom góp từng hạt phù sa để nuôi lớn mọi sinh linh tạo hóa trên đời. Dầu bão bùng, dầu mưa chan nắng lửa “đất ôm trọn kiếp người”…
Từ đất cây mọc dậy, từ đất Tổ quốc ta bừng lên nét đẹp hùng vĩ “xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển, xanh hòa bình xanh cả những giấc mơ”. Đất dựng nên hình sông thế núi. Núi càng cao, sông càng dài, biển càng rộng càng thắp lên niềm khát khao cháy bỏng. Đất vừa là điểm tựa vừa làm thước đo tài năng, sức lực và trí tuệ con người. Đất như kho báu trong cổ tích, con người càng khám phá càng thấy trong đất bao nhiều điều mới lạ.
Đất giấu trong mình bao tài nguyên khoáng sản để từ tài nguyên quý báu ấy con người làm nên những con tàu xuyên suốt đại dương, chế tạo tên lửa, máy bay và cả tàu du hành vũ trụ, khám phá mặt trăng, đổ bộ lên sao Hỏa, sao Kim… Khoa học có thể tìm thấy sự sống ở những hành tinh khác, nhưng chắc rằng, chẳng có sự sống nào viên mãn, hạnh phúc bằng trái đất xanh của chúng ta. Hành tinh - Trái đất linh thiêng hơn bất cứ hành tinh nào trong vũ trụ. Đất là mẹ của muôn loài.
Vì niềm tin và sự trân trọng với đất, người dân mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đều đứng lên bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mình. Tiến trình lịch sử hơn 4.000 năm văn hiến của Tổ quốc Việt Nam ghi dấu biết bao sự hy sinh. “Nếu chúng ta minh hoạ lịch sử dân tộc thì không có trang nào dòng nào mà không phải vẽ thanh gươm tự vệ tô đậm một màu máu. Máu thấm đượm rãnh cày ta gieo hạt giống. Máu thấm đượm gốc sân mà con ta nô đùa ngày bé. Máu thấm đượm bờ ao em ta ngồi giặt và ta câu cá trên chiếc cầu tre nhỏ gập ghềnh. Máu thấm đượm con đường, nơi đó mẹ ta lau nước mắt ngày tiễn ta ra đi...” (Đường chúng ta đi – Nguyễn Trung Thành).
Mãi lung linh là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh hôn lên hòn đất nơi biên giới Tổ quốc sau bao nhiêu năm bôn ba tìm đường cứu nước. Rồi người mẹ miền Nam gửi nắm đất từ Năm Căn nóng bỏng đạn lửa để bày tỏ niềm thủy chung sắt son từ thành đồng Tổ quốc: “Con ra thưa với cụ Hồ/ Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao”.
Có biết bao người lính đã ra đi rồi lặng lẽ hy sinh và nằm lại trong lòng đất. Người trước ngã, người sau xông lên, bao người mẹ Việt Nam những người anh hùng vô danh lại lặng lẽ đào hầm nuôi giấu bộ đội, nuôi giấu cán bộ ngay trong rào ấp chiến lược, ngay giữa họng súng quân thù. Còn đó một Hòn Đất kiên trung, một thành cổ Quảng Trị oai hùng, còn đó địa đạo Củ Chi và những địa danh “thế trận từ lòng đất” ghi dấu bao chiến công oanh liệt.
Đất nước qua binh lửa lại tiếp tục cuộc hành trình đổi mới. Đất thức dậy những cánh đồng rực rỡ mùa vàng bội thu, đất thức dậy những cánh rừng cao su xanh ngắt, những đồi chè ngút ngát… Cũng từ đất mọc lên bao công trình của thời đại công nghiệp hóa... Đất như cũng háo hức trong không khí mới.
Đôi điều ngẫm ngợi về tình đất, tình người để thấy con người được sinh ra từ đất phải biết yêu thương đồng loại. Để đất muôn đời dịu dàng trong tình yêu dành cho muôn loài.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã