Học tập đạo đức HCM

Bảo tồn và phát triển cây chè dây Ra Zéh: Phát huy vai trò tổ hợp tác

Chủ nhật - 06/11/2016 04:49
“Thai nghén” rồi đầu tư vào Tổ hợp tác sản xuất chè dây Ra Zéh, những người có trách nhiệm ở xã Tư (Đông Giang) đặt trọn niềm tin “bà đỡ” này sẽ phát huy vai trò trong bảo tồn, phát triển loại cây đặc sản trở thành sản phẩm hàng hóa để xóa nghèo bền vững.

Vùng cao huyện Đông Giang có nhiều loại cây lá là vốn quý mà thiên nhiên ban tặng. Chè dây được người bản địa đặt tên Ra Zéh (thân dây, lá thon nhỏ, chân chim có răng cưa) chính là một trong những đặc sản tiêu biểu ấy. Nói về công dụng của chè dây, khoa học đã chứng minh rất cụ thể. Riêng tại xã Tư, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp cho chè dây Ra Zéh sinh trưởng mạnh. Đồng bào sử dụng nó như vị thuốc dân gian chữa các loại bệnh liên quan đến dạ dày, đường ruột như ợ chua, đau rát thượng vị và có tác dụng an thần, chữa mất ngủ. Trường hợp căn bệnh đau đại tràng kinh niên của ông Nguyễn Văn Phôn (thôn Nà Hoa) đã thuyên giảm rõ rệt sau vài tháng nấu chè dây Ra Zéh lấy nước để uống là ví dụ cụ thể. Về kinh tế, chè dây Ra Zéh mang lại thu nhập cao hơn nhiều lần so với cây keo, cây mây trên cùng đơn vị diện tích. “Biết được chè dây tại xã Tư sở hữu nhiều tiện ích, người ở những nơi khác tìm đến đặt mua ngày càng đông. Trữ lượng chè dây tự nhiên thì có hạn, nhưng đồng bào mình lại khai thác gần như triệt để khiến nguồn cung cạn kiệt dần. Việc bảo quản mang tính thủ công cũng làm chất lượng sản phẩm giảm sút. Do đó, huyện đã chỉ đạo ngành chức năng tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng khoanh nuôi và trồng. Đồng thời phê duyệt và triển khai dự án bảo tồn, phát triển chè dây Ra Zéh giai đoạn 2015 - 2020” - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.

Chè dây Ra Zéh cùng với các sản phẩm đặc trưng khác của Đông Giang tham gia hội chợ tại Đà Nẵng. Ảnh: C.T
Chè dây Ra Zéh cùng với các sản phẩm đặc trưng khác của Đông Giang tham gia hội chợ tại Đà Nẵng. Ảnh: C.T

Hiện thực hóa chủ trương của cấp trên và gắn lợi ích thiết thực của chính đồng bào, xã Tư đã thành lập Ban quản lý dự án, đồng thời ra mắt Tổ hợp tác chè dây Ra Zéh. Theo ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Tư, địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực khoanh nuôi, trồng mới; tham mưu cho Đảng ủy xã xây dựng nghị quyết chuyên đề về bảo tồn, phát triển chè dây nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện dự án. Xã còn chỉ đạo thành lập tổ bảo vệ nhằm kiểm soát tình trạng tận diệt, thu hái trái phép từ phía các đối tượng nằm ngoài địa bàn. Sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, Tổ hợp tác sản xuất chè dây Ra Zéh hiện có 43 xã viên, hầu hết họ đều có khoanh nuôi, trồng mới loại cây này. Tổ trưởng Tổ hợp tác - ông Nguyễn Nam Giang cho hay, qua tuyên truyền, nhiều hộ dân thấy được lợi ích của dự án, rằng việc trồng hoặc khoanh nuôi không tốn kém chi phí bao nhiêu, chủ yếu mất công khâu làm cỏ. Chè dây dễ trồng, dễ chăm sóc và không cần phun thuốc nhưng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Việc khoanh nuôi của hộ ông Nguyễn Văn Phôn là đơn cử tiêu biểu. Cũng theo ông Nguyễn Nam Giang, tổ sẽ trực tiếp thu mua cho người dân, giá 12.000 đồng cho mỗi ký chè tươi. Nếu trồng 1ha, hộ gia đình có thể thu hoạch mỗi năm 3 đợt, đạt khoảng 55 tấn chè tươi. Sau khi thu mua, tổ tự sơ chế, lên men theo phương thức truyền thống, không dùng phụ gia rồi đóng gói.

Là cán bộ Bộ phận thống kê UBND xã Tư, ông Lê Duy Trường được tín nhiệm bầu làm thư ký Tổ hợp tác chè dây Ra Zéh. Ông Trường cho hay, thành viên tổ hợp tác phân bổ đều cả 5 thôn trên địa bàn, hộ trồng nhiều nhất khoảng 0,8ha, có hộ khoanh nuôi gần 1,5ha. Tuy nhiên, người dân chưa yên tâm khi trồng, khoanh nuôi với quy mô lớn do sợ thiếu đầu ra và chưa thấu hiểu hết vai trò của tổ chỉ là bên trung gian, trợ giúp bà con phân phối sản phẩm. Một số hộ thu hoạch theo kiểu tận diệt mà không tính đến chuyện nuôi dưỡng lâu dài, khiến cho nguồn cung thiếu bền vững, rất khó sản xuất theo hướng hàng hóa. Công tác phối hợp giữa công an viên và người dân chưa nhịp nhàng, cho nên việc xử lý, kiểm soát hành vi khai thác “chui” chưa đạt hiệu quả cao.

Để khắc phục tình trạng trên, xã Tư chỉ đạo các ban ngành, hội đoàn thể, cán bộ từ xã đến thôn và Tổ hợp tác chè dây Ra Zéh phải gương mẫu trồng, khoanh nuôi và bảo vệ cây chè dây, nghiêm cấm sử dụng phân hóa học. Tổ hợp tác tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân tìm hiểu, nghiên cứu thông tin để họ thấy được lợi ích, đồng thời kiểm tra giá thu mua của tổ không hề thấp so với giá thị trường. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân không cho các đối tượng ngoài địa phương vào thu hái đem ra ngoài bán trên danh nghĩa chè dây Ra Zéh, vừa gây thất thoát nguồn lợi chính đáng vừa tổn hại uy tín của nhãn hiệu tập thể sắp được công nhận độc quyền. Thông qua nhiều kênh, tổ cũng sẽ đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng bán đứt đoạn hoặc ký gửi hàng hóa tại các siêu thị, đại lý.

Được biết, Tổ hợp tác chè dây Ra Zéh với sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Đông Giang vừa qua đã tham dự hội chợ tự hào hàng Việt Nam 2016 tại TP.Đà Nẵng. Bỡ ngỡ lần đầu tiên ra “bơi bể lớn” và do chưa ước lượng được nhu cầu tiêu thụ của khách hàng nên chỉ mới vài ngày tham gia hội chợ, 45kg sản phẩm chè đã được bán hết. Ông Nguyễn Tấn Tuân nói, phát huy thành quả ban đầu, Đông Giang sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí nhằm trang bị máy cắt, máy hút chân không, máy sấy… cho tổ hợp tác với số tiền khoảng 150 triệu đồng từ nguồn khuyến công. Trước đó, huyện cũng đã hỗ trợ khâu mua, in bao bì sản phẩm. Huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi đưa chè dây Ra Zéh tiếp cận thị trường, tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu sản phẩm, chào hàng. Chính quyền xã Tư thì cam kết khắc phục hạn chế, kiện toàn tổ hợp tác và tổ bảo vệ, mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng, khoanh nuôi và chăm sóc… để chè dây Ra Zéh thật sự là sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nhân dân, góp phần đưa mục tiêu đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2020 thành hiện thực.


Theo Báo Quảng Nam

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập615
  • Hôm nay84,187
  • Tháng hiện tại820,297
  • Tổng lượt truy cập93,197,961
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây