Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa là một giải pháp quan trọng nhằm tăng thu nhập cho nông dân, giảm áp lực xuất khẩu gạo, giảm nhập khẩu ngô, đậu tương…
Những mô hình chuyển đổi đã đem lại hiệu quả kinh tế gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Thời gian qua được coi như bước chạy đà quan trọng cho việc triển khai những kế hoạch dài hạn sắp tới, đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp phải thích ứng với biến đối khí hậu ngày càng gay gắt.
Với đặc điểm diện tích trồng lúa nước trên địa bàn tỉnh Sơn La không tập trung, mà chủ yếu canh tác trên các diện tích đất ven sông và một số diện tích bãi bằng thấp được cung cấp nước thường xuyên. Nhưng hiện nay do bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên nguồn nước cung cấp cho một số diện tích đất trồng lúa không đảm bảo đủ nước tưới, do đó ảnh hưởng đến năng suất lúa.
Với quyết tâm không để bỏ hoang ruộng đất do thiếu nước, thời gian qua chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố trên địa bàn Sơn La đã tích cực chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi giống cơ cấu cây trồng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Từ năm 2013, mỗi năm Sơn La chuyển đổi được hàng trăm héc ta trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cho hiệu quả cao hơn như ngô, sắn, đậu tương, rau màu…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La, những mô hình chuyển đổi sang đậu tương, rau màu… đều cho lãi từ 35 đến 46 triệu đồng/ha.
Đặc biệt, những vùng khó sản xuất lúa, sản xuất lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng ngô cũng cho thấy, năng suất đạt trung bình từ 10,8 đến 12,3 tấn ngô/ha, thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha. Sau khi trừ chi phí, mỗi héc ta ngô thu lãi gần 24 triệu đồng, lợi nhuận trung bình gần gấp 3 lần so với trồng lúa.
Không chỉ Sơn La, từ 2014 đến nay Hà Giang cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi được trên 1.000 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô. Bà Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho biết, quá trình triển khai thực hiện dự án chuyển đổi không chỉ giúp các hộ mà ngay cả chính quyền địa phương nhận thức rõ hơn, ý thức hơn trong việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện của địa phương.
Theo ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), để bảo đảm an ninh lương thực, các nước đều tiến tới chủ động tự cung tự cấp lương thực cho mình, thậm chí một số nước trong khu vực có lợi thế cũng đã tham gia thị trường xuất khẩu lúa gạo.
Do vậy, nghề trồng lúa sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi, trong khi nhu cầu ngô cần cho công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đang ngày một tăng.
Nhu cầu ngô cần cho công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đang ngày một tăng. Ảnh: TTXVN
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xác định là vùng trọng tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm giảm áp lực tiêu thụ lúa gạo, tăng sản lượng một số nông sản thị trường trong nước cần, nhất là ngô. Vì vậy, Thủ tướngChính phủ ban hành Quyết định số 580/QĐ-TTg ngày 22/4/2014 hỗ trợ tối đa 2 triệu đồng/ha tiền giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, vừng, lạc, dưa, rau các loại.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu theo Quyết định số 580/QĐ-TTg, toàn vùng Đông bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô, đậu tương, vừng, khoai lang, dưa, rau các loại đạt trên 53.300 ha. Nhiều tỉnh đã hỗ trợ 100% diện tích chuyển đổi. Tất cả các mô hình chuyển đổi đều có hiệu quả kinh tế cao hơn 2-3 lần so với trồng lúa.
Năng suất ngô trong nhiều mô hình quy mô hàng chục ha đã đạt 10-12 tấn/ha, có thể cạnh tranh được với ngô nhập khẩu, ngay cả khi giá ngô đang thấp nhất như hiện nay.
Theo ông Lê Quốc Thanh, ngô là cây trồng quan trọng thứ hai sau cây lúa. Những thành tựu đạt được trong nghiên cứu chọn tạo giống ngô lai, các biện pháp kỹ thuật canh tác, đã giúp cây ngô có tốc độ tăng trưởng cao nhất về năng suất cũng như sản lượng.
Điều này đã làm thay đổi căn bản nghề trồng ngô và là động lực quan trọng thúc đẩy diện tích, năng suất và sản lượng ngô của Việt Nam trong thời gian tới đây.
Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển đổi còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa quy hoạch được các vùng tập trung quy mô lớn tại từng địa phương. Hệ thống thủy lợi ở vùng chuyển đổi chưa đáp ứng yêu cầu.
Thị trường tiêu thụ chưa ổn định, nông dân không an tâm khi chuyển đổi do có ít doanh nghiệp liên kết, ký hợp đồng với nông dân.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La cho rằng, kết cấu hạ tầng phục vụ nước tưới, bảo quản, chế biến như: hệ thống thủy lợi, kho tàng, sân phơi... còn thiếu chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất, công nghiệp chế biến nông sản có quy mô nhỏ, công nghệ thiết bị lạc hậu nên chất lượng còn thấp.
Theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt sản phẩm làm ra là để bán, nếu tiêu thụ thuận lợi, việc sản xuất sẽ dễ dàng hơn. Do vậy, phải tổ chức người nông dân thành các tổ hợp tác, các hợp tác xã. Hợp tác xã sẽ quản lý quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm sẽ đồng đều.
Việc tổ chức lại như vậy sẽ giúp doanh nghiệp vào hợp tác, thu mua thuận lợi hơn, đảm bảo được các điều khoản cam kết giữa bên sản xuất với người đầu tư, thu mua. Vấn đề tổ chức lại sản xuất hết sức là quan trọng. Trong thời gian tới, sẽ chú trọng mời các hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia cùng nông dân trong tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2015 và 2016 tình trạng hạn hán diễn ra rất nghiêm trọng ở nhiều vùng trên cả nước. Hàng chục nghìn héc ta không thể gieo cấy lúa. Trong điều kiện khô hạn thường xảy ra nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì giải pháp cần thiết là nông dân cần phải chuyển đổi từ trồng lúa sang cây trồng màu sử dụng ít nước hơn.
Thấy việc chuyển đổi này không chỉ có nhu cầu ở Đồng bằng sông Cửu Long, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 915/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 về chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Như vậy, khuyến khích nông dân vượt quá khó khăn, chuyển đổi thành công khi chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô, nông dân sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha./.
theo Bnews
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;