Học tập đạo đức HCM

Đại hội XII: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ bảy - 23/01/2016 05:27
Sáng 23/1, đồng chí Phạm S, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng tham luận về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Sáng 23/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng làm việc tại Hội trường tiếp tục thảo luận về các văn kiện trình Đại hội.

Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, Thủ tướng Chính phủ điều hành phiên thảo luận.

Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng đa ngành

Trong tham luận về vấn đề "Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" của đồng chí Phạm S, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ và giải pháp hết sức quan trọng, cần thiết với một số định hướng cơ bản như: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể ngành nông nghiệp và các quy hoạch chuyên ngành theo hướng đa ngành gồm: Tổ chức lại sản xuất, tập trung phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh của địa phương để hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn...

Trước mắt, tập trung xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao, Khu công nghiệp-nông nghiệp, Trung tâm sau thu hoạch và Trung tâm giao dịch hoa với sự tham gia của các doanh nghiệp Nhật Bản và một số nước tiên tiến để hình thành những cụm sản xuất đạt chất lượng, tiêu chuẩn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại các vùng theo quy hoạch; thu hút các nguồn lực đầu tư thông qua các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư FDI để đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Chủ động lựa chọn, áp dụng các công nghệ tiên tiến của thế giới theo phương thức đi tắt, đón đầu, đặc biệt là công nghệ giống, công nghệ tự động hóa, tin học hóa, công nghệ sau thu hoạch...

Cùng với đào tạo các chuyên gia đầu ngành, đào tạo các nhà quản trị giỏi của ngành nông nghiệp, cần tiếp tục thực hiện mô hình đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật, tay nghề cho nông dân theo hình thức vừa học vừa làm tại các nước có nền nông nghiệp tiên tiến; phát triển các mô hình hợp tác xã kiểu mới, liên kết sản xuất giữa nông dân-hợp tác xã-doanh nghiệp, hình thành chuỗi sản xuất-tiêu thụ nông sản an toàn với sự tham gia của các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp lớn trong nước và người nông dân là chủ thể trực tiếp thực hiện.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, quản lý chất lượng nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh việc áp dụng các quy chuẩn trong sản xuất như VietGAP, GlobalGAP, HACCP... nhằm nâng cao chất lượng nông sản đạt tiêu chuẩn, chất lượng, là cơ sở để phát triển thị trường xuất khẩu.

Để thực hiện có hiệu quả những định hướng, giải pháp nêu trên, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Trung ương tiếp tục có những cơ chế, chính sách để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp hợp tác, gắn bó hơn nữa với nông dân.

Nhà nước bố trí vốn trung hạn để triển khai khu nông nghiệp công nghệ cao của các tỉnh, thành nói chung, tỉnh Lâm Đồng nói riêng theo Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; có cơ chế và chiến lược hỗ trợ các địa phương, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; có chính sách bảo vệ hàng nông sản của Việt Nam trước sự cạnh tranh của một số nông sản nước ngoài...

Xây dựng mẫu hình "người nông dân mới"

Đọc tham luận tại Đại hội với chủ đề: "Xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong khối đại đoàn kết dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh," đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nêu rõ sau 30 năm thực hiện đổi mới và hội nhập thế giới, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận. Vị thế, vai trò của người nông dân, giai cấp nông dân được nâng cao, mở rộng và tham gia ngày một nhiều vào công việc của Đảng, Nhà nước, địa phương và cộng đồng.

Để đạt được mục tiêu “người nông dân là chủ thể của quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới,” thực hiện thành công công nghiệp hóa-hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, cần tiếp tục cụ thể hóa chương trình, nội dung trung hạn, dài hạn xây dựng giai cấp nông dân gắn liền với phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo nội dung Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Đầu tư cho “Tam nông” phải duy trì đúng theo Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), cơ chế, chính sách, phân bổ nguồn lực nên tập trung vào các vấn đề then chốt mà người nông dân sản xuất nhỏ đang mong đợi, gồm công nghiệp và phương tiện lưu giữ, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; xây dựng thương hiệu, thông tin thị trường; hạ tầng cơ sở vật chất cho vùng, miền theo quy hoạch sản xuất; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khoa học kỹ thuật tiên tiến và liên kết sản xuất, tiêu thụ. Trong tái cơ cấu nông nghiệp, chú trọng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành, hàng sản xuất theo thế mạnh của vùng miền, địa phương, đặc điểm đất, sinh thái cây trồng vật nuôi gắn với phát triển công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ cho phù hợp.

Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết khó khăn, tạo sức bật cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng tăng cường liên kết, nâng qui mô, phát triển kinh tế hợp tác theo chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng theo thế mạnh vùng, miền; mở rộng, nâng cao chất lượng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, có lộ trình thích hợp để nông dân tham gia và được hưởng lương hưu; tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục, dạy nghề, đưa thông tin về cơ sở tới từng địa bàn dân cư; tổng kết lý luận gắn thực tiễn, đề ra các tiêu chí cụ thể xây dựng mẫu hình "người nông dân mới" trong thời kỳ công nghiệp hóa-hiện đại hóa với các tiêu chí "nhận thức mới, kiến thức mới, ý thức mới, văn hóa mới, quyết tâm mới để có đời sống cao hơn; xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh, phù hợp với yêu cầu của tình hình mới.

Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo

Tham luận về vấn đề “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh, trật tự vùng có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn Trà Vinh,” đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết Trà Vinh là địa bàn trọng điểm, là nơi các thế lực thù địch luôn tìm cách lợi dụng vấn đề “dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền” để gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc và chống phá cách mạng. Xuất phát từ những đặc điểm đó, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của mình, trong từng thời kỳ, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể luôn quan tâm, nâng cao nhận thức và thực hiện nhất quán chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là luôn chú trọng xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo để phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tỉnh đã vận động và xây dựng được 512 người có uy tín. Nhiều người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo đã tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng và có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh ở cơ sở.

Theo đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng, tình hình an ninh vùng dân tộc, tôn giáo nước ta trong những năm qua cơ bản vẫn ổn định, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an ninh chính trị. Các thế lực thù địch và phản động đẩy mạnh các hoạt động để thực hiện âm mưu chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại hội XII: Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh trình bày tham luận. (Ảnh: TTXVN)

Tán thành những quan điểm về công tác dân tộc, tôn giáo được nêu trong Văn kiện Đại hội, đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng cho rằng để đạt được mục tiêu đó, cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp, một trong những giải pháp không kém phần quan trọng là phát huy tốt vai trò của những người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo. Từ thực tiễn, kinh nghiệm công tác vận động, xây dựng và phát huy vai trò của người có uy tín trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thời gian qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy Sơn Thị Ánh Hồng đề xuất quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc, tôn giáo và xây dựng cốt cán, người có uy tín trong đồng bào dân tộc, tôn giáo; tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng dân tộc, tôn giáo nói chung, với những người có uy tín trong dân tộc, tôn giáo nói riêng, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Đồng chí đề nghị, cần kịp thời biểu dương, khen thưởng những người uy tín, có thành tích tiêu biểu trong lao động sản xuất, trong công tác vận động đồng bào tham gia thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự làm nòng cốt trong các phong trào ở địa phương.

Các cơ quan chức năng thường xuyên cung cấp thông tin thời sự và những thông tin cần thiết cho người có uy tín bằng nhiều phương pháp, thông qua báo, đài bằng chữ và tiếng nói dân tộc, phù hợp với đặc điểm dân tộc của từng vùng miền, nhất là đối với người ở vùng sâu, vùng xa, ít có điều kiện tiếp cận với thông tin đại chúng; thường xuyên phổ biến cho người có uy tín về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến dân tộc, tôn giáo, đến đời sống, sản xuất và về quốc phòng, an ninh, phòng, chống tội phạm, về âm mưu, phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch...

Đồng chí Sơn Thị Ánh Hồng cho rằng cần tạo điều kiện cho người có uy tín được tham gia góp ý xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; tham gia các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” và các phong trào khác ở địa phương; trực tiếp tham gia công tác phòng ngừa, giải quyết những vụ tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân và những vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, tôn giáo và cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở, vận động, tổ chức đồng bào tích cực thực hiện.

Các ngành, các cấp quan tâm bồi dưỡng, bố trí người có uy tín vào tổ chức chính trị xã hội, tổ chức hòa giải hoặc cơ cấu vào Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp; phân công, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, hiểu biết về phong tục tập quán, về tín ngưỡng, tôn giáo, nhất là hiểu tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc, phong cách gần gũi, gắn bó, tận tâm với nhiệm vụ, có kinh nghiệm, được đồng bào, các vị chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tin cậy làm công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín, tạo môi trường thuận lợi cho người có uy tín tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

TTXVN tiếp tục thông tin về nội dung phiên thảo luận của Đại hội./.

nguồn:VietnamPlus

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập950
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại764,491
  • Tổng lượt truy cập93,142,155
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây