Với nụ cười thân thiện, chị Trần Ngọc Tuyết, ở xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, người được trao danh hiệu “Sao thần nông” và vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng, vui vẻ bộc bạch: “Nghề nông không chỉ giúp gia đình và bản thân tôi có công việc ổn định mà còn là cơ hội để tôi được chia sẻ, giúp đỡ những nông dân khác. Tôi sẽ cố gắng làm việc nhiều hơn, không ngừng tìm tòi, học hỏi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất để nâng cao chất lượng nhằm quảng bá sản phẩm của mình đến với nhiều nước trên thế giới”.
Chị Tuyết hiện là chủ vườn lan Mokara với diện tích 17.000m2, bình quân mỗi tháng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng (hơn một tỷ đồng/năm). Chị Tuyết kể, gia đình thuần nông, sản xuất lúa, trồng màu cho thu nhập bấp bênh, vì vậy, chị luôn đau đáu tìm một giống cây trồng thích hợp để có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2007, thành phố có chương trình cho nông dân vay vốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chị mạnh dạn vay 800 triệu đồng cải tạo ruộng lúa sang trồng lan. “Lấy ngắn nuôi dài”, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cứ như vậy, vườn lan của chị tăng dần lên cả nghìn gốc và trở thành một trong những vườn lan có quy mô lớn nhất thành phố hiện nay. “Ăn, ngủ” cùng bánh tráng, chị Phạm Thị Minh Linh ở ấp Tân Thới 3, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn đã đưa món bánh truyền thống của quê nhà đi trời Tây để đổi ngoại tệ. Chị nhớ lại, hồi đầu, chất lượng bánh loại A (để xuất khẩu) không cao, tiêu chuẩn nước ngoài rất khó đáp ứng. Chỉ cần một vài cái không đạt là nguyên lô sẽ bị trả về. Đó là chưa kể điều này sẽ tạo tiền lệ xấu, người nước ngoài không tin tưởng và muốn làm ăn với mình nữa. Thấy được vấn đề đó, chị Linh đã chú trọng ưu tiên về chất lượng bánh, chấp nhận bán ít, lời ít nhưng giữ được uy tín. Bằng những cố gắng không ngừng, những chiếc bánh loại A đã ra đời và được một doanh nghiệp ở Pháp đặt mua toàn bộ. Thành công ở thị trường Pháp, chị tiếp tục xuất bánh sang thị trường Mỹ và nhiều nước khác… Theo Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh, trong 5 năm qua (2012-2016), toàn thành phố có hơn 138 nghìn nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào nông dân thi đua làm giàu ngày càng lan tỏa trong tất cả lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ, trở thành tâm điểm trong đời sống kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn. Không chỉ lao động giỏi, nông dân còn biết ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tham gia thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mới chất lượng, an toàn và cạnh tranh về giá cả…, góp phần tích cực vào quá trình thực hiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Có 370 hộ đạt thu nhập từ 500 triệu đồng đến một tỷ đồng/năm; gần 60 hộ đạt thu nhập hơn một tỷ đồng/năm. Những nông dân “vàng” này đang góp phần tích cực cùng Hội Nông dân thành phố và các sở, ngành đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững và chung tay xây dựng làng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh…
Trong giai đoạn 2017 - 2020, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu mỗi tập thể đạt danh hiệu thi đua cấp thành phố nhận giúp đỡ một hộ nghèo. Đến năm 2020, tỷ lệ bình quân hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương đạt 5%, cấp thành phố đạt 10%, cấp huyện đạt 25%, cấp xã đạt 60%; mỗi chi hội tham gia giúp đỡ hai hộ nghèo và xây dựng một mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi mới có hiệu quả để nhân rộng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Hổ cho biết: Từ phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều hội viên nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi học hỏi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con, giống mới. Phong trào đã thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất, góp phần tăng thêm giá trị sản phẩm hàng hóa cho hội viên; khuyến khích, động viên cán bộ, hội viên cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa ở nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho rằng, lĩnh vực nông nghiệp tuy chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng GDP của thành phố, nhưng giá trị kinh tế đạt khoảng 180 nghìn tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2012-2016 là con số không nhỏ. Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để phát triển khu vực kinh tế nông thôn, đồng thời các cấp Hội Nông dân ở thành phố không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; bà con nông dân tích cực hơn nữa trong việc giúp nhau làm giàu, thoát nghèo bền vững, cùng xây dựng nền nông nghiệp thành phố phát triển hiện đại, bảo đảm an toàn…
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã