Chúng tôi về xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn khi những cánh đồng rau vụ đông đã khoác một mùa xanh mướt. Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông thẳng tắp ra cánh đồng, đồng chí Hà Văn Thái - Bí thư Đảng ủy xã phấn khởi nói: “Vụ đông ở đây đã trở thành vụ chính với hơn 50ha rau các loại cung cấp cho thị trường. Nhiều gia đình đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, chuyển những cây trồng kém hiệu quả sang trồng bưởi cho thu nhập khá cao. Cùng với trồng trọt người dân phát triển chăn nuôi. Quan hệ sản xuất đã có nhiều đổi mới. Trên địa bàn xã đã hình thành HTX nuôi gà Phú An mỗi lứa xuất bán ra thị trường 40 vạn con gà. Đời sống được nâng lên bà con trong xã sẵn sàng đóng góp hàng tỷ đồng, hàng nghìn ngày công làm đường bê tông, xây nhà văn hóa. Nhờ vậy xã đã đạt chuẩn NTM vào năm 2017”.
Không riêng Địch Quả nhiều làng quê đã trở nên trù phú nhờ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Trên lĩnh vực trồng trọt nhiều địa phương đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế từng vùng, kết hợp mở rộng quy mô sản xuất một số cây trồng chủ lực, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Cây lúa chất lượng cao, cây chè, cây ăn quả và cây rau màu. Các địa phương vùng chè cũng đã chú trọng cải tạo chất lượng thông qua trồng mới, trồng thay thế các giống chè cũ bằng các giống chè mới chất lượng cao hơn. Trên vùng đất bưởi Đoan Hùng đã đẩy mạnh phát triển cây bưởi gắn với phát triển kinh tế đồi rừng tại các vùng cao hạn, vùng đồi thấp đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng với trồng trọt các địa phương đã tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh, phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất hàng hóa, quy hoạch chăn nuôi theo hướng phát triển trang trại chăn nuôi tập trung chuỗi giá trị, giảm tỷ lệ chăn nuôi quy mô hộ nhỏ lẻ trong khu đông dân cư. Toàn tỉnh hiện có 245 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại, 4.300 số cơ sở chăn nuôi quy mô gia trại; 28 doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực chăn nuôi, trong đó có các công ty, tập đoàn lớn như: Dabaco, CP, RTD, DTK... Sản xuất thủy sản phát triển cả về lượng và chất, hình thành và phát triển 48 khu nuôi tập trung, 141 trang trại, 3 HTX tập trung trên địa bàn các huyện: Hạ Hòa, Lâm Thao, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Ba. Nuôi thâm canh cá lồng trên sông và hồ chứa phát triển mạnh mẽ, đến nay tổng số lồng lưới ước đạt trên 1.300 lồng và từng bước xây dựng được thương hiệu cá lồng sông Lô, sông Đà.
Đặc biệt sau khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, công nghiệp chế biến, cơ giới hóa và bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường ngày càng được chú trọng. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 47 cơ sở chế biến chè công suất chế biến trên 1 tấn chè búp tươi/ngày và trên 1.200 cơ sở chế biến chè thủ công gia đình. Trong những năm gần đây tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các làng nghề nông thôn phát triển ngày càng phong phú và đa dạng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm ngày càng được quan tâm, một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã được hỗ trợ sở hữu trí tuệ như: Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm bưởi Đoan Hùng; nhãn hiệu chứng nhận nhựa sơn Tam Nông; 4 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ nhãn hiệu tập thể gồm: Nếp Gà gáy Mỹ Lung, tương Dục Mỹ, chè xanh Chùa Tà, Mỳ gạo Hùng Lô... Nhờ xây dựng và phát triển thương hiệu đã nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập của người sản xuất.
Quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, các địa phương trong tỉnh đã tích cực huy động lồng ghép các nguồn vốn với phát triển sản xuất, chú trọng đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở. Tỷ lệ kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt trên 60%; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%. Nhiều mô hình, điển hình, kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM được tổng kết, triển khai nhân rộng trên toàn tỉnh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên đáng kể, đạt gần 25 triệu đồng/người/năm.
Mặc dù nông nghiệp, nông thôn đã có sự đổi thay rõ nét sau khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nhưng sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ vẫn còn phổ biến. Việc đổi mới các hình thức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn còn chậm; việc gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ chưa bền vững; chuyển giao ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn thiếu đồng bộ đặc biệt là thủy lợi và giao thông nông thôn.
Theo ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Trong thời gian tới các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh, gắn kết với thị trường để phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống của nông dân. Đặc biệt chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, quan hệ sản xuất, tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, gia trại tăng quy mô sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tăng cường sự liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;