Học tập đạo đức HCM

Gắn với cộng đồng

Thứ hai - 18/01/2016 01:51
Không phải là người Mặt trận “chuyên nghiệp” nhưng GS.TS Đặng Huy Huỳnh lại rất quan tâm đến công tác này. Ông say sưa khi nói về môi trường, về cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Mặt trận phát động và bảo rằng, “mình quan tâm nhiều đến tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí, bởi có rất nhiều điều đáng bàn”.
 

Gắn với cộng đồng

GS.TS Đặng Huy Huỳnh.

Tính cả tuổi ta ông đã bước sang 86, thế nhưng vẫn là một trí tuệ mẫn tiệp, một tinh thần làm việc không mệt mỏi. Người ta thấy vị Giáo sư đáng kính ấy vẫn đi về giữa các tỉnh thành, khi lên miền núi, lúc xuống miền biển chỉ với mong muốn giản dị nhưng vô cùng cao đẹp: làm thế nào để cứu được một cây cổ thụ, cứu được một không gian sống trong lành cho cộng đồng.

GS.TS Đặng Huy Huỳnh là một trong những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Cùng với tập thể các nhà khoa học, ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ - giải thưởng danh giá tặng cho những nhà khoa học có công trình nghiên cứu đặc biệt xuất sắc.

Hơn nửa thế kỷ qua, ngoài việc nghiên cứu khoa học ở Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, ông còn giảng dạy và hướng dẫn chính cho nhiều lớp cán bộ nghiên cứu, giảng viên ở các viện nghiên cứu, trường Đại học. Suốt cuộc đời làm nghiên cứu, GS.TS Đặng Huy Huỳnh luôn tâm niệm bảo tồn thiên nhiên cần phải dựa vào cộng đồng. Trách nhiệm của người làm khoa học là phải tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp cho người dân hiểu rõ nếu bảo tồn thiên nhiên họ sẽ được hưởng lợi gì. Đó cũng là lý do ở tuổi này, ông vẫn đi về không mệt mỏi.

Và càng trân quý hơn, không phải là người Mặt trận “chuyên nghiệp” nhưng GS Huỳnh lại rất quan tâm đến công tác này. Ông say sưa khi nói về môi trường, về cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh do Mặt trận phát động và bảo rằng, “mình quan tâm nhiều đến tiêu chí môi trường trong 19 tiêu chí, bởi có rất nhiều điều đáng bàn”.

PV: Thưa GS, “điều đáng bàn” mà ông đề cập đến là gì?

GS.TS ĐẶNG HUY HUỲNH: Đó chính là phải giữ lại không gian xanh. Cũng đã nhiều lần tôi có đề nghị với các cơ quan chức năng, khi làm quy hoạch xây dựng nông thôn mới xin đừng chỉ chú ý đến những công trình bê tông hóa như đường, trường, trạm mà lơ là tiêu chí về môi trường. Đừng cứ máy móc là phải có đủ các công trình bê tông hóa mà phá bỏ cây xanh hay lấp đi hồ nước- bởi đó là một cái máy điều hòa từ thiên nhiên vô cùng tuyệt với giúp cân bằng sinh thái.

Về một số địa phương, tôi có cảm giác người dân lạc lõng ngay trong chính môi trường sống của mình. Nhiều hàng rào cây xanh mát, những thảm cỏ, hồ nước trước đây giờ đã bị bê tông hóa. Đó đâu phải là không gian của làng quê. Cuộc sống của người dân nông thôn ngoài nhà cửa, chuồng nuôi, đường xá… dứt khoát phải có khoảng không gian xanh với cỏ cây, ao hồ. Ai cũng biết, cây xanh tích lũy cácbon, thải oxy; nước ở các hồ ao không chỉ giữ độ ẩm, giúp cho cây cối phát triển tốt mà còn tạo không khí mát mẻ cho người dân. Cái lợi đó không tính được bằng tiền, nó là sức khỏe, là sự bền vững cho cả thế hệ hôm nay và mai sau.

Vậy làm thế nào để vừa hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vừa giữ môi trường xanh ở nông thôn, thưa GS?

- Trong những năm qua Nhà nước đầu tư rất nhiều cho chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hợp lòng dân. Thế nhưng, điều tôi muốn nói ở đây là khi thực hiện nhiều người còn máy móc, cứ nghĩ xây dựng một con đường, một công trình ngay hàng thẳng lối là đẹp, là hoàn thành các tiêu chí. Xây dựng nông thôn mới theo tôi như thế chưa đủ, bằng chứng là đã có hẳn một tiêu chí về môi trường, trong đó việc giữ gìn không gian xanh vô cùng quan trọng.

Để làm được việc này, nên chăng trước khi thực hiện một tiêu chí nào đó cơ quan chức năng có một cuộc họp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương như MTTQ, Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ và người có uy tín- những người đại diện cho cộng đồng để bàn bạc xem nên hay không nên làm cái này, cái kia để có lợi cho cuộc sống, môi trường và sinh kế của người dân. Tôi lấy ví dụ như việc thay thế các hàng rào cây xanh bằng tường gạch hay lấp một cái hồ để xây dựng một công trình nào đó chúng ta phải phân tích, cân nhắc xem nó ảnh hưởng thế nào đến môi trường sống của người dân? Từ đó có thể tìm một giải pháp hợp lý hơn để vừa có công trình phục vụ dân sinh vừa giữ được không gian xanh cho người dân thụ hưởng.

Theo ông vai trò của MTTQ các cấp trong vấn đề này như thế nào?

-Bảo vệ môi trường không phải là nhiệm vụ riêng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ mà là nhiệm vụ của toàn dân, trong đó Mặt trận có nghĩa vụ vận động toàn dân thực hiện. Nói cụ thể như ở phường Vĩnh Phúc nơi tôi ở, tại những cuộc họp dân phố đều có nêu ra vấn đề môi trường và Ban Công tác Mặt trận luôn là tổ chức đứng ra vận động, giám sát người dân trong quá trình thực hiện. Thực tế cho thấy, nếu cứ họp bàn đề ra việc này, việc kia nhưng không có quá trình kiểm tra, giám sát thì kết quả không thể đạt được như mong muốn.

Ngoài ra, điều tôi muốn góp ý là cần phải khơi dậy tiềm năng trong dân, đó là kinh nghiệm trong thực hiện, trong giám sát. Mà vai trò này thuộc về MTTQ. Môi trường có trong lành thì gia đình khỏe, cộng đồng khỏe. Môi trường của chúng ta hiện nay đang ở mức báo động, nhưng tôi cho rằng so với các nước đang phát triển thì vẫn ở ngưỡng còn cứu vãn được. Chúng ta đã hòa nhập vào Cộng đồng ASEAN. Nếu so với các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia trình độ phát triển của chúng ta không thua kém nhưng môi trường thì còn phải học hỏi họ nhiều. Sở dĩ họ làm được như vậy vì ý thức của người dân đã được xây dựng rất tốt. Có được ý thức tốt chính là do quá trình tuyên truyền, kiểm tra, giám sát.

Là một nhà khoa học, ông đánh giá thế nào về vai trò của các trí thức khi tham gia vào mái nhà chung của MTTQ Việt Nam?

-Tôi nghĩ, giới khoa học cũng là một thành phần trong ngôi nhà chung của MTTQ Việt Nam. Hiện nay có nhiều nhà khoa học tham gia Hội đồng tư vấn của MTTQ, như GS Phạm Trân Châu, GS Nguyễn Lân Dũng, GS Đỗ Quang Hưng, PGS.TS Bùi Thị An, GS.TS Nguyễn Thị Kim Thoa…

Năm 2015, tại các kỳ cuộc lớn của MTTQ như đại hội MTTQ lần thứ VIII, đại diện UBTƯ MTTQ Việt Nam đều đến Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam và trao đổi với các nhà khoa học về chủ trương của Đảng và Nhà nước về vai trò phản biện của các nhà khoa học. Chúng tôi rất trân trọng và cám ơn MTTQ luôn chú ý phát huy vai trò của giới tri thức trong việc đóng góp ý kiến và phản biện các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước với mục đích cuối cùng để công tác quản lý được gần dân, sát dân hơn.

Thế nhưng đó là ở Trung ương, còn ở địa phương tôi thấy công tác này dường như vẫn mờ nhạt. Cấp xã thì khó nhưng cấp huyện, tỉnh thì phải để ý. Các nhà khoa học không chỉ riêng trí thức mà phải kể đến cả những nhà khoa học nông dân, họ là những người chế tạo ra các máy móc phục vụ lợi ích của cộng đồng.

Nếu MTTQ có cuộc điều tra xem 63 tỉnh, thành xem có bao nhiêu sáng kiến phục vụ cộng đồng để tích lũy thành những bài học thì đó là việc rất tốt. Họ là những người yêu nước, có ý thức về vấn đề thi đua, thế nhưng họ vẫn chưa được nhắc đến nhiều. Nên có chương trình điều tra, thống kê, từ đó tổ chức các hội đồng khoa học theo ngành. Làm được việc đó tức là ta có thêm được nhiều trí thức. Theo tôi, đó chính là phát huy sức mạnh cộng đồng, và hơn ai hết, chỉ có MTTQ các cấp, những tổ chức gần dân, sát dân mới có thể thực hiện được việc đó.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

GS.TS Đặng Huy Huỳnh là một trong những người lính đầu tiên đã có mặt trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Lào chiến đấu giành độc lập. Sau 9 năm chiến đấu trở về ông được cử đi đào tạo ở nước ngoài. Trải qua nhiều cương vị khác nhau: Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh Vật (Viện Khoa học Việt Nam), Ủy viên BCH Trung ương Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam…ông đã vinh dự được nhận nhiều giải thưởng, bằng khen. Thế nhưng khi đề cập về thành tích của mình, vị GS ấy vẫn khiêm tốn, “tôi chỉ muốn đóng góp một phần công sức để phục vụ cuộc sống xanh - sạch - đẹp cho cộng đồng, cho mỗi người dân”.

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập415
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại859,839
  • Tổng lượt truy cập92,033,568
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây