Học tập đạo đức HCM

Giữ hồn dân tộc trong lòng nông thôn mới

Chủ nhật - 07/05/2017 08:34
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều thành tựu. Cái nổi bật của Hà Tĩnh hôm nay chính là “ghi điểm” ở công cuộc xây dựng nông thôn mới. Ở đó, không chỉ đời sống vật chất được nâng lên cao mà những tinh hoa văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát triển.

Hình ảnh đẹp  của những khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở Hà Tĩnh.

Tìm một hướng đi 

Với quan điểm làm nông thôn mới (NTM) phải thực chất, bền vững, không chạy theo thành tích, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã có những bước đi riêng, sáng tạo, không những được chính người dân đồng thuận mà còn được Trung ương và các tỉnh bạn đánh giá cao.

Ông Trần Huy Oánh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh từng nói rằng: “Với người dân Hà Tĩnh, làm NTM từ yêu cầu nay đã trở thành nhu cầu, từ hi vọng trở thành khát vọng, từ nhận thức phải làm nay muốn được làm”. Việc thay đổi nhận thức và tìm hướng đi riêng chính là yếu tố quyết định thành quả của NTM Hà Tĩnh hôm nay.

Quay ngược thời gian cách đây 4 năm, khi đánh giá các xã đạt chuẩn NTM năm 2013 theo bộ tiêu chí Quốc gia, mặc dù Hà Tĩnh đánh giá bài bản, chặt chẽ song thực tế các xã được công nhận đạt chuẩn cho thấy bộ mặt nông thôn chưa có sự thay đổi rõ nét.

Thực trạng khu dân cư, vườn hộ có nhiều hạn chế, tiềm năng phát triển kinh tế vườn lớn nhưng chưa được khai thác (doanh thu 1 vườn dưới 9 triệu đồng/năm, bình quân 1.000m2 dưới 7 triệu đồng/năm), môi trường, cảnh quan chưa sạch, đẹp; sản xuất tự cung, tự cấp là chủ yếu; việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ còn hạn chế…Những yếu tố này đã thôi thúc những người làm NTM ở Hà Tĩnh tìm hướng đi riêng, khai phá những tiềm năng của kinh tế vườn, hộ - mấu chốt của kinh tế nông thôn. 

Ban đầu, Hà Tĩnh triển khai thí điểm tại 5 thôn đại diện cho 3 vùng miền sinh thái, sau 1 năm thực hiện, ban chỉ đạo NTM tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức sơ kết, đánh giá. Nhận thấy hiệu quả mang lại khá thuyết phục, bộ mặt nông thôn đổi thay hiện hữu, người dân đồng tình, hưởng ứng rất cao.

Từ đó, Hà Tĩnh tiến hành nhân rộng mô hình và ban hành Tiêu chí Khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu với “10 chuẩn” cần phải đạt, trong đó trọng tâm là chỉnh trang, sắp xếp, bố trí lại khu dân cư, nhà ở, công trình phụ trợ, xanh hóa hàng rào, cải thiện cảnh quan môi trường…

Sau khi thực hiện đại trà tiêu chí số 20, bộ mặt nông thôn Hà Tĩnh thực sự đổi thay toàn diện, đi vào chiều sâu vì tiêu chí này hiện thực hóa đa mục tiêu. Vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa thân thiện với môi trường, tạo cảnh quan đẹp cho nông thôn, nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ và là cách tốt nhất để áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất ngay trong khuôn viên hộ gia đình. Ngoài ra, đây còn là “bước đệm” để Hà Tĩnh triển khai du lịch sinh thái, du khách được trải nghiệm làm nông dân. 

Có thể nói, tiêu chí Khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu của Hà Tĩnh là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, từ 240 vườn mẫu đến nay toàn tỉnh đã có trên 5.556 vườn (trong đó có 2.300 vườn đạt trên 50% so với chuẩn, 1.300 vườn đạt chuẩn). Từ kinh tế vườn hộ, mỗi làng, mỗi địa phương đã xác định được sản phẩm hàng hóa chủ lực, tiêu biểu như làng rau gia vị tại thôn La Xá (Thạch Lâm, Thạch Hà), vùng chuyên canh rau giống tại thôn Hồng Lĩnh (xã Vượng Lộc, Can Lộc), vùng trồng cây ăn quả nổi tiếng như bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây (huyện Hương Khê), bưởi Thượng Lộc (huyện Can Lộc)…

Việc thực hiện tiêu chí 20 giúp người nông dân hàng ngày “hái” ra tiền ngay trong mảnh vườn của mình. Đến nay bình quân doanh thu 1 vườn đạt 50-80 triệu đồng, có khoảng 2.000 vườn có thu nhập từ 500 triệu đồng, trong đó có khoảng 600 vườn thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm.

Tiêu biểu như ông Phan Văn Liệu (thôn Bồng Giang, Đức Giang, Vũ Quang) doanh thu trên 1,3 tỷ đồng/năm; ông Trần Ngọc Hóa (thôn 2, Sơn Thọ, Vũ Quang) doanh thu 1,2 tỷ đồng/năm; ông Trần Nhật Tân (thôn Nam Trà, Hương Trà, Hương Khê) doanh thu 1,3 tỷ đồng/năm…

Nhưng, điều giá trị nhất trong cách làm sáng tạo của Hà Tĩnh có lẽ là lưu giữ những giá trị văn hóa trường tồn trong lòng NTM. Điều đó được thể hiện rõ nét ở vùng đất văn hiến Nghi Xuân – quê hương của Đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du cùng mô hình trải nghiệm nông dân xưa và nay ở huyện Hương Khê.

Mỗi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu ở Nghi Xuân đều có một CLB văn nghệ dân gian.

Nơi lưu giữ hồn dân tộc

Những giá trị văn hóa truyền thống nổi tiếng như Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, ca trù, trò Kiều, chèo nghẹt…đã làm nên một Nghi Xuân rất riêng, rất giàu bản sắc. Trong công cuộc xây dựng NTM hiện nay, Nghi Xuân đang nỗ lực “đẩy” những giá trị truyền thống ấy lên một nấc thang mới và chính những “đặc sản” văn hóa này sẽ là “cần câu” giúp dân nghèo làm giàu ngay trên chính mảnh đất mình sinh ra.

Để xây dựng một Nghi Xuân mang đặc trưng riêng, huyện đã có chủ trương ưu tiên phát triển các giá trị văn hóa truyền thống. Trong tiêu chí thứ 20, ngoài “10 chuẩn” chung của tỉnh, huyện Nghi Xuân còn đề ra một yêu cầu là mỗi Khu dân cư NTM kiểu mẫu phải thành lập thêm 1 câu lạc bộ (CLB) văn nghệ dân gian. 

Nghi Xuân vốn đã nổi tiếng là cái nôi của ca trù, trò Kiều, dân ca ví giặm…nhiều CLB văn nghệ dân gian đã hình thành ở nhiều xã nhưng nơi có nơi không. Việc thành lập các CLB văn nghệ dân gian tại các Khu dân cư NTM kiểu mẫu chính là tiền đề “chắp cánh” cho những “đặc sản” của huyện được vươn xa hơn, tạo điều kiện cho người dân sáng tạo, hưởng thụ và hướng tới du lịch trải nghiệm làng xã NTM. Các CLB văn nghệ dân gian sẽ là cầu nối hữu ích đưa du khách đến với Nghi Xuân nhiều hơn và trong tương lai chính CLB này sẽ tự “nuôi sống” mình và làm giàu cho chính chủ thể sáng tạo - những người nông dân chất phác.

Chia sẻ với phóng viên Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Hải Nam- Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân cho biết: “Phát sinh câu chuyện mỗi khu dân cư thành lập một CLB văn nghệ dân gian là vì trong những năm gần đây, Nghi Xuân có đến mấy trăm đoàn tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng NTM. Nhưng họ chỉ đến thăm quan, nghe báo cáo tình hình rồi đi, địa phương không có hề một nguồn thu nào cả. Từ đó tôi mới nghĩ, thông qua việc này mình có thể làm du lịch giống như các miệt vườn miền Nam, khi khách đến tham quan các miệt vườn được nghe đờn ca tài tử, được ăn hoa quả và trả tiền cho họ…thì tôi mới tính  là phải xây dựng các CLB này, để khi du khách về đây vừa được nghe bà con biểu diễn, được học tập kinh nghiệm, được trải nghiệm, được làm NTM và được thưởng thức các sản phẩm do chính bà con nông dân làm ra”. 

Bước đầu Nghi Xuân đã rất thành công trong tour du lịch với tên gọi “Chiêm ngưỡng, trải nghiệm làng quê NTM”, du khách được tham quan, trải nghiệm mô hình du lịch làng xã NTM tại các xã Xuân Viên, Xuân Mỹ, Xuân Phổ, Xuân Thành. Đến nay đã có rất nhiều tour đăng ký, đặc biệt là những người có con em đang học tập ở nước ngoài, khi nhìn thấy loại hình du lịch trải nghiệm này thì rất muốn về để trải nghiệm, chiêm ngưỡng. Bây giờ du khách khi về Nghi Xuân cần nghe ca trù hay trò Kiều, sắc bùa, hát văn, dân ca ví giặm…thì người dân phục vụ ngay.

Ngoài ra, Nghi Xuân đang tập trung khai thác các tiềm năng ẩm thực ở làng quê. Du khách khi về các vùng quê ở đây được đơm cá, đuổi gà, bắt lợn, ăn bánh đúc, bánh đùm bằng gạo chiêm…và tự chế biến. Một số làng nghề như nồi đất ở Cổ Đạm, làm nón ở Tiên Điền cũng đang được khôi phục để sản xuất ra các sản phẩm du lịch phục vụ du khách.

Nhận xét về những mô hình du lịch trải nghiệm ở Nghi Xuân, ông Hồ Viết Nhuận (du khách đến từ huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: “Nghi Xuân có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, làm du lịch trải nghiệm NTM. Cái hay của NTM ở đây là đã khơi dậy được các nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương. Vừa nhâm nhi ly trà xanh, vừa nghe người thôn quê lẩy Kiều, hát ca trù, tôi như được sống lại không gian văn hóa Việt Nam của một thời xa xưa. Cách làm NTM này vừa hiệu quả, vừa phát huy giá trị văn hóa truyền thống nên chúng tôi sẽ nghiên cứu để triển khai ở địa phương mình trong thời gian tới”.

Còn tại miền sơn cước huyện Hương Khê, Khu bảo tồn truyền thống Hương Bình (xã Hương Bình) lại đưa du khách về không gian xưa yên bình. Không gian này lưu giữ những cách làm nông từ thời xa xưa, khi chưa có công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Du khách được hoài niệm về một thời xay lúa bằng cối, giã gạo bằng chày, cày bừa bằng tay… Điều này được tái hiện rõ nét qua 3 ngôi nhà gỗ đặc biệt và 8 gian nhà khác trưng bày hơn 500 hiện vật nông cụ độc đáo từ thời xa xưa như: guồng nước, lưỡi hái, đơm, đó, thúng, nia, cối giã gạo, áo tơi, võng tre, đèn dầu, kiềng, nồi đất, bát, đũa, mâm gỗ…

Sáng tạo nhưng vẫn giữ được “hồn” dân tộc trong lòng NTM là hướng phát triển bền vững mà Hà Tĩnh lựa chọn. Điều này đã, đang và sẽ làm nên một Hà Tĩnh “xanh” nổi bật. Tuy nhiên, để “hút” du khách nhiều hơn nữa, thiết nghĩ cần kết nối tất cả các loại hình du lịch, tạo thành những tour, tuyến xuyên suốt để níu du khách ở lại lâu hơn.

Việc thành lập các CLB văn nghệ dân gian tại các Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu chính là tiền đề “chắp cánh” cho những “đặc sản” của địa phương được vươn xa hơn, tạo điều kiện cho người dân sáng tạo, hưởng thụ và hướng tới du lịch trải nghiệm làng xã NTM. Các CLB văn nghệ dân gian là “cầu nối” hữu ích đưa du khách đến với Hà Tĩnh nhiều hơn và trong tương lai chính CLB này sẽ tự “nuôi sống” mình và làm giàu cho chính chủ thể sáng tạo - những người nông dân chất phác.
 

Theo: Hạnh Nguyên/daidoanket.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập912
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại746,123
  • Tổng lượt truy cập93,123,787
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây