Một trong những vi phạm mà QTDND Mỹ Bình và QTDND Vĩnh Chánh (tỉnh An Giang) được ghi trong các văn bản kết luận thanh tra mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) công bố hồi tháng 10-2014, là vi phạm quy định về thủ tục bảo đảm tiền vay. Cụ thể, tại QTDND Mỹ Bình có 285 trong số 1.015 hồ sơ được kiểm tra, dư nợ 219.809 triệu đồng. Ðây là các khoản vay khách hàng thế chấp bằng quyền sử dụng đất nhưng mới chỉ có thủ tục công chứng, xác nhận của xã, phường. Tại QTDND Vĩnh Chánh cũng cho vay thế chấp tài sản không đăng ký giao dịch bảo đảm đối với 195 khách hàng với tổng dư nợ 14.884 triệu đồng, vi phạm Ðiều 12, Nghị định 163/2006/NÐ-CP ngày 29-12-2006.
Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện riêng của hai QTDND này khi những quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm quá mất thời gian và chi phí cho các thành viên QTDND. Ðơn cử như ở Thái Bình, các tổ chức tín dụng phải dùng từ "sống chung với nó". "Nó" ở đây được gắn với mỹ từ "dịch vụ công", việc đăng ký giao dịch bảo đảm ban đầu được chuyển từ xã, rồi lên huyện, bây giờ lên tới tận cấp tỉnh, đi lại xa xôi cách trở, nếu đến chậm sau 15 giờ, phải đợi hôm sau mới lấy được. Chưa kể những bất cập về nhận thức pháp luật, chẳng hạn tài sản của vợ chồng thì mục đích sử dụng là riêng, nhưng vì có hai người nên lại áp dụng thành tài sản chung như tài sản bảo đảm là đất cấp cho hộ gia đình. Vì vậy, khi ký bảo lãnh thì không chỉ có hai vợ chồng mà toàn bộ các thành viên trong gia đình từ 15 tuổi trở lên đều phải ký vào hợp đồng bảo lãnh/thế chấp.
Các QTDND hoạt động trên địa bàn phường, xã và đối tượng phục vụ chủ yếu là nông nghiệp, nông dân và nông thôn, do đó các món cho vay thành viên thường nhỏ. Việc đăng ký giao dịch bảo đảm khi nhận tài sản bảo đảm tiền vay là bất động sản gặp nhiều khó khăn do khách hàng phải công chứng và đăng ký giao dịch ở xa và mất nhiều chi phí, thời gian đi lại (văn phòng công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm thường đặt trụ sở ở trung tâm huyện, tỉnh/thành phố). Do vậy, tại một số QTDND khi cho vay có nhận tài sản bảo đảm tiền vay là bất động sản đã không đăng ký giao dịch bảo đảm, cho nên khi tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu được coi là cho vay không có tài sản bảo đảm và được áp dụng hệ số rủi ro là 100%. Theo đó, các QTDND có tình trạng nêu trên không đạt tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, cho nên không đủ điều kiện được vay vốn ngân hàng hợp tác.
Một quy định khác cũng làm "đau đầu" các QTDND, đó là việc tổ chức Ðại hội thành viên. Theo Luật HTX mới, không được ít hơn 20% tổng số thành viên, HTX thành viên đối với HTX, Liên hiệp HTX có từ hơn 300 đến 1.000 thành viên, HTX thành viên; không được ít hơn 200 đại biểu đối với HTX, Liên hiệp HTX có hơn 1.000 thành viên, HTX thành viên. Ðiều này là quá khó đối với các QTDND, bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng thì QTDND chỉ được cho vay các thành viên, bởi vậy QTDND phải phát triển các thành viên để mở rộng tín dụng. Song, huy động các thành viên tham gia Ðại hội đủ theo quy định là việc rất khó và cũng không cần thiết, nhất là với những QTDND khu vực miền núi, địa hình phân tán và xa xôi, chưa kể phòng họp của UBND xã và thôn không đủ sức chứa. Hơn nữa, kèm theo quy mô tổ chức lớn là khoản kinh phí không nhỏ. Ðiều này vô tình tạo thêm áp lực đối với hoạt động của QTDND, vốn đã rất eo hẹp và khó khăn. Với các QTDND đang "khát vốn", quy định vốn nhàn rỗi của QTDND thành viên phải gửi vào tài khoản tiền gửi điều hòa vốn tại ngân hàng hợp tác và duy trì một mức tối thiểu do đại hội thành viên ngân hàng hợp tác tại Thông tư 31/2012/TT-NHNN và Quy chế 177QC- HÐQT-NHHT, cũng là một khó khăn. Quy định tỷ lệ duy trì tiền gửi tối thiểu 3% theo Quy chế 177 của ngân hàng hợp tác, sẽ gây khó khăn cho những quỹ có vốn huy động hạn chế. Vì kể cả khi họ thiếu vốn, vẫn phải gửi vào ngân hàng hợp tác, điều này không thể hiện được mục tiêu điều hòa vốn nhàn rỗi từ QTDND thừa đến QTDND thiếu vốn.
Như vậy, qua thực tế hoạt động của QTDND, có thể thấy hệ thống chính sách cho đối tượng này còn nhiều bất cập. Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần sớm ban hành các thông tư điều chỉnh hoạt động QTDND sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, các văn bản cũng cần được nghiên cứu sát thực tế hơn để hỗ trợ các QTDND phát triển.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã