* Những gam màu mới
Vạch từng tán lá lên để khoe chúng tôi những chùm đậu xanh mướt, anh Huỳnh Văn To cho biết, anh cùng nhiều hộ dân đã tham gia Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thân Thiện thuộc khu vực Tân Lợi 1, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt. Với 13 công đất lúa, anh đã chuyển 8 công sang chuyên canh rau màu, 5 công còn lại luân canh lúa- bắp. Mỗi vụ bắp chỉ khoảng 45 ngày, nhưng nông dân dễ dàng kiếm lời 4-6 triệu đồng, cao gấp 3-4 lần so trồng lúa. Nhờ Ban Quản trị HTX năng động kết nối với tiểu thương và các đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, nên bà con mạnh dạn đưa xuống nền đất lúa những loại rau màu mới.
Tiếp nối câu chuyện, Giám đốc HTX nông nghiệp Thân Thiện- Huỳnh Văn Chiến, cười tươi: “Ruộng bắp của tôi trồng bắp ngọt và được bao tiêu với giá 4.000-4.500 đồng/kg bắp tươi nguyên trái. Năng suất bắp có thể đạt từ 18-25 tấn/ha trở lên, lại nhẹ công chăm sóc, nhiều bà con thu nhập khá nhờ cây trồng này”. Theo anh Chiến, năm qua, 17 xã viên của HTX luân canh 2 vụ lúa và 2 vụ bắp ngọt trên diện tích 13,26 ha; doanh thu hơn 3,19 tỉ đồng, trừ chi phí, nông dân thu lợi nhuận hơn 138 triệu đồng/ha. Với mô hình đậu nành rau, doanh nghiệp bao tiêu 10.000 đồng/kg, nếu năng suất đạt 1,5-2 tấn/công trở lên, nông dân thu trên 10 triệu đồng/vụ. “Bây giờ mình phải chịu đổi mới, sản xuất và bán những cái khách hàng cần chứ không phải những cái mình có, sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”- anh Chiến nói chắc nịch.
Đến với vùng đất lúa chủ lực của Cần Thơ- Cờ Đỏ những ngày giáp Tết, đồng lúa xanh bạt ngàn, thơm nức mùi lúa trổ đòng. Chen giữa màu xanh của lúa là những ruộng sen đang trổ bông thơm ngát, những rẫy rau màu rộ sắc vàng của mướp, bí đương hoa, vườn trái cây trĩu quả. Với những ai lâu ngày có dịp trở lại Cờ Đỏ sẽ ngỡ ngàng trước sự “thay da, đổi thịt” của những vùng quê nghèo thuộc xã Thới Hưng- vốn trước đây chỉ toàn lúa và lúa.
Ông Phan Văn Tây, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng xoài ở ấp 8, xã Thới Hưng, hồ hởi khoe: “Ở đây, đa số hộ dân mới chuyển đổi sang trồng cây ăn trái trên một phần diện tích canh tác, còn lại trồng lúa, rau màu và nuôi thủy sản để lấy ngắn nuôi dài. Bình quân thu nhập nông hộ khoảng 200-300 triệu đồng/năm trở lên. Chúng tôi nhận thấy, nhu cầu rau quả phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu rất lớn. Nông dân chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ thêm về vốn, kỹ thuật để mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và đổi đời”. Theo lãnh đạo địa phương, trước đây, dù cố gắng tăng gia sản xuất 3 vụ lúa/năm nhưng cái nghèo vẫn đeo bám nhiều hộ dân nơi đây. Còn 3-4 năm trở lại đây, thu nhập và đời sống của người dân được nâng cao rõ nét. Từ thế độc canh cây lúa, giờ nông dân chuyển sang phát triển trồng nhiều loại cây trồng vật nuôi có giá trị cao, nhất là rau màu và cây ăn trái.
Thông tin về sự đổi thay này, ông Đặng Hồng Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, cho biết, xã có hơn 2.200 ha cây ăn trái, hơn 1.000 ha sản xuất rau màu chuyên canh và chỉ còn khoảng 3.000 ha trồng lúa. Đất lúa sẽ tiếp tục giảm để nhường chỗ cho các loại cây trồng vật nuôi hiệu quả hơn, như: xoài cát Hòa Lộc, xoài giống Đài Loan, nhãn Ido... cho thu nhập mỗi năm từ 20-40 triệu đồng/công. Xã hiện có khoảng 1.000 hộ dân có diện tích trồng cây ăn trái từ 2 ha trở lên. Đây là cơ hội để nhiều hộ dân vươn lên trở thành tỉ phú nông thôn.
* Triển vọng tương lai
Sự chuyển động của ngành nông nghiệp gắn liền với câu chuyện “4 nhà” ngồi chung một thuyền và mục tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Mãi, Phó trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Thốt Nốt đã phát triển được nhiều mô hình sản xuất kết hợp cho hiệu quả kinh tế cao, như mô hình chuyên canh trồng rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái và nuôi thủy sản theo hướng chất lượng cao, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Đây là “điểm sáng” để ngành nông nghiệp, nông dân có động lực đổi mới, sáng tạo”.
Còn theo kết quả rà soát, đánh giá của phòng chức năng huyện Cờ Đỏ, năm 2017 doanh thu bình quân trên 1ha đất sản xuất lúa 3 vụ tại huyện là 106 triệu đồng, nông dân có lợi nhuận bình quân 47,3 triệu đồng, riêng nông dân trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn lợi nhuận tăng thêm khoảng 4,5 triệu đồng/ha. Nông dân thực hiện luân canh 2 lúa - 1 màu, lợi nhuận bình quân 49,7 triệu đồng/ha, mô hình chuyên cây ăn trái đạt lợi nhuận 234,9 triệu đồng/ha, mô hình chuyên canh trồng màu đạt 369,9 triệu đồng/ha... “Huyện xác định phải tập trung thực hiện cánh đồng lớn và có hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp. Liên kết “4 nhà” để thực hiện cuộc chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững trong tương lai”- Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ Nguyễn Thực Hiện cho biết.
Ở huyện Phong Điền, chính quyền và người dân nơi đây đang dựa vào vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái để phát triển. Gần đây, thu nhập bình quân trên 1ha đất nông nghiệp của huyện Phong Điền đạt 170 triệu đồng/năm. Phong Điền đặt mục tiêu đến năm 2020, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 200 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tái cơ cấu sản xuất, huyện xác định kinh tế vườn là một thế mạnh rất quan trọng cần đầu tư phát triển gắn với du lịch mới nâng cao được thu nhập cho nông dân. Nhờ linh động chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà giá trị sản xuất nông nghiệp tăng hơn 280 tỉ đồng so với năm trước, đạt mức 1.999 tỉ đồng. Nông dân trồng cây vú sữa và sầu riêng có thể đạt thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm…
Nhận xét về cuộc chuyển đổi sản xuất, ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, nói: “Sản xuất nông nghiệp tại thành phố có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao, tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đây là nền tảng để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành trong thời gian tới”. Rõ ràng, trong xu thế công nghiệp hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Cần Thơ giảm dần, nhưng hiệu quả sản xuất từng bước nâng cao. Trong sự chuyển động ấy, người nông dân- chủ thể sản xuất đã uyển chuyển đổi mới sản xuất, thay đổi cách tiếp cận thị trường trong bối cảnh mới và mở ra nhiều triển vọng phát triển ở tương lai.
Tỷ trọng nông nghiệp hiện chiếm 8,70% trong GRDP thành phố, hơn 40% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp và nông thôn nên phát triển nông nghiệp rất quan trọng.Thành phố hiện có 18 vùng sản xuất rau với 229ha có chứng nhận sản xuất an toàn, sản lượng thu hoạch hằng năm 28.390 tấn. Và trên 17.121 ha cây ăn trái, tăng gần 1.000 ha so với năm trước; nhiều mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch, lợi nhuận cao gấp 1,5-2 lần so với trồng chuyên cây ăn trái. Mô hình Cánh đồng lớn trên 19.000 ha/vụ, hơn 197ha nuôi thủy sản đạt theo các tiêu chuẩn VietGAP, BMP, BAP, ASC… đáp ứng tiêu chí xuất khẩu của thị trường khó tính.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã