Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cơ quan này vừa hoàn thành Dự thảo sửa đổi Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (Nghị định 38), quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP.
Theo đó, trong lần chỉnh sửa này, Bộ Y tế đã phân ra nhiều nhóm sản phẩm hàng hóa để quản lý về chất lượng ATTP. Cụ thể, đối với các sản phẩm thông thường đã qua chế biến, bao gói sẵn, doanh nghiệp (DN) sẽ được tự công bố hợp quy và công bố phù hợp ATTP. Tuy nhiên, với nhóm sản phẩm có nguy cơ cao tới sức khỏe con người bao gồm: Thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, thực phẩm có công bố tác dụng đến sức khỏe (trong đó có sữa), DN sẽ phải nộp hồ sơ công bố đến Bộ Y tế với thời hạn thẩm định không quá 30 ngày làm việc.
Để tạo điều kiện cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN, tại Dự thảo lần này, theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, ban soạn thảo đã bổ sung thêm các trường hợp miễn kiểm tra nhà nước về ATTP đối với nhập khẩu.
Theo đó, sản phẩm nhập khẩu chỉ để phục vụ sản xuất, gia công hàng xuất khẩu ra nước ngoài, không bán cho các cơ sở khác và sản phẩm sau khi sản xuất không tiêu thụ tại thị trường trong nước. Thực phẩm tạm nhập khẩu để bán tại các cửa hàng miễn thuế; thực phẩm chuyển khẩu, tạp nhập, tái xuất, thực phẩm là quà tặng, biếu trong định mức được miễn thuế nhập khẩu và sản phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu sau 3 lần kiểm tra liên tiếp trong vòng 12 tháng theo phương thức kiểm tra giảm…
Ngoài việc dự kiến những nhóm sản phẩm không phải thực hiện tiền kiểm, Bộ Y tế cũng dự kiến nhóm thực phẩm đặc biệt cần kiểm soát chặt gồm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm và thực phẩm được nhà sản xuất quảng bá là có tác dụng với sức khỏe cần phải công bố chất lượng với cơ quan chức năng.
Về vấn đề này, nhiều DN cho rằng, một số thực phẩm trong 3 loại trên có thể không ảnh hưởng quá lớn tới sức khỏe người tiêu dùng nên đề nghị được đưa vào danh sách nhóm thực phẩm mà DN được phép tự công bố, như nước mắm có thêm i-ốt, nước tương bổ sung sắt, kẽm, vi chất khoáng..., sữa cho trẻ em, nước khoáng bổ sung vi chất...
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, trong thực phẩm chức năng của Việt Nam có bao gồm cả thực phẩm bổ sung, nếu đưa tất cả các sản phẩm này vào diện quản lý chặt là điều không cần thiết: “Nước mắm bổ sung iot hay nước tương bổ sung sắt cũng được kiểm soát theo quy trình chặt là quá rộng. Vì đây là sản phẩm được nhân dân dùng hàng ngày và rủi ro thấp”, vị đại diện nêu ví dụ. "Đối với các sản phẩm sữa dành cho trẻ trên 36 tháng tuổi nằm ngoài quy định trong Tiêu chuẩn Codex, có thể cho phép DN tự công bố các quy chuẩn về ATTP", đại diện Eurocham nói.
Về vấn đề này, đại diện Cục ATTP cho biết, sẽ tạo điều kiện tối đa cho DN song những vấn đề liên quan đến sức khỏe của người dân thì cần quản lý chặt chẽ. Tất cả các sản phẩm không liên quan đến chức năng của sức khỏe con người thì DN tự công bố, tự chịu trách nhiệm, còn những sản phẩm có tác dụng đến sức khỏe con người phải kiểm soát chặt chẽ bằng tiền kiểm.
“Mặc dù tạo điều kiện cho DN, song vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về minh bạch, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Tất cả các sản phẩm công bố liên quan tới sức khỏe, chức năng con người đều phải kiểm soát chặt”, vị này khẳng định.