Đó là thời mỗi người dân Song Phượng mang tâm thế của cả dân tộc sẵn sàng vùng lên cướp chính quyền, "dùng gậy tầm vông đánh đuổi giặc ngoại xâm”. 67 năm trôi qua, thật may mắn khi chúng tôi vẫn tìm gặp được những nhân chứng của lịch sử. Họ vẫn sống giản dị, chân thành chưa bao giờ rời xa mảnh đất này và không bao giờ quên được ký ức về một thời hoa lửa. Bà Đỗ Thị Bình bên điện Vân Tiêu - nơi đặt trụ sở báo Cứu Quốc Người cán bộ cuối cùng Ông Tạ Kim Thành, Chủ tịch MTTQ xã Song Phượng đưa chúng tôi tới thăm gian nhà truyền thống của xã. Những bức ảnh, hiện vật được trưng bày tại đây có ghi rõ tên tuổi, địa chỉ, thời gian mà quân và dân trong xã dùng vùng lên cướp chính quyền. Chỉ tay vào tấm bảng có ghi tên tuổi của các cán bộ tiền khởi nghĩa năm xưa, ông Thành cho biết: Địa phương có 9 người tham gia thì 8 người đã mất. Hiện chỉ còn cụ Tạ Đăng Thứ là người cuối cùng trong số đó còn sống. Cụ Tạ Đăng Thứ- người cán bộ cuối cùng nay cũng đã bước qua tuổi 90, đôi chân vạn dặm ngày nào giờ đã chậm chạp, đôi mắt tuy đã mờ nhưng khi nói về những tháng ngày hào hùng, đôi mắt cụ ánh lên nét tự hào khôn tả. Cụ Thứ kể lại, phong trào cách mạng ở Song Phượng những năm 1943-1944 phát triển rất mạnh. Tổ Việt Minh của xã được thành lập. Với danh nghĩa là tổ Nông dân cứu quốc, tổ Việt Minh xã Song Phượng có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương ủng hộ cán bộ Việt Minh. Chỉ một thời gian ngắn, tổ đã thu hút sự tham gia của rất nhiều người. "Lúc đó, ngày nào tôi cũng đi học chữ Nho và chữ Quốc ngữ bên huyện Quốc Oai và được giao nhiệm vụ làm giao liên, bí mật đưa thư tay của Việt Minh cho các đồng chí lãnh đạo. Những lá thư ấy thường được ve nhỏ lại bằng đầu đũa rồi nhét trong vạt áo. Khi làm nhiệm vụ, thỉnh thoảng tôi cũng được gặp bác Xuân Thủy. Lúc thì tôi gặp bác vào "vai” người đi bán thuốc lào, lúc thì lại đóng giả là người họ hàng xa của chị dâu cả nhà tôi…”, cụ Thứ bồi hồi nhớ lại. Chiều 18-8-1945, đồng chí Xuân Thủy mang mệnh lệnh khởi nghĩa cướp chính quyền của Trung ương và Xứ ủy trực tiếp truyền cho hai đồng chí Việt và Hiền. Sáng 19-8-1945, trước nhà hội đồng Thu Quế (nay là thôn Thu Quế và thôn Thống Nhất), với khí thế sôi nổi, hào hùng, các đoàn thể, tổ Việt Minh, tầng lớp nhân dân trong tư thế sẵn sàng, tập hợp biểu dương lực lượng và thị uy kẻ thù, tuyên bố giành chính quyền, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Trong không khí đấu tranh sôi sục, ngày 20-8-1945, nhân dân Song Phượng đã đứng lên giành chính quyền thành công. Gìn giữ ký ức Cũng thời điểm ấy, báo Cứu Quốc bí mật đóng tại địa phương và được cấp trên giao nhiệm vụ in Lời kêu gọi tổng khởi nghĩa cướp chính quyền. Theo lời cụ Thứ, báo Cứu Quốc ra đời từ những ngày tiền khởi nghĩa, phải di chuyển nhiều nơi song ở Song Phượng là an toàn nhất. Về sau, Song Phượng còn là nơi huấn luyện một số người in báo cho cách mạng. Đó là kết quả từ sự chỉ đạo khôn khéo, bí mật của các đồng chí cán bộ từ sự bảo vệ chu đáo của tổ Việt Minh và các gia đình. Đặc biệt, nhờ có hệ thống liên hoàn vững chắc gồm đền Tam Phù, chùa Đình Giá, điện Vân Tiêu, các chiến sĩ cộng sản của ta đã không bị kẻ thù phát hiện. Đưa chúng tôi thăm điện Vân Tiêu của gia đình, bà Đỗ Thị Bình, cháu dâu trưởng của cụ Nguyễn Xuân Sinh, người trực tiếp cho đồng chí Xuân Thủy ở nhờ và đặt trụ sở báo Cứu Quốc cho biết: Đây là nơi bác Xuân Thủy đã trực tiếp in Lệnh tổng khởi nghĩa cướp chính quyền và viết lên những bài báo đả kích kẻ thù được đăng tải trên báo Cứu Quốc. Để tránh bị phát hiện, ban ngày bác đóng giả người đến hành lễ trong điện nhưng khi đêm về bác cùng một số đồng chí lại bí mật in báo. "Lúc đầu khi mới về làm dâu, tôi cũng thấy tò mò về lịch sử của ngôi điện Vân Tiêu này. Sau đó, tôi được bố mẹ chồng kể lại nhiều câu chuyện gắn liền với điện thờ này. Nhờ đó mà tôi mới biết, trong khoảng thời gian 4 tháng, báo Cứu Quốc ở đây, ngày nào mẹ chồng tôi cũng ra giếng làng để gánh nước cho bác Xuân Thủy, bác Trần Huy Liệu sinh hoạt, nấu nướng”, bà Bình kể lại. 67 mùa Xuân đã qua đi và những dấu tích lịch sử xưa hiện không còn nhiều. Nơi ban chủ bút báo Cứu Quốc ở, nơi in báo đều được gia đình sửa sang, tu bổ. Song trong tâm trí những người dân nơi đây, khí thế cách mạng hào hùng năm nào vẫn còn mới nguyên và thường xuyên được chính quyền địa phương, bà con nhân dân ôn lại vào những ngày lễ, Tết hay những ngày kỷ niệm... Lịch sử của tờ báo Cứu Quốc là ký ức không thể nào quên của người dân không chỉ thôn Thu Quế, xã Song Phượng mà còn là niềm tự hào của cả huyện Đan Phượng. Đến Đài tưởng niệm liệt sỹ và thăm khu Nhà truyền thống của huyện Đan Phượng, mới thấy hết sự trân trọng của người dân nơi đây khi họ dành những vị trí trang nghiêm để lưu giữ kỷ niệm về báo Cứu Quốc, kỷ niệm một thời hoa lửa.
Nhã Phương - Đức Hiệp | |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã