Để có bước chuyển mình nhanh chóng trong nông nghiệp 5 năm qua, Sơn La đã mạnh tay chuyển đổi diện tích trồng ngô và lúa nương hiệu quả thấp sang trồng rừng kinh tế, cây công nghiệp (cây chè, cà phê, cao su) và cây ăn quả, đưa giá trị sản xuất trồng trọt của toàn tỉnh đạt 7.689 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2013.
Trong 8 tháng đầu năm 2018, Sơn La xuất khẩu trên 73.000 tấn nông sản, giá trị ước đạt 94,5 triệu USD. Trong đó, 3.500 tấn xoài được xuất sang Australia, Dubai, Trung Quốc. |
Đến nay, diện tích trồng mía, cà phê và cây ăn quả đều vượt xa mục tiêu tỉnh này đề ra đến năm 2020. Đặc biệt, diện tích trồng cây ăn quả tăng lên 42.600 ha, bằng 412% kế hoạch đề ra.
Theo ông Lò Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, tái cơ cấu nông nghiệp nhanh chóng của Sơn La là nhờ việc xác định đúng hướng phát triển nông nghiệp gắn với thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng tập trung hỗ trợ các hợp tác xã và doanh nghiệp để phát triển nông nghiệp quy mô lớn.
Ở lĩnh vực thủy sản, Bạc Liêu nổi lên là địa phương có đối sách hay trong phát triển nông nghiệp, biến nguy cơ (xâm thực mặn) thành cơ hội để phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Con tôm được lựa chọn là mặt hàng chủ lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết, qua 5 năm tái cơ cấu đẩy mạnh nuôi tôm, sản lượng tôm toàn tỉnh này tăng gần 50%, với diện tích nuôi tôm tăng lên gần 130.000 ha - bằng 51% diện tích của tỉnh.
Với mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước, Bạc Liêu đã xây dựng khu công nghệ cao nuôi tôm khoảng 419 ha để thu hút doanh nghiệp làm hạt nhân cho chuỗi giá trị sản xuất tôm với sự tham gia của nông dân. Ngoài ra, tỉnh này đang triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để xây dựng nhãn hiệu quốc gia cho con tôm.
Sơn La, Bạc Liêu hay Lai Châu… là những địa phương được ghi nhận có cách làm táo bạo và quyết liệt trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp 5 năm qua.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam sau 5 năm đã có bước chuyển dịch đáng kể, từ sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, yếu kém sang nền nông nghiệp cạnh tranh quốc tế, sản xuất theo lợi thế và nhu cầu thị trường.
Sản xuất nông nghiệp được cơ cấu lại từ chỗ coi trọng số lượng, sang chú trọng chất lượng và giá trị gia tăng, chuyển từ khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ sang ứng dụng khoa học công nghệ và quản trị tiến bộ. Khâu tổ chức sản xuất nông nghiệp cũng được đổi mới với các hình thức tự nguyện trong sản xuất hợp tác, liên kết chuỗi giá trị.
Năng suất lao động nông nghiệp tăng nhanh trong 5 năm qua, với mức tăng bình quân 6,67%/năm. Thu nhập và mức sống cư dân nông thôn ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân hộ gia đình nông thôn đạt khoảng 130 triệu đồng/năm, gấp 1,71 lần so với năm 2012.
Tái cơ cấu nông nghiệp đã tạo đòn bẩy để mở rộng quy mô và sức sản xuất của nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng nông sản, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới.
Đánh giá hiệu quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp 5 năm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, điểm nổi bật trong tái cơ cấu nông nghiệp là đã xác định được phát triển nông nghiệp phải phát huy lợi thế sản phẩm vùng miền, địa phương và thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trước các tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai và biến động bất lợi của thị trường, ngành nông nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng ổn định 2,55%/năm. Một số sản phẩm như tôm, cá tra, điều và cà phê đã được sản xuất với khối lượng lớn, có sức cạnh tranh toàn cầu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ rõ, phát triển nông nghiệp thời gian qua còn bộc lộ sự thiếu bền vững, nhiều sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cao của thị trường xuất khẩu. Đặc biệt tái cơ cấu nông nghiệp tại nhiều địa phương còn manh mún, hạn chế, nhiều nơi còn sản xuất theo phong trào.
Dù đã có doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp nhưng số lượng còn chưa nhiều. Vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất còn hạn chế, dẫn tới năng suất, chất lượng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp chưa cao.
Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những gì đạt được trong tái cơ cấu nông nghiệp 5 năm qua chỉ là kết quả bước đầu; vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập trong phát triển nông nghiệp từ cơ chế chính sách, đến công tác quản lý chuyên ngành nông nghiệp từ cấp bộ đến địa phương, sự phối hợp trong triển khai thực hiện… đòi hỏi phải tiếp tục cải cách, cụ thể hóa việc triển khai thực hiện tái cơ cấu./.
Tái cơ cấu nông nghiệp trên vùng hạn - cách làm mới từ Ninh Thuận
Tái cơ cấu nông nghiệp: Cần thoát khỏi tư duy “tự cung tự cấp”
Tái cơ cấu nông nghiệp phải là yêu cầu bức thiết của cả nước