Học tập đạo đức HCM

Tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp

Thứ sáu - 11/05/2012 22:25
Nghị quyết số 26-NQ/T.Ư về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Hội nghị TW 7 (khóa X) ban hành đã tạo ra định hướng phát triển mới cho vấn đề "tam nông". Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống cần có những giải pháp mang tính đồng bộ, bền vững; trong đó có cả việc quản lý và sử dụng đất đai một cách hiệu quả, nhất là đất cho sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình và cá nhân.

Thực trạng trong sử dụng đất nông nghiệp

Theo thống kê năm 2011, cả nước thực hiện giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích là 14,057 triệu ha; trong đó có 9,053 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp (89%), 569 nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản; 4,415 triệu ha đất lâm nghiệp, 10 nghìn ha đất làm muối và hơn 9 nghìn ha đất nông nghiệp khác. Cả nước hiện đã cấp được 16,163 triệu giấy chứng nhận cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp với diện tích 7,13 triệu ha (đạt 85,2%); các loại đất nông nghiệp còn lại đã cấp 1,068 triệu giấy chứng nhận với diện tích 579 nghìn ha. Bên cạnh đó, nhằm phục vụ chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng vào việc sử dụng đất nói chung và đất sản xuất nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác dự báo nhu cầu quỹ đất cho phát triển các ngành, các lĩnh vực khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa sát thực tế, dẫn tới tình trạng vừa thiếu lại vừa thừa quỹ đất. Một số địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương sử dụng tiết kiệm đất nông nghiệp, nhất là đất trồng lúa nước, cho nên xảy ra tình trạng quy hoạch sử dụng đất phi nông nghiệp trên đất sản xuất nông nghiệp có năng suất cao, thậm chí trên đất chuyên thâm canh lúa nước, trong khi ở địa phương vẫn còn nhiều quỹ đất khác. Công tác quản lý, thực hiện quy hoạch sử dụng đất sau khi phê duyệt tại nhiều địa phương chưa được coi trọng trong khâu thực hiện. Việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt còn mang tính hình thức, quyền lợi người sử dụng đất trong phạm vi quy hoạch ở một số nơi còn bị vi phạm, chẳng hạn như không cấp giấy chứng nhận, không được sửa chữa nhà cửa... gây nhiều bức xúc cho người dân. Nhiều nơi còn để tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép mà vẫn không bị xử lý. Từ đó, gây khó khăn, phức tạp và làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khi thu hồi đất.

Hiện nay, đối tượng giao đất nông nghiệp chủ yếu là nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại các địa phương và mỗi nhân khẩu được giao diện tích đất nông nghiệp tính theo bình quân. Tại một số nơi, sau khi đã giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo phương án được duyệt thì vẫn còn một phần diện tích đất nông nghiệp khó giao, khó chia, như đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước và đất bãi bồi ven sông, biển... Chính quyền sở tại đã tiến hành cho đấu thầu hoặc giao, cho thuê có thời hạn cho các đối tượng, kể cả cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước và bộ đội về hưu hoặc nghỉ mất sức đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, sống tại địa phương. Về phương thức, thực tế phần lớn các địa phương thực hiện giao đất trên cơ sở kế thừa kết quả giao khoán đất cho hộ nông dân theo Nghị quyết 10-NQ/T.Ư ngày 5-4-1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp. Sau khi Luật Ðất đai năm 1993 ra đời, các địa phương tiếp tục điều chỉnh quỹ đất dự phòng để giao bổ sung cho các hộ khó khăn, thiếu đất, mỗi xã chỉ để lại không quá 5% theo quy định. Bên cạnh đó, một số địa phương tại khu vực Tây Nguyên và Ðông Nam Bộ tiếp tục thực hiện giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân trên cơ sở quỹ đất thu hồi của các nông, lâm trường sau khi sắp xếp lại, thực hiện khai hoang, mở rộng diện tích đất nông nghiệp trên cơ sở chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông, biển, đất nông nghiệp. Về thời hạn sử dụng đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối được thực hiện thống nhất theo quy định là 20 năm và phần lớn các trường hợp sử dụng đất thời hạn được tính đến ngày 15-10-2013.

Vấn đề đáng lưu ý là, hiện nay, việc giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân còn nhiều vướng mắc như ruộng đất bị phân chia manh mún, chưa tạo ra những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả sử dụng đất không cao. Tại một số địa phương đã thực hiện việc "dồn điền, đổi thửa", quy hoạch lại đồng ruộng, hiện trạng sử dụng đất có nhiều thay đổi, phải cấp mới hoặc cấp đổi sổ đỏ. Mặt khác, trong sự vận hành của nền kinh tế thị trường, sản xuất hàng hóa đang ngày càng phát triển, đất đai biến động nhiều, nhu cầu về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày càng cao, cho nên đã và đang xuất hiện việc "quá tải", bất cập trong công tác quản lý đất đai tại một số nơi.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Lịch cho biết: Hiện có hai khó khăn lớn phải đối mặt, đó là việc hết thời hạn sử dụng đất và thu tiền từ dân để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về thời hạn, theo quy định của Luật Ðất đai năm 1993 và Nghị định 64-CP thì năm 2013 phần lớn trường hợp hết hạn sử dụng đất. Tuy nhiên, việc tiếp tục sử dụng, gia hạn sử dụng đất đối với các trường hợp này đã được quy định tại Luật Ðất đai năm 2003 và Nghị định số 181 của Chính phủ. Hiện nay, do không tiếp cận tốt với thông tin có tính pháp định nói trên, cho nên nhiều người dân tỏ ra lo ngại, băn khoăn. Về việc ghi nợ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các hộ nông dân đã được quy định tại Nghị định 45, song thực tế hiện nay nhiều địa phương không thu được, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, nông dân mong muốn được miễn đóng góp khoản tiền này. Nằm trong chỉ đạo chung của Chính phủ, hiện tại có nhiều địa phương làm tốt công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình và cá nhân, điển hình là các tỉnh Hà Tĩnh, Nam Ðịnh, Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên... Tại Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã cấp được 646.863 sổ đỏ cho đất nông nghiệp, đạt 93% (riêng đất nông nghiệp của 47 phường ven đô chưa cấp do nằm trong quy hoạch xây dựng đô thị). Tuy nhiên, theo đánh giá chung, thời gian qua, việc quản lý và sử dụng phôi giấy chứng nhận tại các quận, huyện, thị xã thiếu chặt chẽ, các phôi hỏng chưa được tiêu hủy theo quy định, thậm chí để thất thoát.

Tăng cường quản lý và sử dụng đất đai

Một trong những vấn đề quan trọng đang được dư luận quan tâm hiện nay là việc kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân được giải quyết thế nào? Thực hiện Luật Ðất đai năm 1993 và Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ ban hành quy định về việc giao đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp, các địa phương đã giao đất hằng năm cho các hộ gia đình, cá nhân với thời hạn sử dụng đất là 20 năm. Việc tiếp tục sử dụng, gia hạn sử dụng đất đối với những trường hợp hết hạn nêu trên đã quy định cụ thể tại Luật Ðất đai năm 2003 và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Tuy nhiên, do không nắm vững tinh thần của luật pháp, hiện có một số ý kiến khác nhau quanh vấn đề này, gây hoang mang trong dư luận và ảnh hưởng cuộc sống ổn định của người dân. Theo Luật Ðất đai 2003, Nghị định hướng dẫn 181, đối với hộ gia đình được giao đất lấy mốc thời điểm năm 1993, thì tới đây vẫn được tiếp tục sử dụng đất đó. Như vậy, về nguyên tắc, việc sử dụng đất vẫn giữ ổn định, không xáo trộn. Nhưng một số loại đất như đất bãi bồi ven sông, ven biển, thì sau khi hết thời hạn, nếu hộ gia đình có nhu cầu sử dụng tiếp, các hộ gia đình đó cần tiến hành các thủ tục để gia hạn sử dụng. Về quan điểm chung, đất nông nghiệp được giao ổn định, lâu dài nhưng có sự điều chỉnh nhất định trong những trường hợp cần thiết. Hiện, chúng ta đang tiến hành dồn điền, đổi thửa cho nên có sự sắp xếp lại đất đai. Bên cạnh đó, có thể có sự điều chỉnh đối với một số trường hợp, như gia đình có người mất, không còn làm nông nghiệp nữa hoặc chuyển đi nơi khác. Với trường hợp này, cần bàn bạc trong cộng đồng với sự tham gia của người sở hữu quyền sử dụng đất để đạt sự đồng thuận. Nếu người sử dụng đất không có nhu cầu sử dụng thì Nhà nước sẽ thu hồi.

Về công tác cấp sổ đỏ hiện nay, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nhận xét: Việc tiến hành cấp sổ đỏ ở nhiều địa phương đang diễn ra rất chậm. Có nhiều nguyên nhân, bao gồm từ phía các nhà đầu tư, từ cơ quan Nhà nước và từ chính các hộ gia đình. Trong đó, nguyên nhân từ chủ đầu tư là lớn nhất. Thực tế có nhiều dự án vi phạm pháp luật đất đai, pháp luật xây dựng như xây dựng không đúng quy hoạch, chưa xây xong đã bán... Về phía cơ quan Nhà nước, việc quản lý giám sát trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư thiếu chặt chẽ còn để xảy ra nhiều sai phạm, không phát hiện và xử lý kịp thời, hoặc có kiểm tra, phát hiện nhưng xử lý chậm, thiếu kiên quyết... Một thực tế khác là, hiện có một số đối tượng đi "săn lùng", mua đất giá rẻ rồi tìm cách hợp thức hóa bằng sổ đỏ bán đất kiếm lời. Ðây là việc làm trái pháp luật và thực tế đã có quy định các chế tài xử lý các hành vi nói trên tại Luật Ðất đai. Hiện nay, một số công trình của Nhà nước ở nhiều địa phương đang trong tình trạng khó khăn về giải phóng mặt bằng, chủ yếu là do giá tiền đền bù quá thấp. Ngoài ra các cơ quan quản lý đất đai chưa làm tốt trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, từ đó gây bức xúc trong nhân dân.

Tình hình sử dụng đất trồng lúa vào các dự án phi nông nghiệp còn tùy tiện, chưa tính hết các khả năng có thể sử dụng các loại đất thay thế. Do vậy, các địa phương cần rà soát quy hoạch tổng thể, có tầm nhìn xa để vừa tránh sử dụng lãng phí diện tích đất trồng lúa, vừa bảo đảm được lợi ích lâu dài. Một thực tế khác, một số địa phương tiến hành quy hoạch và xây dựng khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp quá lớn nhưng không sát với nhu cầu, quy hoạch xong rơi vào tình trạng bỏ hoang, từ đó gây lãng phí lớn. Do đó, bên cạnh việc thực thi đúng pháp luật, các địa phương cần tổ chức chỉ đạo cho nông dân ềdồn điền, đổi thửaể, tăng cường xây dựng "cánh đồng mẫu" để vừa hiện đại hóa ngành nông nghiệp, vừa nâng cao năng suất hàng hóa nông sản, giúp nông dân nhanh chóng thoát nghèo, ổn định cuộc sống lâu dài.

Nguồn: nhandan.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập325
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm319
  • Hôm nay34,184
  • Tháng hiện tại212,751
  • Tổng lượt truy cập90,276,144
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây