Đường nhựa hóa, trường chuẩn quốc gia
Nhìn gần hơn, từ năm 2016, khi 4/4 xã trên địa bàn gồm Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường và Trạm Hành đều đạt chuẩn NTM, chính quyền TP. Đà Lạt đã nhanh chóng ban hành bộ tiêu chí nâng cao đến năm 2020. Từ đó đến nay, diện mạo NTM Đà Lạt với bức tranh toàn cảnh những công trình hạ tầng giao thông nhựa hóa, cứng hóa, trường học đạt chuẩn quốc gia từng bước được mở rộng, nâng cấp.
Thống kê giai đoạn năm 2010- 2017, TP. Đà Lạt đã nâng cấp, cứng hóa gần 125 công trình giao thông trên 4 xã NTM, gồm đường trục thôn (23km), đường ngõ xóm (24km) và đường nội đồng (37km). Riêng các tuyến đường trục xã đều đạt 100% nhựa hóa như Tà Nung (12km), Xuân Thọ (gần 8km), Xuân Trường (7km) và Trạm Hành (6km). Trong tổng kinh phí 110 tỷ đồng thì 70% là nguồn vốn ngân sách nhà nước; 30% còn lại vốn đối ứng của nhân dân. Chưa kể gần 25.000m2 đất hiến và 1.350 ngày công lao động của người dân tham gia xây dựng các công trình hạ tầng giao thông 4 xã NTM này.
Bên cạnh đó, từ 30 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ, tại Tà Nung đã phát triển mới 37 ao, hồ nhỏ, thể tích 1.500m3/ao, hồ. Tính chung trong vòng 7 năm qua, Đà Lạt đã xây mới và nâng cấp 5 công trình thủy lợi, nâng tổng số đến nay gồm 11 công trình thủy lợi đạt tỷ lệ tưới tiêu diện tích đất sản xuất nông nghiệp 85-100%. Những công trình thủy lợi đều được sử dụng nguồn năng lượng điện lưới quốc gia vận hành hệ thống cấp nước tưới cây trồng trên 4 xã NTM, cụ thể trên các hệ thống đường dây trung áp (66km), đường dây hạ áp (36km), 45 trạm biến áp… Ngoài ra, người dân 4 xã đã đóng góp đầu tư lắp đặt mới hàng chục nhánh điện vào khu sản xuất và thắp sáng đường thôn.
Đáng kể, với tiêu chí trường chuẩn quốc gia ở 4 xã NTM đạt từ 70% (Tà Nung) đến 100% (Xuân Thọ, Xuân Trường, Trạm Hành). 6 năm trước đó, Đà Lạt đã đầu tư hơn 41 tỷ đồng xây dựng mới 4 trường mầm non cùng nâng cấp hàng chục phòng học và các cơ sở hạ tầng khác phục vụ công tác giáo dục ở địa phương…
Phát huy lợi thế từng xã NTM
Bốn xã NTM Tà Nung, Xuân Thọ, Xuân Trường và Trạm Hành phân bổ tổng diện tích tự nhiên gần 40.000ha ven đô Đà Lạt đều với lợi thế khí hậu ôn hòa trên độ cao 1.500m, đất đai thuộc các nhóm feralit vàng, mùn vàng đỏ, than bùn… nên thích hợp phát triển triển các loại nông sản đặc thù của cao nguyên Lâm Viên như: chè, cà phê, rau, hoa, cây đặc sản có giá trị kinh tế vượt trội so với giá trị thu nhập bình quân trên từng đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong cả nước.
Như Tà Nung , xã có 50% đồng bào dân tộc thiểu số, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chiếm 83% với cây cà phê chủ lực, 12% dịch vụ du lịch và 5% ngành nghề khác, đạt thu nhập bình quân 32 triệu đồng/người/năm. Xã Xuân Thọ đạt gần 60 triệu đồng/người/năm, tỷ trọng nông-lâm- thủy chiếm 80%, trong đó đã và đang phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở thôn Lộc Quý. Xã Xuân Trường đang mở rộng nghề sấy hồng khô theo công nghệ Nhật Bản, nông nghiệp chiếm 70%, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại chiếm 30%, thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người/năm. Và xã Trạm Hành chọn 2 cây đặc trưng là chè và cà phê bên cạnh việc tiếp tục phát triển rau, hoa công nghệ cao, đạt thu nhập bình quân 52 triệu đồng/người/năm.
“Từ năm 2010 đến nay, TP. Đà Lạt đã lồng ghép các chương trình, dự án nâng cao chất lượng, trợ giá giống cây trồng - vật nuôi; phát triển cà phê bền vững, hỗ trợ đầu tư gần 1.230 mô hình trồng hoa lan, lily, cát tường, cúc, xây dựng liên minh sản xuất rau VietGAP… Đến nay, lợi nhuận bình quân trên 1ha đất nông nghiệp ở xã NTM là 300 triệu đồng/năm; đặc biệt, hoa công nghệ cao đạt lợi nhuận trung bình từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/năm…”, UBND thành phố Đà Lạt đánh giá.
Để nâng cao các tiêu chí 4 xã NTM đến năm 2020, chính quyền TP. Đà Lạt tiếp tục khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc thù gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ như: chế biến chè tại xã Trạm Hành, chế biến cà phê tại xã Tà Nung, phát triển làng hoa Xuân Thành và vùng nông nghiệp công nghệ cao Lộc Quý (Xuân Thọ) gắn với du lịch; mô hình hồng sấy khô Nhật Bản tại 2 xã Trạm Hành và Xuân Trường…
Đồng thời, thu hút doanh nghiệp mở rộng liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân sản xuất và tiêu thụ mặt hàng nông sản chủ lực gắn với việc phát triển thương hiệu “Đà Lạt kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Từ đó, phấn đấu đạt các mục tiêu đề ra đến năm 2020: 4 xã NTM Đà Lạt có hơn 90% số dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; 100% hộ dân được cấp nước sạch sinh hoạt tập trung; hơn 65% người lao động được đào tạo nghề; thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người…
Theo Văn Việt/báo KTNT.vn