Học tập đạo đức HCM

Xuất khẩu nông sản vào EU - Bài 1: Lượng chưa song hành cùng giá trị

Thứ hai - 20/08/2018 09:32
Mặc dù có nhiều lợi thế trong sản xuất nông sản nhiệt đới để xuất khẩu nhưng Việt Nam đang dần đánh mất thị phần tại thị trường thế giới nói chung và Liên minh châu Âu (EU) nói riêng.

Nhận định từ giới phân tích cho thấy, nông sản Việt Nam đa phần phát triển nhỏ lẻ, phân tán không theo quy hoạch nên quản lý và đầu tư phát triển hạ tầng khó khăn. Ngoài ra, thiếu các vùng quy hoạch cây trồng khiến nông sản thường xuyên rơi vào tình trạng được mùa rớt giá kèm theo bản đồ vùng trồng nông sản manh mún khiến việc áp dụng quy trình sản xuất Global GAP - một tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ thị trường EU liên tục gặp trở ngại.

Bài 1: Lượng chưa song hành cùng giá trị

Xuất phát điểm là một nước thuần nông, sau hơn 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nông sản xuất khẩu của Việt Nam đã dần khẳng định chỗ đứng vững chãi trên trường quốc tế. Tuy nhiên, hội nhập càng sâu thì rào cản càng nhiều nhất là với thị trường khó tính như EU. Đây là lý do khiến các doanh nghiệp Việt Nam bấy lâu nay vẫn loay hoay trước những khó khăn nội tại.

Thị trường tiềm năng

EU là khu vực kinh tế thịnh vượng với thu nhập bình quân đầu người lên tới 32.900 USD/người/năm. Sau khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng đồng châu Âu vào tháng 10/1990, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU không ngừng phát triển.

Không những thế, EU còn trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực; trong đó, có hoạt động thương mại. Hiện nay, EU là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam.

Thống kê từ Bộ Công Thương cho thấy, trong bảng xếp hạng của EU về những đối tác thương mại nông sản lớn nhất, Việt Nam chỉ là một thị trường xuất khẩu nhỏ của EU với tỷ trọng 1,1% nhưng lại là một trong những nguồn cung nông sản quan trọng đối với khu vực này.

Hơn nữa, Việt Nam cũng được xếp hạng đứng thứ 12 với khả năng cung ứng 2,2% nhu cầu tiêu thụ của thị trường EU, trên Thái Lan, New Zealand, Malaysia và cả Canada.

Ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ sau hiệp định khung EU - Việt Nam đến nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường EU liên tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, sau thời gian khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản nhập khẩu nói chung của khu vực EU; trong đó có nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh.

Vài năm trở lại đây dù kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này đã tăng trưởng trở lại nhưng những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật ngày càng cao, xuất khẩu sang EU ngày càng khó khăn. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp nông sản tập trung đầu tư công nghệ mới và hết sức nhạy bén trong nhận định thị trường cũng như tìm kiếm đối tác xuất khẩu mới có thể khai thác được tiềm năng từ thị trường này.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Việt Nam có dân số trên 90 triệu người; trong đó có 49% trong độ tuổi lao động, 70% dân số sống ở nông thôn. Bên cạnh đó, tiền lương cho lao động trong khu vực nông nghiệp tương đối thấp. Lợi thế này giúp giảm chi phí nhân công trong sản xuất.

Cùng với đó, người dân EU có nhu cầu đa dạng, đề cao giá trị ẩm thực và rất ưa chuộng các sản phẩm nông sản nhiệt đới. Tuy vậy, EU lại nằm trong vùng ôn đới nên không có điều kiện sản xuất những mặt hàng nông sản nhiệt đới. Do đó trong thương mại song phương, Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về sản xuất và xuất khẩu nông sản nhiệt đới sang thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này.

Thiếu tính liên kết

Nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, rào cản đầu tiên dẫn đến xuất khẩu nông sản sang thị trường EU gặp trở ngại là do thiếu tính liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.

Theo khảo sát, hiện có khoảng 70% nguyên liệu nông sản được thu mua từ nông dân, còn chỉ một tỷ lệ nhỏ là từ doanh nghiệp tự đầu tư hoặc mua từ các trang trại của nhà nước.

Tuy nhiên, các vùng nguyên liệu nông sản lại xa nhà máy chế biến, chi phí vận chuyển lớn, nguyên liệu không đảm bảo các yêu cầu chất lượng nên không thể chế biến xuất khẩu được.

Cũng bởi đặc điểm sản xuất nhỏ và tự phát, lại thiếu tính liên kết dẫn đến chất lượng nông sản của Việt Nam còn thấp.

Hơn nữa, người nông dân cũng chưa được hướng dẫn kỹ về các biện pháp xử lý trong trồng trọt và chăn nuôi. Khu vực trồng rau quả rải rác, phân tán, khó xử lý kỹ thuật... thu hoạch chưa đồng loạt, sản phẩm không đồng đều, gây khó khăn cho việc chế biến, xuất khẩu sang thị trường vô cùng khó tính như EU.

Đáng lưu ý, vẫn còn hiện tượng sử dụng các hóa chất không rõ nguồn gốc trong chế biến, bảo quản rau quả tươi. Không những thế, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam còn kém, rất ít tiến bộ kỹ thuật về lĩnh vực này được chuyển giao đến nông dân.

Ngoài ra, việc thu hái và sơ chế bảo quản vẫn tiến hành thủ công là chính, công nghệ bảo quản và phương tiện vận chuyển còn thiếu, dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lên tới 25 - 30%.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam vẫn còn thiếu các thiết bị vận chuyển lạnh như tàu lạnh hoặc container có thiết bị làm lạnh nên đã ảnh hưởng không ít tới khả năng xuất khẩu khối lượng lớn đến thị trường EU bởi rất xa về khoảng cách địa lý.

Mặt khác, khâu tổ chức, sản xuất chế biến, tiếp thị sản phẩm nông sản còn yếu, nhất là đối với mặt hàng rau quả cũng là hạn chế không nhỏ khi xuất khẩu vào thị trường này.

Ông Trần Thanh Hải khẳng định, Việt Nam có nhiều chủng loại rau quả rất ngon, có thương hiệu, rất nổi tiếng trong nước nhưng chưa được thị trường thế giới biết đến. Điều này cũng dễ hiểu bởi nông dân hoàn toàn thiếu thông tin thị trường, nhất là các tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, việc điều tiết sản xuất gặp nhiều khó khăn và thiếu tính định hướng.

Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, đến hết tháng 7 Việt Nam đã có hơn 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực, có mặt tại hơn 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỷ USD như cà phê, gạo, điều, rau quả, tiêu… và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản.

Tuy nhiên, với hạn chế về năng lực chế biến chuyên sâu, chưa phát triển được mạnh về thương hiệu nên xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam dù nhiều về số lượng nhưng giá trị kim ngạch chưa tương xứng, lợi nhuận xuất khẩu phải chia sẻ qua nhiều khâu trung gian.

Đặc biệt, nhiều nông sản được bán ra thị trường thế giới không có thương hiệu, nhãn mác, phải sử dụng thương hiệu nước ngoài đã gây bất lợi không nhỏ ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, thay vì chỉ hướng đến sản phẩm cuối cùng, các doanh nghiệp nên lưu ý trên toàn bộ chuỗi giá trị, các khâu sản xuất phải được phòng vệ rủi ro, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn của sản phẩm...đều phải công khai minh bạch tạo đà cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng trưởng bền vững.

Bài 2: Nâng chất để mở khóa thị trường

 

Uyên Hương (TTXVN)
 
 

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập328
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại834,990
  • Tổng lượt truy cập92,008,719
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây