Học tập đạo đức HCM

Cần có thị trường chính thức, lành mạnh về đất nông nghiệp

Thứ năm - 10/06/2021 07:16
Vấn đề rất lớn là cơ chế tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, xây dựng thị trường đất nông nghiệp có thể sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

Ngày 10/6, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ NN-PTNT, Tổ chức Tài chính quốc tế IFC tổ chức hội thảo trực tuyến nhằm phát huy nguồn lực đất đai để phát triển đất nước.

Chính sách đất đai còn nhiều vướng mắc

Chủ trì hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết, đất đai không những có vấn đề quan trọng với phát triển kinh tế xã hội mà còn là vấn đề quốc phòng an ninh, chính vì vậy hội thảo lần này cần tập trung đóng góp ý kiến nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đổi mới chính sách pháp luật về đất đai nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.

Khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó tập trung cơ cấu lại thị trường đất đai trên cơ sở sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Đất đai không những có vấn đề quan trọng với phát triển kinh tế xã hội mà còn là vấn đề quốc phòng an ninh. Ảnh: Xuân Ngọc.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh: Đất đai không những có vấn đề quan trọng với phát triển kinh tế xã hội mà còn là vấn đề quốc phòng an ninh. Ảnh: Xuân Ngọc.

TS Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho rằng, đóng góp của chính sách đất đai trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp là rất lớn, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất tạo ổn định sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề giao đất, cho thuê đất có nhiều điểm đổi mới, tăng quyền sử dụng đất, nâng thời gian giao đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất…

Theo điều tra của IPSARD, tỷ lệ hộ có chuyển nhượng đất trung bình của 12 tỉnh lên tới 16,6%, chính sách dồn điền đổi thửa phát huy tác dụng, số thửa/hộ giảm còn 2,5…

Tài chính đất đai thể hiện Đảng và Nhà nước rất quan tâm bằng chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp. Năm 2020 có 1.055 doanh nghiệp mới thành lập, nâng tổng số lên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp.

Đặc biệt, quy định về quản lý, sử dụng đất lúa linh hoạt đã chuyển đổi được 500 nghìn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang loại hình khác. Giá trị sản phẩm năm 2020 đạt 100,2 triệu đồng/ha, tăng 1,3 lần so với năm 2013…

Tuy nhiên, theo TS Trần Công Thắng, chính sách đất đai còn các vướng mắc, hạn chế như quyền sử dụng đất nông nghiệp rất ít được bảo vệ đối với đất vượt hạn mức. Hạn mức chuyển nhượng không quá 10 lần so với hạn mức giao đất, diện tích vượt phải thuê của Nhà nước, tức là doanh nghiệp phải trả tiền hai lần.

Hộ gia đình, cá nhân chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, thị trấn với hộ gia đình, cá nhân khác thì đất phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc giấy xác nhận không có tranh chấp, rất phức tạp.

Chưa có quy định rõ ràng vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của người dân.

Thuế và phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp bị áp chung như các bất động sản khác. Chính sách hỗ trợ và chế tài xử lý đối với các hộ không còn tha thiết sản xuất nông nghiệp chưa đủ mạnh nên vẫn có xu hướng giữ ruộng làm vật “bảo hiểm”, mặc dù đã ngừng canh tác…

Chính sách đất đai hiện còn các vướng mắc. Ảnh: Tùng Đinh.

Chính sách đất đai hiện còn các vướng mắc. Ảnh: Tùng Đinh.

Từ những vướng mắc, hạn chế nêu trên, TS Trần Công Thắng kiến nghị cần công khai minh bạch trong xây dựng và triển khai quy hoạch. Siết chặt hơn việc điều chỉnh quy hoạch sau khi đã được phê duyệt và quá trình điều chỉnh phải được công khai. Linh hoạt sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho nông sản chủ lực, rà soát lại quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với điều kiện thực tế…

Về chính sách tài chính đất đai, cần bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay làm mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất nông nghiệp theo kiểu lũy tiến. Xây dựng cơ chế tính giá trị của các thửa đất để tạo thuận lợi và xây dựng căn cứ cho các hộ đổi đất với nhau, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp để tăng cường chính thức hóa giao dịch đất nông nghiệp…

Về chính sách về giao đất, cho thuê đất nông nghiệp cần bỏ giới hạn việc chỉ được phép chuyển đổi trong cùng xã phường thị trấn. Xây dựng cơ chế đối với đất thuê từ 5 năm trở lên thì cá nhân, tổ chức đi thuê đất được thế chấp bằng giá trị thuê để vay vốn sản xuất và xây dựng khung pháp lý bảo lãnh tín dụng dựa vào tài sản trên đất…

Ủng hộ  quan điểm của TS Trần Công Thắng, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT bổ sung, về hạn mức đất đai và quản lý rủi ro là một vấn đề rất quan trọng, đề nghị Ban Kinh tế Trung ương nghiên cứu đề xuất sửa đổi, thay việc cấm bằng quản lý chiều rộng.

“Tôi làm việc với Ngân hàng Thế giới và có 4 đề xuất trọng tâm về lĩnh vực đất đai như sau. Thứ nhất, Chính phủ quy định thời hạn thuê đất nông nghiệp là 50 năm và được gia hạn nhưng cần phải được đưa vào luật để củng cố cho những người sử dụng đất nông nghiệp yên tâm đầu tư chiều sâu, đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Thứ hai, đề nghị thay đổi “hạn mức nhận chuyển nhượng không vượt quá 10 lần” theo hướng tăng thêm để tạo ra nền nông nghiệp quy mô lớn. Thứ ba, đất không chuyên lúa, năng suất không cao có thể chuyển đổi sang mục đích khác. Thứ tư nên thiết lập trung tâm phụ trợ các bên giao dịch, chuyển nhượng đất nông nghiệp với nhau”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói.

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, Nghị quyết 19 NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật đất đai có chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với các trường hợp doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nhưng Luật Đất đai 2013 chưa thể hiện được điều này. Cần phải có một thị trường chính thức, lành mạnh về đất nông nghiệp.

Cởi mở, linh hoạt, phù hợp hơn với cơ chế thị trường

Đó là quan điểm của Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát khi tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo.

Theo ông Cao Đức Phát, hội thảo cơ bản lấy ý kiến tập trung vào 4 nhóm vấn đề gồm: Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; Tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp về đất đai và sử dụng đất có hiệu quả; Nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt là các nông lâm trường; Quản lý sử dụng đất do Nhà nước đang quản lý làm sao đảm bảo lợi ích quốc gia.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát. Ảnh: Ban KTTƯ.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát. Ảnh: Ban KTTƯ.

Ban Kinh tế Trung ương sẽ đề xuất Ban Chấp hành Trung ương có thiết lập cơ chế về đất đai không những phù hợp với cơ chế thị trường mà còn phù hợp hơn, đồng bộ hơn với cơ chế vận hành các lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Tuy nhiên, Ban Chấp hành Trung ương không chỉ xem xét về mặt kinh tế mà còn xem xét về mặt xã hội, chính trị vì thế để khả thi cần phải xem xét xử lý những thất bại của thị trường và những rủi ro bằng cơ chế phù hợp.

“Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp có hai cách, thứ nhất là tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng linh hoạt hơn, kể cả đất lúa để theo sát tín hiệu thị trường. Thứ hai là tạo điều kiện chuyển quyền sử dụng đất từ người sử dụng kém hiệu quả sang người sử dụng hiệu quả cao hơn. Tôi đồng ý quan điểm chuyển đổi từ cách quản lý cây con trên đất sang quản lý đặc trưng của đất để đáp ứng mục tiêu phù hợp yêu cầu phát triển đất nước. Phát huy nhiều hơn thị trường cho thuê để người nông dân vẫn giữ được quyền đối với đất nhưng đất được sử dụng có hiệu quả cao hơn”, ông Cao Đức Phát nói.

Cũng theo ông Cao Đức Phát , kinh nghiệm cho thấy, trong nông nghiệp, người sử dụng có hiệu quả cao nhất là sử dụng trực tiếp, còn sử dụng người làm thuê có những hạn chế nhất định. Ngoài ra, cần phải có cơ chế chống lại khả năng đầu cơ đất đai một cách thái quá.

“Vấn đề rất lớn là cơ chế tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Đất nước nhất định phải đi theo con đường công nghiệp hóa, phải có nhiều hơn các doanh nghiệp công nghiệp. Vấn đề là các doanh nghiệp tiếp cận đất đai như thế nào? Có ba cách là Nhà nước thu hồi và cho thuê, doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và làm thủ tục thuê lại của nhà nước, doanh nghiệp nhận góp vốn… Tuy nhiên thực tế còn rất nhiều vướng mắc đòi hỏi phải xem xét rất kỹ để có những đề xuất tháo gỡ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn, chủ động hơn quyền sử dụng đất”, ông Cao Đức Phát khẳng định.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, những kiến nghị của các đại biểu đã đi vào thực chất những tồn tại bất cập, vướng mắc của lĩnh vực đất đai trong phát triển đất nước.

Đặc biệt vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là tiếp cận tín dụng và sử dụng đất đai như nguồn tài sản đảm bảo. Vấn đề thị trường đất nông nghiệp, hài hòa lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp…  

"Với những ý kiến đóng góp, những vấn đề vừa cụ thể vừa mang tính chiến lược lâu dài, tôi cho rằng nếu nghiên cứu thấu đáo thì những vướng mắc, nút thắt về đất đai, đặc biệt trong lĩnh vực đất nông nghiệp sẽ được giải quyết.

Sắp tới, chúng ta sẽ đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tình hình 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương; nghiên cứu, đề xuất những chủ trương, chính sách lớn có tính đột phá, khơi thông, mở đường cho khai thác, phát huy nguồn lực đất đai để phục vụ cho phát triển đất nước", ông Trần Tuấn Anh khẳng định.

Hoàng Anh/Nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập148
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm145
  • Hôm nay34,880
  • Tháng hiện tại265,584
  • Tổng lượt truy cập92,643,248
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây