Học tập đạo đức HCM

Đánh thức nông sản miền Tây Quảng Trị:(Bài 4) Sắm ô tô nhờ nuôi bò

Thứ tư - 09/09/2020 23:06
Trong khi nhiều nông dân vùng gò đồi phía Tây loay hoay với bài toán thoát nghèo, người dân ở xã Cam Tuyền đã tìm được lời giải bằng mô hình nuôi bò thâm canh.
Nuôi bò nhốt chuồng kết hợp với trồng cỏ ở vùng gò đồi phía Tây Quảng Trị. Ảnh: Công Điền

Nuôi bò nhốt chuồng kết hợp với trồng cỏ ở vùng gò đồi phía Tây Quảng Trị. Ảnh: Công Điền

Liên kết nuôi bò

Trước đây, ở xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) hầu hết người dân đều chăn nuôi bò theo lối chăn thả tự nhiên. Để phục vụ các nhu cầu khác, diện tích đồng cỏ ở địa phương ngày càng thu hẹp dẫn đến thiếu hụt nguồn thức ăn cho vật nuôi. Trong khi đó, tổng đàn bò của người dân trên địa bàn xã ngày càng tăng dẫn đến sự cạnh tranh nguồn thức ăn tự nhiên cho đàn vật nuôi là không thể tránh được.

Ngoài ra, do người dân chăn nuôi bò theo tập quán thả rông nên không thể quản lý được tổng đàn, chất lượng đàn bò cũng không giám sát được. Rồi tác động của thời tiết nên vật nuôi dễ nhiễm dịch bệnh, bùng phát, lây lan rất khó kiểm soát, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Có thời điểm, một số hộ dân trên địa bàn phải ngửa mặt lên trời mà than khi chứng kiến trâu bò chết hàng loạt vì dịch bệnh. Một số hộ dân bắt đầu nản chí khi thấy công sức, tiền bạc bỏ ra để nuôi bò nhiều mà lợi nhuận chẳng đáng là bao.

Trong khi người dân xã Cam Tuyền đang loay hoay tìm hướng mở rộng quy mô đàn vật nuôi để phát triển kinh tế thì họ như “vớ được vàng” khi vào năm 2012, Trường Đại học Nông lâm Huế phối hợp với các ngành liên quan của tỉnh Quảng Trị và chính quyền xã Cam Tuyền triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi bò theo hướng thâm canh tại địa phương. Đến cuối năm đó, Câu lạc bộ (CLB) Chăn nuôi bò thâm canh Cam Tuyền (tiếng Anh là Cam Tuyen Cattle Club, viết tắt là CCC) được thành lập.

Người dân đang dần từ bỏ lối chăn nuôi bò thả rông truyền thống. Ảnh: Công Điền.

Người dân đang dần từ bỏ lối chăn nuôi bò thả rông truyền thống. Ảnh: Công Điền.

Ông Trần Viết Bỉnh, Chủ nhiệm đầu tiên của CLB nhớ lại: “Khi mới thành lập, số người tham gia CLB chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi, giờ thì chúng tôi có đến 60 anh em. Mỗi tháng, CLB họp từ một đến hai lần. Không chỉ thành viên CLB mà bà con trên địa bàn xã cũng thu xếp thời gian tham gia để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm ăn”.

Từ khi thành lập, CLB trở thành điểm hẹn để nông dân địa phương chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất. Bên cạnh đó, CLB còn làm nhiệm vụ đầu mối liên kết giữa hội viên với nhà khoa học, doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Có lẽ nhờ tầm quan trọng ấy mà CLB Chăn nuôi bò thâm canh Cam Tuyền thu hút ngày càng đông hội viên. Họ tiên phong trong việc chuyển đổi đất hoa màu sang trồng cỏ, nuôi bò tập trung theo hướng thâm canh.

Được sự tiếp sức, người dân xã Cam Tuyền đã tập trung trồng cỏ nuôi bò ở vùng Rào Lấp và khu vực ven sông Hiếu. So với ngày đầu, đến nay, diện tích đất trồng cỏ tăng gấp năm lần. Người dân cũng mạnh dạn hơn trong việc mua con giống, đầu tư xây dựng chuồng trại. Nhờ áp dụng đúng các biện pháp khoa học- kỹ thuật, bò nuôi sinh trưởng, phát triển nhanh, ít bị bệnh tật… Có thời điểm, đàn bò của thôn đã lên đến hơn 300 con, trong đó bò lai chiếm khoảng 70%.

Khấm khá nhờ trồng cỏ, nuôi bò

Muốn phát triển chăn nuôi bò bền vững, ngoài việc phòng ngừa dịch bệnh thì nguồn thức ăn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Những ngày về với người dân xã Cam Tuyền, các chuyên gia của Trường Đại học Nông lâm Huế đã tiến hành khảo sát và nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng này rất phù hợp với số loại cỏ cao sản như: TD06, TD85, Mulato II… Đây là các giống cỏ có hàm lượng dinh dưỡng, năng suất cao. Theo tính toán, trung bình 1 sào cỏ sẽ cung cấp đủ thức ăn cho một con bò nuôi nhốt. Đó cũng là tiền đề quan trọng để người dân Cam Tuyền phát triển chăn nuôi bò theo hướng thâm canh.

Nông dân trẻ Hồ Văn Phước, một điển hình phát triển kinh tế nhờ nuôi bò nhốt chuồng ở Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Nông dân trẻ Hồ Văn Phước, một điển hình phát triển kinh tế nhờ nuôi bò nhốt chuồng ở Quảng Trị. Ảnh: Công Điền.

Để người dân từng bước làm quen với việc trồng cỏ nuôi bò, từ bỏ dần thói quen phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên, các chuyên gia của Trường Đại học Nông lâm Huế đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật trồng cỏ và chăn nuôi cho người dân. Bên cạnh đó, các chuyên gia của trường còn hỗ trợ người dân giống cỏ, máy cắt cỏ, thức ăn tinh…

Bây giờ cuộc sống của gia đình anh Hồ Văn Phước, ở thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền đã khấm khá hơn trước rất nhiều. Khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng, vợ chồng anh Hồ Văn Phước chăm chút làm ăn mà vẫn không thoát nghèo. Hay tin về mô hình chăn nuôi bò thâm canh, vợ chồng anh quyết định vay vốn để triển khai. Trải qua thời gian hơn 5 năm, với nhiều nỗ lực, cố gắng, công sức của vợ chồng anh Phước đã được đền đáp xứng đáng. Nhìn cơ ngơi với ngôi nhà xây khang trang và chiếc xe hơi trị giá hơn 500 triệu đồng, ít ai nghĩ nó có được từ trồng cỏ, nuôi bò của gia đình anh.

Anh Phước chia sẻ: “Gia đình tôi vừa nuôi bò sinh sản, vừa mua bò về vỗ béo bán lại. Bình quân mỗi năm gia đình bán khoảng 4 con (từ 30-40 triệu đồng/con), trừ chi phí cũng lãi được một nửa. Không chỉ gia đình tôi, nhiều người khác trong làng từ lâu nhờ vào nuôi bò mà có cuộc sống ổn định”.

Không chỉ phát triển kinh tế từ nuôi bò, thông qua CLB Chăn nuôi bò thâm canh, nhiều hộ dân khác ở xã Cam Tuyền có thêm thu nhập nhờ nghề bán các giống cỏ cao sản. Anh Phan Luận, một người dân xã Cam Tuyền cho biết: “Trước đây, bà con trong xã chỉ trồng cỏ để nuôi bò thôi. Rồi qua thời gian, nhận thấy nhu cầu cỏ giống của thị trường tăng nên gia đình tôi cùng với nhiều hộ khác trong thôn mở rộng diện tích trồng để bán. Một vài năm trở lại đây, rất nhiều thương lái đến xã chúng tôi để tìm mua cỏ giống. Nhờ đó, đời sống của nhiều gia đình trong xã cũng khá hơn nhờ nghề trồng và bán cỏ giống”.

Theo ông Trần Thọ Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền, tính đến nay, trên địa bàn xã đã phát triển được tổng đàn bò 1.029 con (chưa tính bò chăn thả trong rừng), trong đó bò lai toàn xã chiếm 70%. Từ tập quán chăn nuôi truyền thống chăn thả rong, đến nay đa số các hộ nuôi bò tại địa phương đã chuyển sang nuôi nhốt chuồng vì chủ động được nguồn thức ăn sẵn có.

“So với các loại cây trồng và vật nuôi khác hiệu quả kinh tế của nuôi bò theo hướng thâm canh ở địa phương đã được khẳng định. Với thu nhập cao gấp 1,5-2 lần nên nhiều nông dân xem nuôi bò thâm canh là nghề chính. Thống kê cho thấy, nhiều hộ nuôi bò trên địa bàn xã đã thoát nghèo và vươn lên khá giả nhờ thu nhập ổn định”, ông Bình chia sẻ thêm.

Ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết: Từ hiệu quả kinh tế đạt được, mô hình trồng cỏ nuôi bò theo hướng thâm canh đã nhanh chóng được triển khai trên nhiều địa bàn của huyện ở các xã như Cam Thủy, Cam Thành, Cam Hiếu…Bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trường Đại học Nông Lâm Huế thì người dân cũng đã có ý thức truyền đạt, phổ biến, giúp đỡ nhau trong kỹ thuật chăn nuôi và cây giống để trồng cỏ nuôi bò. Thời gian tới, huyện sẽ có những hỗ trợ về cơ chế chính sách, nguồn vốn để nhân rộng mô hình này ra nhiều địa bàn ở các xã vùng gò đồi phía Tây.

Tổng đàn bò trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện nay khoảng 67.000 con, trong đó tỷ lệ bò lai Zebu đạt 38% tổng đàn. Do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp, hiện đàn bò ở địa phương này chủ yếu phát triển ở các vùng gò đồi phía Tây.

Những năm qua, với sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành nông nghiệp, chăn nuôi bò đang từng bước được đổi mới. Nhiều hộ gia đình, trang trại chăn nuôi bò đã chuyển mạnh từ chăn thả truyền thống sang chăn dắt và nuôi nhốt thâm canh kết hợp trồng cỏ theo hướng bền vững.

Theo Công Điền/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập297
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm294
  • Hôm nay55,762
  • Tháng hiện tại629,814
  • Tổng lượt truy cập93,007,478
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây