Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid - 19 hiện nay, nhiều đơn vị kinh doanh trong ngành này khó có thể trụ lâu thêm và khó phục hồi, nếu không có giải pháp cấp bách vực dậy, nguy cơ đổ vỡ chuỗi sản xuất là khó tránh.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất
Khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) vừa công bố cho thấy, tính đến cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp (DN) thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam hoạt động với mô hình “ba tại chỗ”. Khoảng 30-40% đơn vị không đủ điều kiện thực hiện “ba tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất; số còn lại tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy thực hiện “ba tại chỗ”.
Việc kéo dài thời gian giãn cách liên tục khiến nhiều bạn hàng mất kiên nhẫn. Trong khi đó, các nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đầu vào của ngành thủy sản khan hiếm, khó tiếp cận do mỗi địa phương có chính sách chống dịch khác nhau, gây khó khăn cho công tác vận chuyển. Hạn chế này không được tháo gỡ sẽ khiến DN không thể duy trì sản xuất.
Đáng chú ý, ngay cả với những nhà máy thực hiện được phương án “ba tại chỗ” thì lượng công nhân có thể huy động được chỉ khoảng 30-50% tổng số lao động; số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Ước tính, công suất chung của các nhà máy chế biến thủy sản ở vùng ĐBSCL đã giảm 60-70%.
Như mọi năm, quý III là thời gian cao điểm để DN tăng cường thu mua nguyên liệu đáp ứng đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Thế nhưng, từ cuối tháng 7 đến nay, ngành thủy sản tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nên kết quả tháng 8 đang là tăng trưởng âm, mức giảm đầu tiên trong năm.
Lũy kế 8 tháng, tổng sản lượng thủy sản ước đạt gần 5,7 triệu tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng riêng tháng 8, sản lượng đã giảm 2,6%. Cá tra và tôm giảm mạnh khiến sản lượng nuôi trồng giảm hơn 4% so với cùng kỳ.
Còn sản lượng khai thác trong tháng 7, tháng 8 cũng giảm 120.000 tấn, do gần 20.000 tàu tạm ngừng hoạt động. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 8 cũng giảm mạnh. Cá ngừ, cá tra và tôm... giảm gần 30% so với tháng trước, khi chỉ còn một số ít DN duy trì phương án “ba tại chỗ”.
Nhiều DN thủy sản đang cân nhắc phương án ngưng hoạt động hoàn toàn, nếu tình hình dịch bệnh chưa được ngăn chặn và các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài. Với thực tế này, nếu Chính phủ, các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp thì nguy cơ bị đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất, từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - xuất khẩu là khó tránh khỏi.
ĐBSCL đã có 120/449 nhà máy chế biến dừng hoạt động. Những nhà máy còn duy trì thì chi phí tăng và nguy cơ bị phạt đơn hàng rất lớn. Vấn đề cần nhất hiện nay là làm thế nào để khôi phục sản xuất của các nhà máy.
“Công nhân của chúng tôi ở Sóc Trăng rất nhiều, nhưng hiện không đi được qua địa phận giáp ranh giữa hai nơi, nên phải có cơ chế giải quyết và phối hợp giữa các tỉnh như thế nào để giải quyết, chứ như bây giờ, khu công nghiệp Nam sông Hậu chết cứng”, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho biết.
Trong khi đó, với mức giá chủ yếu là hòa và lỗ, phần lớn người nuôi tôm đều cân nhắc chuyện có thả nuôi vụ mới hay không. Dự báo việc thiếu nguyên liệu sẽ còn ảnh hưởng sang cả năm 2022.
Giải pháp phục hồi chuỗi thủy sản
Theo số liệu từ VASEP, những năm qua, tuy trồi sụt nhưng xuất khẩu thủy sản vẫn có xu hướng tăng trưởng.
Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng trưởng trung bình 5%/năm, đạt 8,4 tỷ USD vào năm 2020. Dự tính, giai đoạn 2021-2025, xuất khẩu thủy sản tăng trưởng trung bình 7%/năm và tới năm 2025 đạt 12 tỷ USD. Trong đó, tôm đạt 5,5 tỷ USD, cá tra 2,3 tỷ USD và hải sản 4,2 tỷ USD.
Với sự tăng trưởng nhanh và hiệu quả, chế biến thủy sản đã đóng góp tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Để gỡ khó cho ngành thuỷ sản, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) Trần Đình Luân cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc thu hoạch, thu mua, vận chuyển, cung ứng vật tư đầu vào nhằm tạo điều kiện cho người dân bán sản phẩm và tiếp tục tái sản xuất. Các nhà sản xuất, cung cấp con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất… hỗ trợ người nuôi, không nhân cơ hội này để nâng giá. Cùng với đó, ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tham gia vào hoạt động sản xuất, thu mua, chế biến, vận chuyển…
Theo ông Luân, Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, có chính sách hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản, nhất là người dân trực tiếp sản xuất (thuế, điện, vốn…). Cung cấp thêm tín dụng với mức lãi suất hợp lý để cho người dân và DN tái đầu tư phục hồi sản xuất...
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bến Tre, kiến nghị, nên có chính sách giảm lãi suất vay vốn ngân hàng. Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần kiến nghị giảm tiền điện cho người nuôi thuỷ sản công nghệ cao. Hiện, Bến Tre có 1.950ha nuôi tôm công nghệ cao, tiền điện rất lớn nên rất mong Nhà nước giảm tiền điện tới tháng 3/2022, mức giảm 15-20%.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, Bộ Nông nghiệp và PTNT cần kiến nghị các địa phương sớm mở lại các chợ đầu mối lớn để thúc đẩy tiêu thụ, tạo điều kiện cho ngư dân, nông dân có động lực trở lại sản xuất.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, cho rằng, những người đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, các địa phương nên cho họ tham gia sản xuất bình thường với điều kiện thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, có như vậy mới không làm chuỗi sản xuất ngành thủy sản bị đứt gãy.
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cần áp dụng chính sách “một cung đường, nhiều điểm đến”, đảm bảo “công nhân xanh” - “gia đình xanh” - “nhà máy xanh”, test Covid-19 thường xuyên để kiểm tra, công nhân đi từ nhà đến nhà máy làm việc trong nhà máy.
Năm nay, ngành thủy sản đặt mục tiêu đạt 8,6 triệu tấn về sản lượng và kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,8 tỷ USD. Từ tháng 7, với sự hồi phục nhu cầu tại hai thị trường lớn là Mỹ và EU, nhiều chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu khả thi. Tuy nhiên, những gì diễn ra đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành thủy sản, vì vậy, cần hơn nữa những nỗ lực tháo gỡ từ Chính phủ, chính quyền địa phương, ngành chức năng...
Về phía Chính phủ, ngày 9/9, đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, mục tiêu của Chính phủ là, đến cuối năm 2021, ít nhất có khoảng 1 triệu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh để đa số các đối tượng nói trên đang tạm ngừng kinh doanh quay lại hoạt động. Như vậy, DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản sẽ được xem xét hỗ trợ để khôi phục sản xuất.
Chiến lược “tăng sức chiến đấu”cho ngành chế biến
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, tình hình hoạt động của DN chế biến xuất khẩu thủy sản đã, đang và sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Chuẩn bị cho phương án tình trạng này còn kéo dài và ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo xuyên suốt các địa phương để duy trì hoạt động của DN chế biến xuất khẩu, tiêu thụ nội địa, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất.
Và để tăng “sức chiến đấu” cho ngành chế biến thủy sản, mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1408/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu phát triển chế biến thủy sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng được nhu cầu, quy định của thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp tục hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thời gian qua, với hàng loạt FTA được thực thi đã mang lại cơ hội cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam thâm nhập thị trường thế giới. Mặc dù đã đạt được một số thành tích đáng kể trên thị trường thế giới, song nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn bị đánh giá “yếu thế” hơn khi so sánh với hàng hóa của nhiều quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn khác do năng lực cạnh tranh chưa cao, chất lượng không ổn định.
Những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ tại EU đang có xu hướng hồi phục trở lại cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường EU. Tuy nhiên, dịch Covid-19 và những ảnh hưởng của thẻ vàng IUU sẽ tác động lớn đến xuất khẩu thủy sản. Do vậy, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi và duy trì ổn định sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn và tận dụng tốt cơ hội thị trường trong thời gian tới. |
Hơn nữa, tuy tỷ trọng sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng có tăng lên nhưng chưa nhiều mặt hàng tiện dụng, nghèo về mẫu mã và bao bì. Chưa có chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực cũng như chưa xây dựng được thương hiệu mạnh cho các sản phẩm thủy sản chế biến, công nghệ chế biến sâu chưa được quan tâm phát triển.
Mục tiêu Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng sản lượng thủy sản chế biến đạt trên 6%/năm, góp phần đưa giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 14-16 tỷ USD. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm thủy sản chế biến giá trị gia tăng đạt trung bình trên 40%/năm. Trong đó, tôm đạt 60%, cá tra 10%, cá ngừ 70%, mực và bạch tuộc 30%, thủy sản khác 30%. Trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiên tiến trở lên.
Hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới.
“Mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu các doanh nghiệp chú trọng đầu tư công nghệ, thiết bị và mở rộng thị trường tiêu thụ; phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp và thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Để đạt được những mục tiêu trên, Đề án đặt ra các nhiệm vụ cần thiết, như tổ chức thực hiện việc kiểm soát và phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản từ nuôi trồng, khai thác và nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp chế biến, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tuân thủ các điều kiện, quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế; đảm bảo các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, tránh gian lận xuất xứ, gian lận thương mại.
Thu hút đầu tư hình thành các tập đoàn, công ty chế biến thủy sản lớn có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; nâng cấp các cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tiên tiến; nâng cao năng lực chế biến, trình độ công nghệ đối với các cơ sở chế biến tiêu thụ thủy sản trong nước, đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm chế biến thủy sản.
Đề án cũng đưa ra giải pháp, đẩy mạnh chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chú trọng tới nhóm sản phẩm chủ lực (tôm, cá tra, cá ngừ); đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ cá ngừ, rong tảo biển và phụ phẩm; tách chiết các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị cao phục vụ ngành thực phẩm, hoá dược.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã