Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết số 45:
I. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG TRONG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
1. Quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục kế thừa, tập trung xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, đề cao trách nhiệm nêu gương và tinh thần gương mẫu của người đứng đầu. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả trong hành động; tiếp tục khơi dậy và thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước.
2. Chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm và đảm bảo tính khả thi; đồng thời phải thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát đến kết quả cuối cùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô trương, hình thức.
3. Tiếp tục phát huy những kết quả công tác, khí thế thời gian qua, không thỏa mãn, chủ quan, tự mãn với thành tích đã đạt được; kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; quán triệt, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực một cách hiệu quả và không hình thức, trước hết là trong hệ thống hành chính nhà nước; kiên quyết ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
4. Tư tưởng chỉ đạo trong xử lý công việc là suy nghĩ phải kỹ lưỡng, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Đối với những vấn đề đột xuất, bất ngờ phải nắm chắc tình hình, bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp và xử lý công việc đạt hiệu quả cao nhất. Những vấn đề đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; những vấn đề chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.
5. Tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ; chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; phát triển ổn định, bền vững thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán. Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước. Tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài.
6. Phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm mọi người dân đều có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; ổn định chính trị - xã hội và an toàn, an ninh cho nhân dân; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng; giữ vững độc lập, chủ quyền; tiếp tục xây dựng và gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước.
Ảnh: VGP |
II. VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CẦN TẬP TRUNG CHỈ ĐẠO
1. Về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Quan điểm, tư tưởng chỉ đạo xây dựng Chương trình là phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, yêu cầu phát triển và tình hình thực tế đất nước. Yêu cầu các bộ, cơ quan khẩn trương có ý kiến bằng văn bản về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ; trong đó lưu ý rà soát, đề xuất các nhiệm vụ, đề án lớn cần triển khai thực hiện, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, khả thi, hiệu quả, nhất là đối với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 22 tháng 4 năm 2021 để tổng hợp, hoàn thiện, trình Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2021.
2. Về việc tổng kết Quy chế làm việc của Chính phủ
a) Chính phủ thống nhất cần tổng kết, đánh giá đầy đủ tình hình thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ để sớm sửa đổi, bổ sung trên cơ sở bám sát tình hình và yêu cầu thực tiễn, kế thừa những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy những bài học kinh nghiệm quý trong quá trình tổ chức thực hiện. Trước mắt yêu cầu các thành viên Chính phủ quán triệt thực hiện theo hướng:
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, công khai, minh bạch trong toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước. Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ giải quyết những việc thuộc thẩm quyền; không quyết định thay những việc đã phân cấp, ủy quyền hoặc thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan, địa phương.
- Tăng cường phân cấp, phân quyền cho các bộ, cơ quan, địa phương xử lý công việc; xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân gắn với đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; cá thể hóa hơn nữa trách nhiệm cá nhân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tăng cường phân cấp cho cấp dưới trực tiếp, cho địa phương xử lý công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, nhất là về thủ tục hành chính.
- Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm trực tiếp và toàn diện trong xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền hoặc khi được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, phân công, giao nhiệm vụ, không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện nghiêm quy định về thời hạn xử lý công việc, bảo đảm chất lượng; phải làm hết trách nhiệm tham mưu, nêu rõ quan điểm, phương án xử lý khi đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tham dự đầy đủ các phiên họp Chính phủ; tham gia họp Thường trực Chính phủ khi được mời đích danh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp cử cấp Thứ trưởng dự thay phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm thông báo, quản lý chặt chẽ nội dung và thành phần dự họp; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong các cuộc họp và tuyệt đối an ninh, an toàn thông tin về nội dung họp theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc và chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các thành viên Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
b) Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương tổng kết đánh giá và sửa đổi Quy chế làm việc của Chính phủ; trình Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Về việc tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật; theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền chủ động nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số; khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Việc xây dựng hoặc tham gia ý kiến về văn bản pháp luật phải bám sát yêu cầu phát triển và đổi mới của ngành, lĩnh vực quản lý; tránh để tình trạng không có ý kiến dẫn đến văn bản ban hành không khả thi hoặc phát sinh vướng mắc mới.
b) Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, theo dõi, tổ chức thực hiện để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển. Trên cơ sở kết quả ban đầu đã rà soát và thống nhất giữa các bộ, ngành, Bộ Tư pháp có trách nhiệm đôn đốc việc gửi báo cáo trước ngày 15 tháng 5 năm 2021 để tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Quyết định và Danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới với tiến độ và nội dung cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành vào cuối tháng 5 năm 2021 và làm cơ sở để đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2021, 2022 và các năm tiếp theo.
c) Yêu cầu các bộ, cơ quan được giao chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của năm 2021 bám sát Chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương, Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, báo cáo Thường trực Chính phủ trước khi trình Chính phủ, nhất là dự án Luật đất đai (sửa đổi), các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung của Luật ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch và các nghị định liên quan…; không để tình trạng nợ, chậm, chất lượng kém khi ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành. Sớm hoàn thiện, ban hành các nghị định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, như sửa đổi Nghị định số 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Nghị định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự án đầu tư; Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về sắp xếp lại, xử lý tài sản công...
4. Về phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo phân công tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14 ngày 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và đúng tiến độ, kế hoạch đã đề ra và chọn được những người xứng đáng vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Phối hợp chuẩn bị tốt việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo thẩm quyền. Tiếp tục thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở Trung ương và địa phương. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, trả lời các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương về công tác bầu cử. Triển khai cấp phát kinh phí kịp thời, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ bầu cử theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm được phân công.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung và có chiều sâu; chủ động đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch về nhân sự và tổ chức bầu cử.
- Triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho cuộc bầu cử và ngày bầu cử; chủ động phương án phòng ngừa, đối phó với các hành vi gây mất ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, hoạt động chống phá cuộc bầu cử; kịp thời xem xét, xác minh và giải quyết tốt các khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhân sự các cấp.
- Có phương án, kịch bản phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thiên tai, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, hiệu quả để bảo đảm tổ chức ngày bầu cử thành công, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.
5. Về phòng, chống dịch COVID-19 và tiêm phòng vắc-xin COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số người mắc mới, số người phải nhập viện và số tử vong chưa giảm; nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, bùng phát tại Việt Nam vẫn ở mức cao từ nguồn nhập cảnh trái phép tại các tuyến biên giới, nhất là tuyến biên giới Tây Nam. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”, tuyệt đối không chủ quan, lơ là và sẵn sàng ứng phó mọi tình huống dịch bệnh. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt yêu cầu đeo khẩu trang ở nơi công cộng đối với cá nhân. Các bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở sản xuất, dịch vụ (cơ sở y tế, giáo dục, giao thông, thương mại, nhà máy, xí nghiệp, công sở...) thực hiện nghiêm biện pháp an toàn COVID; cập nhật lên hệ thống bản đồ an toàn dịch bệnh; kiên quyết xử lý (kể cả dừng hoạt động) các cơ sở vi phạm. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các yêu cầu này tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh, ngăn chặn và xử lý nghiêm nhập cảnh trái phép, nhất là ở các tỉnh biên giới, đặc biệt là biên giới Tây Nam. Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.
Trước mắt do nguồn cung vắc-xin còn khan hiếm trên quy mô toàn cầu, Bộ Y tế cần khẩn trương thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ nhằm có vắc-xin sớm nhất; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để các doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu, tiêm vắc-xin dịch vụ; tổ chức tiêm vắc-xin khẩn trương, an toàn tuyệt đối, dứt khoát không để tình trạng vắc-xin không được tiêm kịp thời, phải hủy bỏ. Giao Bộ Y tế khẩn trương hoàn chỉnh phương án và nghiên cứu triển khai cơ chế “hộ chiếu vắc-xin” đối với từng loại đối tượng, từng nước, góp phần thực hiện mục tiêu kép; đồng thời, có phương án cụ thể tạo điều kiện thuận lợi nhất để hoàn thành thử nghiệm và sản xuất vắc-xin trong nước.
6. Về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời tạo ra năng lực sản xuất mới, thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch, trong đó tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổng kết, đánh giá công tác giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, xác định rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đề xuất giải pháp đồng bộ, khả thi, hiệu quả để khắc phục, phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất; đồng thời bảo đảm mục tiêu, chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 4 năm 2021.
7. Về Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP về hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19
a) Đồng ý ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền sử dụng đất năm 2021 như đề nghị của Bộ Tài chính. Giao Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngay sau phiên họp.
b) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Ngoại giao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 109/2020/NĐ-CP, báo cáo đề xuất Thường trực Chính phủ trong thời gian sớm nhất để tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
c) Giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan sơ kết, đánh giá hiệu quả việc thực hiện các Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 và số 154/NQ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (gói 62 nghìn tỷ); báo cáo Thường trực Chính phủ trước ngày 15 tháng 5 năm 2021.
8. Về tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia
a) Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, trực tiếp các khâu: đề thi, tổ chức chấm thi, thanh tra, kiểm tra; tiếp tục hoàn thiện quy chế thi bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh.
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức thi trên địa bàn bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, công bằng, khách quan nhưng không gây căng thẳng, áp lực không cần thiết cho thí sinh, phụ huynh học sinh và phù hợp với tình hình dịch bệnh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các thành viên Chính phủ khẩn trương xử lý, giải quyết ngay công việc, bảo đảm sự liên tục, thông suốt trong thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ; sớm kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng và công tác nhân sự; rà soát, sửa đổi quy chế làm việc theo tinh thần tăng cường kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả và đúng quy định pháp luật.
2. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung quán triệt ngay và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết này trong tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện; kịp thời báo cáo và đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền.
3. Chính phủ trân trọng đề nghị các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tăng cường giám sát thực thi công vụ và đóng góp ý kiến xây dựng, góp phần tạo đồng thuận xã hội để sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn đời sống xã hội./.
Theo Chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã