Ông Lê Sơn Hoàng, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) kể: “Tôi ham thích đá gà từ nhỏ. Ban đầu tôi nuôi gà nòi để lọc những con gà tốt để đá, sau đó do có nhiều người đến hỏi mua vì thấy gà của tôi đá hay, tôi bèn gầy giống để bán...".
Theo ông Hoàng, ông chọn những con gà cồ và gà mái to khỏe để phối giống. Những con gà cồ khỏe mạnh, ông nuôi để làm gà đá, còn gà mái nuôi lớn lấy thịt.
Cứ chọn lọc như thế, dần dần ông Lê Sơn Hoàng có được một đàn gà nòi (gà chọi) tốt. Ban đầu chỉ khoảng chục con, giờ đàn gà nòi của ông có khoảng 100 con. Đàn gà nòi này mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình ông.
Theo ông Hoàng, ở huyện Phù Cát, những hộ nuôi vài con gà để đá cho vui thì rất nhiều, nuôi gà nòi làm kinh tế thì ít hơn nhưng gần đây đang nhiều lên.
So với gà thường, gà chọi sinh trưởng nhanh hơn. Cùng nuôi trong 3 tháng nhưng gà chọi sẽ lớn nhanh và nặng ký hơn. Giá bán gà nòi cũng cao hơn gà thường nên mang lại hiệu quả kinh tế lớn hơn.
Cũng đam mê chơi đá gà từ nhỏ, ông Nguyễn Văn Hùng, ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) chia sẻ, nuôi gà nòi để lấy thịt không khó vì giống gà có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh.
Hơn nữa, đặc tính nổi trội của giống gà chọi này là rất hay vận động nên chúng rất khỏe, chất lượng thịt tốt, thơm ngon.
Khác với chế độ ăn khá đặc biệt của gà đá, thức ăn của gà nòi đơn giản như: Cám, rau, thóc... “Chăm sóc gà nòi lấy thịt điểm quan trọng là phải tiêm phòng cho gà ngay từ khi còn nhỏ và giữ vệ sinh môi trường sống để hạn chế mầm bệnh. Còn lại thì cũng như nuôi gà ta!”- ông Hùng cho biết thêm.
Ông Đặng Văn Thuận, ở thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định) chia sẻ, giá một con gà nòi có thể dùng làm gà đá, cỡ nhỏ tầm 1 - 1,5 triệu đồng; cỡ trung bình giá khoảng 2 triệu đồng; một con gà đá hoàn chỉnh lên tới 5 - 7 triệu đồng.
Nếu đó là một con gà đá tốt giá cao hơn nhiều lần. Tuy gà đá giá bán cao, nhưng để đào tạo được một con gà đá chiến phải mất nhiều năm, tốn nhiều thời gian và công sức từ chọn lọc đến huấn luyện.
Đàn gà chọi của gia đình ông hiện có 40 con, mang lại nguồn lợi khoảng 20 triệu đồng/tháng, tính ra hiệu quả cao gấp 2 - 3 lần so với nuôi gà ta lấy thịt thông thường.
Ông Đặng Văn Thuận cho hay: Gà chọi của tỉnh Bình Định có tiếng trong nước. Giống gà chọi trong tỉnh Bình Định thường có dòng tông chuẩn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên rất được thị trường ưa chuộng.
Hiện, nhu cầu mua gà chọi Bình Định ở các tỉnh phía Bắc rất cao, chiếm 70% số lượng tiêu thụ. Thương lái thường tìm đến tận nhà để thu mua gà chọi Bình Định.
Tuy nhiên, hầu như các hộ nuôi gà nòi ở huyện Phù Cát và Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) hiện nay đều nuôi nhỏ lẻ và xem nuôi gà chọi là nghề tay trái nên chưa đầu tư chuồng trại bài bản.
“Nếu những hộ nuôi gà nòi ở đây đầu tư chuồng trại bài bản, gà chọi Bình Định có thể trở thành nguồn cung ổn định cho nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và mang lại doanh thu rất lớn” - ông Lê Sơn Hoàng nhận định.
Ông Lý Văn Vỹ, chuyên viên Phòng NNPTNN huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), chia sẻ: Một số hộ gia đình trong huyện đã thích ứng nhanh với thị trường chuyển sang nuôi gà chọi làm kinh tế, mang lại thu nhập khá, góp phần mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.
Theo Hồng Hà/danviet.vn
https://danviet.vn/lam-giau-khac-nguoi-khong-it-nong-dan-tinh-binh-dinh-hien-nay-lai-20-trieu-thang-nho-ham-da-ga-tu-nho-20201227225501747.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;