Phát triển hoa cây cảnh không những bảo vệ môi trường sinh thái sáng - xanh - sạch - đẹp mà còn là một mũi nhọn kinh tế gia tăng thu nhập để nâng cao đời sống của người dân, góp phần thiết thực vào chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố.
Hà Nội có diện tích đất tự nhiên 3.345 km2, sau khi sáp nhập kể từ ngày 1/3/2020 có 30 đơn vị hành chính gồm 12 quận, 17 huyện, 1 thị xã; cấp xã gồm 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn. Chương trình xây dựng NTM đến hết năm 2020 đã có 12 huyện thị xã đạt chuẩn nNTM/18 huyện thị xã ngoại thành. Có 386/382 xã đạt chuẩn NTM và 29 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Có thể nói sau 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Hà Nội đã đổi thay rõ rệt, thu nhập người dân ngày một được nâng cao, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật ngày một được đồng bộ đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân, các thiết chế văn hóa ngày càng được duy trì phát triển. Đặc biệt cảnh quan môi trường đã được cải thiện đáng kể với các đường hoa, cây xanh và tranh bích họa đang được người dân quan tâm và mở rộng biến mỗi một địa phương là một miền quê đáng sống để nhân dân đến du lịch, trải nghiệm và thưởng ngoạn.
Để phát triển kinh tế nông thôn, bên cạnh phát triển các loại cây trồng vật nuôi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân thì UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 390 ngày 17/1/2019 về danh mục sản phẩm nông nghiệp cần khuyến khích và ưu tiên, hỗ trợ, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thị sản phẩm. Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội cũng tăng mạnh từ 5.484 ha năm 2015 lên 7.960 ha năm 2020.
Cơ bản trên 70% diện tích được trồng tập trung điển hình là ở các quận huyện Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Tây Hồ, Đan Phượng, Thường Tín; Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa lan hồ điệp, hoa lan VAR. Với các tiến bộ mới về giống, quy trình chăm bón, hệ thống dinh dưỡng khoáng, tự động, ánh sáng và nhiệt độ được điều chỉnh, năng suất cây trồng ở đây đạt khá cao và việc sản xuất bước đầu được xem là hiệu quả. Giá trị sản xuất bình quân đạt từ 0,5-1,5 tỷ/ha/năm, nhiều mô hình đạt từ 1,3 tỷ đến 2,2 tỷ đồng/ha/năm. Tỷ lệ cây xanh phân tán, ven đường của Hà Nội còn thấp mới chỉ đạt từ 2- 3m2/người.
Đến nay Hà Nội đã công nhận được 313 làng nghề, làng nghề truyền thống trong đó có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh như: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo; Làng nghề sinh vật cảnh thôn Xâm Xuyên; Làng nghề hoa cây cảnh Nội Thôn huyện Thường Tín; Làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi; Làng nghề hoa, cây cảnh Liễu Trì; Làng nghề hoa Đại Bái huyện Mê Linh; Làng nghề cây cảnh hoa giấy thôn Phù Đổng huyện Gia Lâm; Làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu quận Bắc Từ Liêm; Làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá huyện Đông Anh; Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân; Làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên quận Tây Hồ.
Bên cạnh những kết quả đạt được bước đầu về sản xuất và kinh doanh hoa cây cảnh thì vẫn còn có nhiều khó khăn bất cập nên ngành hoa, cây cảnh chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của Thủ đô đó là: Suất đầu tư cho hoa, cây cảnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao thường là lớn xong việc tiếp cận chính sách vay vốn còn gặp nhiều khó khăn như cây cảnh chưa có đơn vị định giá để làm tài sản thế chấp nguồn vốn vay các ngân hàng thương mại.
Thị trường cây cảnh thời điểm này chưa sôi động lắm nhưng thị trường hoa lan VAR hiện rất sôi động song vẫn còn có nhiều cách nhìn trái chiều nhau từ các nhà quản lý, khoa học, và các đơn vị truyền thông. Việc thổi giá, lừa đảo thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội làm mất định hướng và niềm tin của người tiêu dùng và lao đao cho các nhà vườn sản xuất kinh doanh chân chính.
Các chính sách từ Trung ương đến Thành phố đều có xong áp dụng vào thực tiễn còn gặp nhiều khó khăn bất cập cụ thể như chính sách về ứng dụng công nghệ cao chưa thực hiện được, hỗ trợ cho các chủ thể sản xuất hoa, cây cảnh chủ yếu đang thực hiện theo Nghị định 83 của Chính Phủ về mô hình khuyến nông nên chưa tạo được đột phá để tạo giá trị gia tăng cao.
Hỗ trợ cho các làng nghề hoa cây cảnh cũng chỉ mới tập trung vào công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống. Công tác quy hoạch vùng sản xuất cây xanh, cây công trình và hoa cây cảnh để thành một ngành kinh tế sinh thái còn nhiều địa phương chưa quan tâm và chú trọng. Chưa có hệ thống văn bản pháp lý đồng bộ tạo hành lang để phát triển ngành kinh tế sinh thái hoa, cây cảnh...
Về phát triển ngành nghề và làng nghề nông, với lợi thế được coi là đất trăm nghề, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề với 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Nghị định số 52/2018/NĐ – CP của Chính Phủ đã chính thức công nhận hoạt động sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh là 1 trong 7 ngành nghề phát triển nông thôn.
Thành ủy Hà Nội ngày 17/3/2021 đã ban hành chương trình 04 về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021- 2025. Trong đó chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có 100% các huyện, các xã đạt chuẩn NTM; 20% số huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Tăng diện tích hoa, cây cảnh đạt từ 8.500 ha đến 9.000 ha. Đẩy mạnh phong trào trồng cây xanh phân tán cây ven đường giao thông lên 8 đến 10 m2/ người. Quy hoạch phát triển làng nghề và kế hoạch bảo tồn làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, tạo điều kiện để các làng nghề tổ chức sản xuất kinh doanh và xúc tiến thương mại. Làng nghề phát triển tốt sẽ gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm.
Để phát triển hoa, cây cảnh nói chung cũng như đạt được mục tiêu của chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội nói riêng trong thời gian tới về phía Bộ Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp các tỉnh, thành phố rà soát những chính sách liên quan đến phát triển hoa, cây cảnh để bổ sung, chỉnh sửa, tháo gỡ những nút thắt trong thực hiện chính sách ở cơ sở nhằm ban hành cơ chế chính sách tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển ngành hoa, cây cảnh.
Thành phố chỉ đạo các sở ngành và UBND cấp huyện làm tốt công tác quy hoạch và bố trí nguồn lực để phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh là mũi nhọn và chủ lực của địa phương trong phát triển kinh tế, cải tạo môi trường nhằm thiết thực phục vụ chương trình nông thôn mới và phát triển đô thị.
Các Hội, Hiệp hội ngành hàng hoa, cây cảnh cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp để định giá hoa cây cảnh, gắn mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, thiết lập bản đồ số về hoa cây cảnh để minh bạch thông tin và phục vụ công tác quản lý và giám sát. Các Hội, Chi hội và nghệ nhân tham vấn cho đơn vị quản lý nhà nước của địa phương trong chiến lược phát triển ngành hàng hoa, cây cảnh; tham mưu bộ tài tiệu đào tạo nghề cho lao động và khuyến khích các nghệ nhân, nhà quản lý tốt để đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động.
Các đơn vị thông tấn báo chí của trung ương và địa phương quan tâm đến tuyên truyền ngành hàng hoa, cây cảnh trên cơ sở tôn chỉ mục đích thúc đẩy phát triển ngành hàng nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM và phát triển đô thị.
Theo Nguyễn Văn Chí/nongnghiep.vn
https://nongnghiep.vn/phat-trien-hoa-cay-canh-thanh-nganh-kinh-te-sinh-thai-o-ha-noi-d289775.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã