Học tập đạo đức HCM

Quỹ khuyến nông Hà Nội - một “ngân hàng” đặc biệt nhất toàn quốc II. Cán bộ với dân thân như anh em lâu ngày mới gặp

Thứ tư - 29/09/2021 09:07
Đang vò đầu, bứt tóc vì nếu cắm sổ đỏ vào ngân hàng huyện chỉ vay được 100 triệu, vẫn thiếu để mở rộng trại gà, chị Lập bỗng được một người làng rỉ tai…

Không cần sự “đầu tư” của đại lý nữa

Gia đình chị Phùng Thị Lập xã Phú Sơn ở huyện Ba Vì, TP Hà Nội bắt đầu chăn nuôi gà thịt từ năm 2013. Lúc đầu quy mô của anh chị mỗi lứa 1.000 con, nuôi gối 4 đàn nên mỗi năm chỉ được cỡ 4.000 con. Do thiếu vốn, họ phải dùng dùng cám của đại lý “đầu tư” tức là cho chịu nên giá bán bao giờ cũng đắt, lờ lãi chẳng được bao nhiêu. Cách đây 2 năm, gia đình chị quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi nhưng loay hoay mãi với bài toán tiền đầu tư. Nếu cắm sổ đỏ thửa đất của mình vào ngân hàng huyện thì cũng chỉ vay được 100 triệu, chẳng thấm vào đâu so với kế hoạch.

Tình cờ chị Lập gặp một người cùng làng, giờ làm ở Trạm khuyến nông huyện nên mới than thở: “Cô muốn vay vốn để mở rộng trại gà nhưng mang sổ đỏ đến ngân hàng huyện chỉ vay được khoảng 100 triệu thôi, ít quá”. Người cán bộ này liền khuyên: “Cô muốn vay vốn cứ xuống Trạm Khuyến nông huyện mà đăng ký!”.

Nuôi úm gà con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nuôi úm gà con. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khấp khởi mừng thầm, xuống đến đây, chị được anh Đỗ Văn Hải, cán bộ chuyên quản quỹ tư vấn, làm thủ tục thế chấp để vay 300 triệu. Nhờ đó mà đã mở rộng đàn lên được 6.000 con gà, tự mua cám chứ không chịu để đại lý “đầu tư” nên giá mỗi bao giảm được 15-20.000đ. Được cái, chồng chị Lập là bác sĩ thú y nên chưa bao giờ họ sơ suất về kỹ thuật, chịu lỗ, chỉ những khi giá gà hạ quá thì không có công như năm 2020 còn năm nay lãi được hơn 200 triệu.

Chăn nuôi có chút kết quả nên vừa rồi anh chị đã trả xong tiền vay, làm thêm một chuồng mới để sắp tới mở rộng quy mô lên hơn 10.000 con gà. Chị Lập ý kiến: “Quỹ khuyến nông có mức phí thấp, lượng cho vay tương đối nhưng thời gian chỉ được 2 năm thì hơi ngắn, nhất là trong điều kiện rủi ro về thị trường. Thời gian vay cũng phải chờ theo từng đợt chứ không giống như ngân hàng, xuống “đập” cái sổ đỏ là có thể vay được ngay…”.

Hàng năm Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì thường gửi công văn thông báo, kế hoạch hoạt động của quỹ khuyến nông tới UBND các xã, thị trấn, các hội cùng một số HTX chăn nuôi, thủy sản trên địa bàn để khảo sát nhu cầu vay vốn sản xuất của các hộ. Đồng thời còn phát tờ rơi, tuyên truyền và hướng dẫn cho các hộ có nhu cầu vay vốn để biết kết nối mà mua máy móc hay phát triển sản xuất. Nếu đủ điều kiện thì tiến hành thẩm định phương án vay vốn, tài sản thế chấp rồi đề xuất từng mức cho vay cụ thể. Khi đã vay được rồi thì lại hướng dẫn kỹ thuật, đôn đốc, kiểm tra việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả.

Lớp trước dìu dắt lớp sau

Cặp vợ chồng Bùi Mạnh Đồng và Nguyễn Thị Hảo ở xã Phú Châu huyện Ba Vì, TP Hà Nội ra vùng bãi sông lập trang trại gà đã được 7 năm và qua 2 đợt vay vốn quỹ khuyến nông. Trước đó, họ được ông Nguyễn Xuân Khanh chủ trang trại nuôi 60 con bò thịt cùng xã giới thiệu về quỹ. Từ khởi đầu khá vất vả, sau hơn 10 chăn nuôi ông đã có thể thu lãi đều đều trên 300 triệu/năm nên không cần vay vốn nữa mà nhường lại cho những người mới chăn.

Mỗi đợt anh chị Đồng được vay 400 triệu trong thời hạn 2 năm. Họ chọn nuôi con gà Mía vốn là một giống đặc sản, có từ lâu đời, nguồn gốc ở xã xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội bởi trọng lượng vừa phải, mã đẹp, mào cờ, chất lượng thịt rất thơm ngon. Với 3 chuồng được nuôi gối nhau, mỗi lứa 2.000-3.000 con nên trung bình hằng năm họ xuất khoảng 20.000 con gà cả thảy.

Niềm vui của chị Hảo khi thấy gà nhanh lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui của chị Hảo khi thấy gà nhanh lớn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thường thì gà nuôi được chừng hơn 1 tháng tuổi đã được thả ra vườn, từ lúc trời vừa khô sương buổi sáng tới chiều nhập nhoạng mới cho về chuồng. Trên khuôn viên rộng cả ha, đàn gà được thoải mái bới đất, tắm nắng, ăn cỏ, cây như tập quán muôn đời của chúng. Ngoài ra anh chị còn trồng những hàng cây trứng cá, phần để lấy bóng mát cho gà trú trưa, phần để lấy quả cho chúng ăn thêm bên cạnh thức ăn chế biến sẵn từ nhà máy.

Nhờ thế mà gà sinh trưởng khá nhanh và khỏe mạnh, mùa hè chưa đến 4 tháng đã xuất chuồng còn mùa đông cũng chỉ trên 4 tháng. Chị Hảo tổng kết, chăn nuôi muốn thành công phải có giống tốt, thức ăn chuẩn, phòng bệnh đầy đủ và một chút may mắn của thị trường. Anh chị vừa kết thúc lứa gà với giá bán trên 90.000đ/kg nên vẫn còn may mắn chán, lãi khá so với thời điểm này, giá xuống chỉ còn trên 80.000đ/kg.

Hiện cả xã Phú Châu có 4 hộ vay vốn quỹ khuyến nông để nuôi gà như nhà chị Hảo. Không chỉ đến kỳ thu phí 6 tháng 1 lần mà anh Đỗ Văn Hải-cán bộ chuyên quản quỹ còn thường xuyên xuống các trang trại để vừa kiểm tra tình hình chăn nuôi vừa tư vấn kỹ thuật. Nào mua giống nào, sát trùng chuồng trại trước khi nhập gà, chuẩn bị vườn thả, dùng thức ăn gì, phòng chống dịch ra sao thậm chí những ngày mưa còn phải gọi điện khuyên không nên thả gà ra kẻo mắc bệnh…

Sân chơi của gà trong trại chị Hảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sân chơi của gà trong trại chị Hảo. Ảnh: Dương Đình Tường.

Còn chị Đỗ Thị Thu Thủy-cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì thì lại có khả năng nhớ được hầu hết đặc điểm của những con bê, con bò trong các mô hình khuyến nông cũng như hoàn cảnh của từng nhà nuôi chúng. Có những mô hình dù đã hết thời gian theo dõi nhưng khi thời tiết thay đổi, chuyển mưa rét con vật dễ bị ốm chị vẫn xuống để hướng dẫn cho chủ trại cách che bạt chống gió lùa, kiểm tra chuồng xem có thấm dột dù bản thân mới chỉ vừa xuất viện sau một đợt điều trị dài ngày. Mùa đông cũng là mùa hay phát sinh bệnh lở mồm long móng trên trâu bò, lợn, hay xảy ra tình trạng vật nuôi chết rét nên cần phải tuyệt đối phòng ngừa.

Chị tâm sự, cứ mỗi khi có chuyện gì lấn cấn trong đầu, xuống với dân là cảm thấy tiêu tan hết. Niềm vui của họ khi chăn nuôi đạt hiệu quả cũng chính là niềm vui của chính mình, còn khi chăn nuôi như gặp khó khăn về đầu ra, về dịch bệnh thì bản thân cũng cảm thấy buồn. Năm kia, năm ngoái người nuôi lợn buồn còn vừa rồi người nuôi gà lại buồn. Có xuống trang trại mới biết, có khi trong một gia đình nông dân, người khóc không phải là phụ nữ mà chính là đàn ông bởi thương con của, bởi tiếc tài sản. Những lúc ấy chị chỉ còn biết cách động viên để họ gắng gượng mà phục hồi sản xuất.

Rồi đến khi trả xong vốn vay, cán bộ quản lý quỹ khuyến nông phải hướng dẫn các hộ xóa thế chấp tài sản, lấy sổ đỏ về. Có những lúc 1 ngày anh Hải phải 2 lần, 4 lượt đi và về bằng xe máy giữa Ba Vì và Hà Đông tổng cộng cỡ hơn 200 km để lên Trung tâm Khuyến nông TP Hà Nội làm các thủ tục giúp cho khách hàng.

Bởi thế mà tình cảm gắn bó giữa chủ trại với cán bộ khuyến nông ngày một thêm khăng khít. Mỗi lần gặp nhau ở trang trại họ tay bắt, mặt mừng như người thân lâu ngày mới gặp, thường giữ lại dùng cơm luôn, ra vườn hái rau, đuổi gà. Bát đũa có khi không đủ khiến gia chủ phải chạy vội sang trang trại bên  cạnh để mượn nhưng tiếng cười thì không bao giờ thiếu.

9 tháng đầu năm 2021 Trạm Khuyến nông Ba Vì đã thẩm định 14 hộ có nhu cầu vay vốn đợt 1, lựa chọn ra 10 phương án đủ điều kiện lập phương án sản xuất và phối hợp giải ngân với số tiền 4,050 tỷ đồng. Trong đó, cơ giới hóa có 1 hộ với số tiền cho vay 500 triệu đồng, sản xuất có 9 hộ với số tiền cho vay 3,550 tỷ đồng. Đợt 2 này Trạm đang thu hồ sơ, hướng dẫn lập phương án cho 5 hộ có nhu cầu vay vốn với số tiền vay 1,680 tỷ đồng. Công tác thu phí quản lý quỹ trong năm đạt 100% kế hoạch với số tiền 766 triệu đồng. Công tác thu hồi vốn vay của  21 hộ với số tiền 4,120 tỷ đồng.

https://nongnghiep.vn/ii-can-bo-voi-dan-than-nhu-anh-em-lau-ngay-moi-gap-d303759.html
Theo Dương Đình Tường/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập175
  • Hôm nay26,545
  • Tháng hiện tại219,638
  • Tổng lượt truy cập92,597,302
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây