Trao đổi với NNVN, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) đánh giá: Ngành lúa gạo Việt Nam đã, đang và sẽ có những chuyển biến tích cực theo hướng an toàn, bền vững, nâng cao giá trị.
Theo ông Hoàng Trung, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 16/2019/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết cho thông tư này. Bên cạnh đó, Bộ KH-CN cũng đã có bộ tiêu chuẩn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Bộ NN-PTNT có chương trình hành động, lộ trình chi tiết về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với các cây trồng chính, trong đó có sản xuất lúa.
Theo đó, cùng với việc cải thiện môi trường sản xuất như đất, nước, các vật tư đầu vào nhằm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ như phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học đang được Bộ NN-PTNT chỉ đạo đặc biệt phải đẩy mạnh. Thời gian qua, Bộ NN-PTNT cũng đã có các chương trình cụ thể, chi tiết nhằm đẩy mạnh thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất phân bón hữu cơ.
Nếu như năm 2016, lượng phân bón hữu cơ của chúng ta chỉ chiếm khoảng 5% thì đến nay, đã tăng lên 18,5% (tương đương khoảng 3 triệu tấn) và đang không ngừng tăng mạnh (so với năm 2016 chỉ có khoảng 0,8 triệu tấn phân bón hữu cơ). Bên cạnh đó, hiện tỉ lệ sử dụng thuốc BVTV sinh học cũng đã nâng lên chiếm khoảng 21%. Đây là những bước tiến rất nhanh chóng nhằm tạo nền tảng cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhất là sản xuất lúa trong giai đoạn tới.
Cục BVTV khuyến khích các doanh nghiệp lúa gạo xây dựng mô hình liên kết cánh đồng lớn sử dụng thuốc BVTV sinh học có hiệu quả, không để lại tồn dư thuốc BVTV, đảm bảo an toàn. Qua đó, hiện đã có 15 doanh nghiệp sản xuất nông sản lớn tham gia xây dựng các mô hình sử dụng thuốc BVTV sinh học, kết hợp phân bón hữu cơ đối với nhiều loại cây trồng chính (trong đó có nhiều doanh nghiệp sản xuất lúa gạo). Cục BVTV cùng với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tiến hành rà soát, đánh giá, tổng kết các mô hình này để tiếp tục khuyến khích nhân rộng trong thời gian tới.
Đối với sản xuất lúa gạo, những năm qua đã có bước chuyển biến rất rõ nét về nhận thức cũng như trình độ, kỹ thuật sản xuất theo hướng an toàn. Nhất là các chương trình như VietGAP, GlobalGAP, đẩy mạnh ứng dụng các chương trình thực hành sản xuất tốt, bền vững, hiệu quả trên lúa như canh tác lúa cải tiến (SRI), “1 phải 5 giảm”, "3 giảm, 3 tăng”. Đặc biệt, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương và Cục BVTV triển khai đề án về biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong sản xuất lúa (IPM).
Hiện nay, Cục BVTV đang phối hợp với các địa phương tiến hành tổng rà soát, đánh giá lại chương trình IPM để có chính sách, tập trung nguồn lực, giải pháp chỉ đạo triển khai nhằm tái khởi động mở rộng việc áp dụng chương trình này trong sản xuất lúa tại các địa phương trên cả nước (dự kiến sẽ có hội nghị tổng kết chương trình này trong năm 2020).
Bên cạnh việc đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, vừa qua, Bộ NN-PTNT cũng đã chỉ đạo Cục BVTV triển khai xã hội hóa, mở rộng việc nhân nuôi các thiên địch như ong ký sinh, bọ đuôi kìm và các sinh vật có ích để tiêu diệt sâu hại trên các loại cây trồng quan trọng, nhất là trong sản xuất lúa.
Việc áp dụng các mô hình sinh thái khác trong sản xuất lúa như mô hình “bờ hoa, ruộng lúa” rất phổ biến tại các tỉnh ĐBSCL cũng đang được đẩy mạnh. Hiện Cục BVTV đã giao Trung tâm BVTV phía Nam cùng với các tỉnh thành triển khai nhân rộng mô hình “bờ hoa, ruộng lúa”, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Nguồn tin: Lê Bền/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã