Trong chương trình đào tạo trực tuyến với nội dung "Chuyển đổi và tối ưu hóa nền tảng số để ứng phó và bứt phá thành công trong và sau dịch Covid-19", Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), ông Trương Gia Bình cho rằng, đại dịch Covid-19 đang gây ra những tổn thất cực lớn về kinh tế, xã hội, có thể tương đương với Đại suy thoái những năm 1930.
Theo ông Bình, với đặc điểm của xã hội hiện nay, Covid-19 gây nên hiệu ứng đám đông, tạo ra thêm 2 loại virus nữa là sợ hãi và tiêu dùng tối thiểu.
Do đó, chiến lược "ngủ đông", chờ hết dịch rồi tính tiếp sẽ hoàn toàn không phù hợp và nếu doanh nghiệp nào chọn phương án này sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro.
Ngoài ra, ý định nỗ lực tăng trưởng sau Covid-19 cũng sẽ không phù hợp vì quỹ đạo của cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn, chuyển sang trạng thái bình thường mới. Do đó, cần có chuẩn mực mới để hành động, "nói cách khác phải xoay quanh ứng dụng công nghệ số", ông Trương Gia Bình khẳng định.
Chủ tịch VIDA cho rằng: "Hành động đúng đắn nhất hiện nay là tích cực, chủ động thích nghi và kiến tạo trong điều kiện bình thường mới".
Vì không thể có được tầm nhìn, chiến lược dài hơi như trước, các doanh nghiệp cần chuyển sang chiến lược "thời chiến", thời gian thực hiện các kế hoạch phải rút từ theo quý, theo tháng xuống theo tuần, theo ngày.
Để đảm bảo sự sinh tồn trong dịch và đột phá sau khi Covid-19 đi qua, các doanh nghiệp nông nghiệp cần lưu ý 3 yếu tố, thứ nhất là tìm ra cách làm mới, thứ hai là đoàn kết và thứ ba là dựa vào công nghệ.
"Đây là thời cơ ngàn năm có một cho ngành nông nghiệp, chúng ta cần tính toán để có phát triển đột phá trong thời gian tới và xoay quanh nông nghiệp số", ông Trương Gia Bình nhận xét.
Với vai trò diễn giả trong buổi đào tạo, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, Covid-19 gây ra những hệ lụy không hề nhỏ cho kinh tế, xã hội Việt Nam.
Ngoài đảo lộn cuộc sống của người dân, dịch bệnh còn ảnh hưởng đến cả cung và cầu trong kinh tế do chuỗi giá trị bị gián đoạn và tâm lý lo ngại của người dân.
Chuyên gia này cho rằng, khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn đang khó đoán định, có thể là chữ V, chữ U hay chữ W nhưng rất có thể là chữ V choãi vì còn nhiều rủi ro phía trước. Từ đó, các doanh nghiệp cần có một góc nhìn mới về nông nghiệp.
Mặc dù Việt Nam có nhiều lợi thế về nông nghiệp như thiên nhiên, con người và từ đó trở thành một cường quốc về xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, đến nay, hiệu ứng phát triển đang có dấu hiệu chững lại, năng xuất không còn vượt trội và chủ yếu vẫn là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Theo ông Võ Trí Thành, điều này khiến nông dân trở thành nhóm được hưởng lợi ít nhất từ các lợi thế về nông nghiệp và quá trình đổi mới, phát triển hơn 30 năm qua. Nhưng cũng vì thế mà có thể thấy được tiềm năng về nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Trong 5-7 năm trở lại đây, các doanh nghiệp lớn và một số mô hình mới ra đời đã quan tâm hơn và gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là cơ sở để nền nông nghiệp Việt Nam vươn lên sau khó khăn, để tồn tại và cải tổ sau dịch Covid-19.
Các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa các gói hỗ trợ của nhà nước hay trước mắt là cắt giảm chi phí, chỉ giữ lại phần cốt lõi để duy trì hoạt động. Ngoài ra, đây cũng là thời cơ để các đơn vị nhìn lại và xoay chuyển tình thế, cải tổ chính mình.
Với sự góp mặt của 2 chuyên gia là ông Trần Huy Bảo Giang, Giám đốc chuyển đổi số và ông Steven Furst Giám đốc tư vấn chiến lược kiến trúc và chuyển đổi công nghệ số, tập đoàn FPT đã có những chia sẻ về việc ứng dụng chuyển đổi số trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19.
Theo ông Steven Furst, khả năng phục hồi của doanh nghiệp tương đương với khả năng chống lại sự gián đoạn và quay trở lại kinh doanh rồi phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau khủng hoảng.
Các vấn đề bị ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp thời gian qua là về tiếp thị và bán hàng; tài chính và thanh khoản; hoạt động và chuỗi cung ứng; hành chính và nhân sự.
Theo ông Trần Huy Bảo Giang, để ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi nhằm phù hợp với điều kiện "bình thường mới", các doanh nghiệp cần phát triển các kênh bán hàng số, tăng cường làm việc và họp trực tuyến, nâng cao khả năng tự động hóa bằng ứng dụng robot và đầu tư vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trước đây cho thấy doanh nghiệp càng tích cực chuyển đổi để đáp ứng các điều kiện trong tương lai sẽ càng có kết quả tốt hơn.
Nếu áp dụng được chuyển đổi số, doanh nghiệp có thể thay đổi cơ cấu chi phí và tạo năng lực cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao hơn so với việc cắt giảm chi phí đơn thuần.
Với FPT, họ đặt toàn bộ lực lượng lao động vào trạng thái "thời chiến" để đối phó với Covid-19 và sẵn sàng chia sẻ thông qua các ứng dụng công nghệ số với mục tiêu rõ ràng. Qua việc quan sát, đánh giá tình trạng hiện tại, FPT sẽ đưa ra những đề xuất hỗ trợ với khách hàng và đối tác.
Sau khi nghe các ý kiến chuyên gia, một số lãnh đạo doanh nghiệp đã đặt ra câu hỏi với Chủ tịch VIDA và FPT.
Trong đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Nafoods cho rằng hiện nhiều doanh nghiệp thuộc VIDA đang thực hiện chuyển đổi số nhưng là tự phát và liệu hiệp hội có nên tập hợp lại, giao cho một đầu mối chung, ví dụ như FPT thực hiện hay không.
Giải đáp vấn đề này, ông Trương Gia Bình khẳng định vấn đề này hoàn toàn đáp ứng được nhưng trước hết là xác định rõ các doanh nghiệp nào cần hỗ trợ gì về công nghệ. Nếu nhiều doanh nghiệp có chung mục tiêu thì sẽ tập hợp lại, tìm đối tác chung để giải quyết, còn với các mục tiêu nhỏ lẻ, khác nhau thì nên để các đơn vị tự xử lý sẽ có kết quả nhanh hơn.
Về vấn đề FPT hỗ trợ các công nghệ có sẵn để các doanh nghiệp ứng dụng ngay vào quản trị và hoạt động mà ông Hùng đưa ra, đại diện FPT cho biết sẽ cung cấp ngay cho các doanh nghiệp trong VIDA.
Ngoài ra, có một số ý kiến về việc dùng công nghệ để tối đa hóa hiệu quả trong logistic cũng được các chuyên gia công nghệ của FPT đồng ý và sẽ cố gắng để đưa ra được giải pháp trong thời gian tới.
Nguồn tin: Tùng Đinh - Văn Việt/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã