Dù bắt tay XDNTM với xuất phát điểm nhiều khó khăn, nhưng những gì An Thượng làm được thực sự là bài học cho các địa phương khác học hỏi.
Lá cờ đầu
Ngày 21/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định công nhận xã An Thượng (Yên Thế) đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2020. Như vậy, đến thời điểm này, An Thượng là xã đầu tiên của Bắc Giang đạt chuẩn NTM nâng cao. Mới đây, phóng viên đã có dịp về tìm hiểu cách mà An Thượng đã làm.
Ông Bùi Xuân Cung, Chủ tịch UBND xã An Thượng, cho biết, bắt tay XDNTM, xã gặp rất nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, khó khăn nhất là nguồn vốn. Lúc này xã mới đạt 9/19 tiêu chí.
Ngay từ đầu, chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân. Nội dung tuyên truyền đặt ra các câu hỏi: Xây dựng NTM làm gì? Ai là người làm? Làm bằng cách nào?,… Các câu hỏi này được nhân dân trả lời rằng: “Người dân là chủ thể, người dân làm, đồng thời người dân là người hưởng lợi”, chính vì vậy, nhân dân đồng thuận tích cực tham gia.
Kết quả, nhân dân đã hiến 35ha đất các loại để làm đường, mương máng, công trình phúc lợi; đóng góp ngày công, tiền xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa... với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng.
Bà Dương Thị Liên, Trưởng thôn Tân Vân (An Thượng) cho biết, giờ đây, 100% đường thôn Tân Vân được bê tông; cơ sở vật chất, đời sống nhân dân được nâng lên; tình làng nghĩa xóm được gắn kết, thắt chặt; xuất hiện nhiều mô hình kinh tế giỏi, thôn có trên 50 hộ thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Nâng thu nhập bình quân toàn thôn đạt trên 45 triệu đồng/người/năm
Theo bà Liên, khi làm đường giao thông thôn, thôn đã nắm rõ mức hỗ trợ của Nhà nước, từ đó huy động sức đóng góp của nhân dân. Kết quả, khoảng 7.000m2 đất các loại, trên 600 ngày công và trên 2 tỷ đồng được người dân hiến, đóng góp. Đến nay, 100% (7km) đường trục thôn, ngõ, xóm được kiên cố.
Ông Nguyễn Trọng Nguyên (bên trái) ở thôn Tân Vân hiến hơn 200m2 đất và trên 100 triệu đồng để làm đường giao thông.
Tại thôn Tân Vân, ông Nguyễn Trọng Nguyên (74 tuổi, thương binh hạng 2/4), được xem là người tham gia hiến, đóng góp để cứng hóa đường bê tông giao thông nhiều nhất xã An Thượng với hơn 200m2 đất các loại và trên 100 triệu đồng.
Ông Nguyên tâm sự, trước đây đường sá hẹp, đi lại khó khăn. Khi có chủ trương làm đường, gia đình tự nguyện hiến đất, san nền, đổ bê tông. Giờ đây, đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, sạch sẽ, đi lại rất thuận tiện.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự đồng thuận cao của nhân dân, năm 2015, An Thượng đạt chuẩn NTM, là xã đầu tiên của Yên Thế, cũng là một trong những xã đạt chuẩn NTM top đầu ở Bắc Giang.
Hiệu quả từ cách làm sáng tạo
Đầu năm 2019, An Thượng được giao làm điểm NTM nâng cao, lúc này xã mới đạt 9/14 tiêu chí (theo tiêu chí nâng cao). Khó khăn lớn nhất của xã là nguồn lực đầu tư để nâng cao cơ sở vật chất, đường điện, giao thông, cảnh quan nhà văn hóa…
Ông Cung tâm sự, bắt tay thực hiện, xã xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình tổ chức thực hiện từng tiêu chí. Khi triển khai, xã lấy cán bộ, đảng viên làm nòng cốt, phân công nhiệm cụ thể cho các đồng chí phụ trách từng tiêu chí. Hàng tuần, hàng tháng đều kiểm tra đôn đốc thông qua hội nghị giao ban đầu tuần, hội nghị kiểm điểm đánh giá.
Mô hình trồng bưởi Diễn, cam đường Canh,... của gia đình ông Phạm Văn Hào, thôn Đồng Bục (An Thượng) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Đồng thời tuyên truyền đến nhân dân, đặc biệt quan tâm đến nhận thức của người dân, với mục tiêu đặt ra là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo môi trường sống xanh, sạch, đẹp.
Với quan điểm Nhà nước và nhân dân cùng làm, An Thượng đã xã hội hóa các nguồn lực, vận động sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp, con em địa phương xa quê thành đạt... Phát huy tính dân chủ để nhân dân biết, nhân dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Ông Cung cho biết, xã có cách làm sáng tạo trong việc huy động nguồn lực từ nhân dân. Ví dụ, làm đường điện thắp sáng, giữa các xóm sẽ tự họp, bàn với nhau về việc xây dựng. Trên cơ sở đó, các tổ, xóm chủ động lên dự toán, thống nhất mức đóng góp rồi tiến hành triển khai. Có thể nói, giữa các tổ, xóm đã phát huy khá tốt tính dân chủ, sự chủ động.
Theo ông Cung, bài học kinh nghiệm rút ra là làm tốt công tác tuyên truyền; phát huy nguồn lực xã hội hóa; kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kịp thời; vai trò lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền từ xã đến thôn, sự đồng thuận cao của nhân dân. Xã đang tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí hướng đến xã kiểu mẫu vào năm 2025.
Trao đổi với phóng viên, ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang, cho biết, An Thượng không phải là xã có nhiều thuận lợi, tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, đường giao thông bình thường, nội lực vừa phải, nhưng xã vẫn hoàn thành NTM nâng cao. Đây là bài học cho các xã khác trong tỉnh học hỏi.
“Một là, huyện Yên Thế, xã An Thượng đã sớm chủ động có kế hoạch, xác định lộ trình thực hiện cụ thể. Hai là, có cách làm phù hợp với đặc thù của từng địa bàn không bắt chước, không sao chép, không máy móc. Ba là, sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của người dân, đoàn kết, đồng thuận để nâng cao các tiêu chí. Bốn là, huy động nội lực, người dân đóng góp ngày công, hiến đất làm đường. Với cách làm sáng tạo, người dân tuy không giàu nhưng vẫn bỏ tiền ra đóng góp. Năm là, xây dựng NTM phải kiên trì, vì có kiên trì, có cách làm đúng, chủ động, sáng tạo, ắt sẽ thành công. Đó là 5 bài học mà chúng tôi rút ra từ An Thượng", ông Tùng nói..
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã