Tham gia thảo luận, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đồng tình cao với sự cần thiết đầu tư dự án như lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ và cho rằng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, nhất là khi đi qua 32 tỉnh, thành phố và các vùng kinh tế - xã hội của cả nước; đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu tán thành với phạm vi đầu tư của dự án do đây là một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Chính phủ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên đầu tư mang tính cần thiết, cấp bách trên cơ sở nhu cầu vận tải, quy hoạch đã được phê duyệt và khả năng cân đối nguồn lực để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả đầu tư.
Về quy mô đầu tư, đề nghị dự án cần thực hiện theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường là 24,75 m và 6 làn xe với bề rộng nền đường là 32,25 m theo mô hình đường cao tốc hoàn chỉnh có làn dừng xe khẩn cấp.
Về tầm nhìn phát triển giao thông trong tương lai, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, cần chủ động, khẩn trương đưa vào quy hoạch, cắm mốc địa giới giải phóng mặt bằng để giao cho các tỉnh quản lý theo quy mô đã được phê duyệt để bảo đảm tầm nhìn phát triển dài hạn và hiệu quả đầu tư trong tương lai, nhất là thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Cần quan tâm đến việc xây dựng các nút giao, đường gom bảo đảm thông tuyến, an toàn; các công trình phòng hộ và hạng mục an toàn đồng bộ, chất lượng.
Về phương án đầu tư và hình thức đầu tư, đại biểu nhất trí với phương án của Chính phủ phân chia dự án thành các dự án thành phần, triển khai vận hành độc lập trên cơ sở bảo đảm yêu cầu về tính đồng bộ và khả năng kết nối. Việc thực hiện dự án có quy mô rất lớn theo một hình thức đầu tư, trong điều kiện vốn đầu tư công còn hạn chế là khó khả thi.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần mở rộng hình thức đầu tư để huy động các nguồn lực khác đầu tư cho các dự án thành phần, cùng với nguồn lực của nhà nước đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án, sớm đưa vào khai thác, sử dụng sẽ sớm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Trưởng Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cũng thống nhất cao với việc Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải đã lựa chọn điểm nút giao cắt tại Bãi Vọt và Vũng Áng - Hà Tĩnh vì đây là 2 điểm nút hết sức quan trọng giao cắt với đường Quốc lộ 8A đi sang Lào, Thái Lan thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây và điểm giao cắt tại Vũng Áng giữa Quốc lộ 12 đi Lào.
Mặt khác, tại Khu kinh tế Vũng Áng và cảng biển nước sâu Sơn Dương sẽ kết nối giữa vận tải đường bộ gắn với vận tải đường biển, trong tương lai hết sức cần thiết cho phát triển kinh tế của đất nước và khu vực.
Trước đó, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh đã thảo luận tại tổ về dự án Luật tố cáo (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và đại biểu Trần Đình Gia đã tham gia phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn phát biểu thảo luận
Tại buổi thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan đã tích cực nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật với nhiều nội dung quan trọng.
Dự thảo Luật cơ bản đã cụ thể hóa được quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền cơ bản của công dân, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu Trần Đình Gia phát biểu góp ý
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục làm rõ hơn khái niệm “tố cáo”, hình thức, thời hiệu tố cáo, tố cáo nặc danh, nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo, giải quyết lại vụ việc tố cáo tiếp, điểm dừng trong tố cáo, bảo vệ người tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong tố cáo và nhiều nội dung khác.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Luật này, đại biểu Nguyễn Văn Sơn cho rằng, do có tính chất phức tạp nên cần được nghiên cứu sâu thêm, có lý giải thuyết phục để có thể giải quyết một cách hợp lý các vấn đề vướng mắc của thực tiễn đang đặt ra; cần chú trọng việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để sàng lọc các dữ liệu tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền tố cáo và giải quyết tố cáo của các cơ quan nhà nước.
Những nội dung mới đã được chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước nhưng cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nước ta hiện nay, bảo đảm tính khả thi để sau khi Luật ban hành việc tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt...
Phạm Nghĩa
http://baohatinh.vn/