Học tập đạo đức HCM

Kỳ Anh 2 năm sau “ngày hội” di dân

Chủ nhật - 01/04/2012 20:13
Tháng 3.2010, hàng ngàn hộ dân 5 xã huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) với hàng chục ngàn nhân khẩu đã chấp nhận bỏ lại xóm làng, nhường đất cho các dự án kinh tế lớn.
 
Hàng trăm đình chùa, miếu mạo, nhà thờ và hàng chục nghìn ngôi mộ - tài sản vô giá trong đời sống tâm linh của bà con - cũng phải di dời theo. Tất cả đã ra đi với niềm tin: Có dự án lớn, Kỳ Anh sẽ đổi đời. Thế mà, 2 năm sau “ngày hội” di dân, hàng ngàn lao động ở khu tái định cư vẫn đang sống cảnh không có đất cày, nghề nghiệp cũng không!
Hy sinh và cống hiến của dân
Tôi có cảm giác, ở Kỳ Anh, bất kỳ cán bộ nào cũng đều tỏ tường về cuộc di dân lịch sử diễn ra từ 2 năm trước. Từ số hộ, số nhân khẩu phải di dời đến số diện tích đất phải thu hồi, rồi ngay cả bao nhiêu mồ mả, đền chùa... ai cũng nằm lòng. Chủ tịch của 5 xã bị thu hồi đất còn đọc rành rọt tên tuổi của những hộ dân gương mẫu đi đầu, những người chưa thông ra đi sau. Câu cửa miệng của cán bộ khi phát biểu về tinh thần của người dân là: “Tuyệt vời thật”.
Ông Trần Đình Thành - Chủ tịch UBND xã Kỳ Phương - cho biết: “Xã chúng tôi có gần 1.000 hộ dân phải di dời. Lúc đầu bà con còn nấn ná, ai cũng thương nhớ nơi chôn nhau cắt rốn và một số ít chưa thông trong chính sách hỗ trợ đền bù. Nhưng rồi, bà con vui vẻ ra đi cả. Nhiều khu tái định cư chưa xong hạ tầng, đường sá còn lầy lội, ấy thế mà bà con vẫn không hề kêu ca. Có những tháng, cả xã rầm rộ di dời, đúng là những ngày hội tái định cư”. Còn Chủ tịch xã Kỳ Long - ông Lê Hữu Diện - thì nhớ như in: Ngày 23.3.2010, 79 hộ dân đầu tiên của xã ông phá dỡ nhà cửa để di dời đến nơi ở mới. Ngày 30.9 năm ấy, 956 hộ của 5 thôn đã thực hiện xong công tác di dời, không một ai dây dưa.
Những người dân chúng tôi gặp, dù có ít nhiều chưa thỏa mãn, nhưng tất thảy không ai không đồng tình việc nhường đất cho các dự án. Bác Lê Quang Huy ở thôn Trường Sơn, xã Kỳ Phương cho biết: “Gia đình tôi ra đi đầu tiên, đến khu tái định cư khi mọi thứ còn đang dở dang, đường chưa xong, nước chưa có. Ra đi có phải chỉ có nhà cửa thôi đâu, mồ mả ông bà cũng phải bốc đi. Nhưng mình lớn tuổi rồi, phải làm gương cho người khác. Và, chúng tôi đều nghĩ, nước nổi thì bèo nổi, Kỳ Anh thành huyện công nghiệp, chắc chắn dân sẽ hết nghèo. Đời tôi chưa được hưởng, thì đời con tôi sẽ hưởng...”.
Trước lời phát biểu mộc mạc của bác Huy, tôi hiểu vì sao mà cuộc di dân vừa rồi ở Kỳ Anh lại thành công đến thế. Tôi càng thấm thía hơn về sự hy sinh của nhân dân, khi ông Nguyễn Kiên Quyết - Trưởng phòng LĐTBXH Kỳ Anh - cho biết thêm: “Tôi chỉ nói về việc di dời mồ mả thôi, đủ thấy tinh thần của bà con ta. Khi dân đã thông thì không có việc gì là không làm được. Như ở xã Kỳ Phương đã phải di dời hơn 7.000 ngôi, trong đó có nhiều ngôi chưa đoạn tang. Họ đều nín đau thêm một lần nữa để chôn lại người thân”.
Một góc khu tái định cư xã Kỳ Liên (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Ảnh: P.V.T
 
Gian nan chuyển đổi việc làm
Một thực tế phải ghi nhận là các khu tái định cư đều rất đẹp: Đường nhựa trải thảm, đèn cao áp lung linh, nước sạch vào tận nhà và các công trình khác như trụ sở ủy ban xã, trạm xá, trường học... được xây dựng khang trang, ít có vùng nông thôn nào có thể bì kịp. Song, đây lại là khu định cư chủ yếu dành cho dân sống bằng nghề nông, ngư. Vậy mà  bà con đến nơi ở mới chỉ được cấp 400m2 vừa đất ở, vừa đất vườn. Nhà nào tách hộ cho con, coi như hết đất trồng ngọn rau.  Từ đó bà con, nhất là phụ nữ quá “rảnh rỗi”, bởi họ chẳng biết làm việc gì ngoài giặt giũ, chợ búa và trông con. Chị Hoàng Thị Minh (ở thôn Hùng Hải, xã Kỳ Phương) cho biết: Nhà có 4 sào ruộng được đền bù 100 triệu đồng, cộng với tiền bồi thường nhà và đất ở thì đã đầu tư xây nhà mới hết rồi. Nay chồng đi làm thuê bữa được bữa không, còn chị thì ở nhà ngồi không. Trước còn có thuyền đi biển kiếm thêm thu nhập, nay thì chịu rồi.
Ông Lê Hữu Diện - Chủ tịch xã Kỳ Long - tỏ ra rất căng thẳng khi nói đến việc làm cho bà con trong xã:  “Phụ nữ ở xã tôi có nghề chính là... xem tivi!”. Ông cho biết, 100% đất nông nghiệp của xã ông bị thu hồi hết, tổng cộng là 900 hécta, chưa kể đất thổ cư. Mới rồi xã có đề nghị được cấp cho một ít đất để làm khu chăn nuôi tập trung, nhưng Khu kinh tế Vũng Áng thì bảo hỏi huyện, huyện lại nói do tỉnh. “Tôi lo lắm, cứ đà thiếu việc làm thế này thì thanh - thiếu niên dễ mà sa vào tệ nạn mất thôi” - ông Diện lo lắng.
Ở xã Kỳ Phương, tình hình cũng không khá hơn. Toàn xã không một tấc đất sản xuất, trong lúc đó có khoảng 3.000 lao động đang cần bố trí việc làm. Tính đến nay, lao động trong độ tuổi cũng chỉ đang kiếm sống bằng các công việc thời vụ hoặc đi vào các tỉnh phía nam làm thuê. Dự án Pormosa cũng chỉ mới tuyển 10 em đi học nghề và làm bảo vệ. Theo ông Trần Đình Thành - Chủ tịch xã - thì các dự án lấy đất của bà con nên ưu tiên tuyển lao động địa phương. Các nhà máy này cần phải công bố kế hoạch tuyển dụng lao động, ngành nghề để con em có hướng học nghề phù hợp. Còn đối với lao động nữ, lao động khó chuyển đổi nghề, xã rất mong được cấp đất để bà con vừa sản xuất hoa màu, vừa chăn nuôi. Điều đáng nói là sau khi cống hiến, người dân đang lâm cảnh khát đất, thì doanh nghiệp được cấp đất để làm dự án đập nước Thầu Dầu Khe Lũy lại bỏ hoang đất mấy năm nay.
Ở xã Kỳ Liên, ông Đinh Quang Cảnh - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã - lại có cách nhìn khác. Ông cho rằng không có đất trồng trọt, bà con đang đẩy mạnh chăn nuôi, nhưng khốn nỗi tư thương ép giá quá đáng. Và cũng là phong trào tự phát, thiếu quy hoạch, kế hoạch nên đầu ra gặp không ít khó khăn. Ông đề nghị tỉnh xem xét thu hồi một số dự án không hiệu quả, không cần thiết để trả lại một phần đất cho dân sản xuất...
Không hề giấu giếm, Trưởng phòng LĐTBXH Nguyễn Kiên Quyết nói: “Tiền đền bù thì đã xây nhà, sắm sanh một ít tiện nghi, việc làm thì chưa có, lúc này đời sống của bà con rất khó khăn. Mà việc làm từ các nhà máy thì cũng phải 4 - 5 năm nữa mới có được. Theo tôi, mới chỉ có 30% số hộ dân có đời sống ổn định sau tái định cư, 40% đang rất khó khăn và 30% nữa có nguy cơ rơi vào tình trạng nghèo đói”.
Giải pháp mà ông Quyết đưa ra trước mắt là: Khuyến khích và tạo điều kiện cho thanh niên đi xuất khẩu lao động; phối hợp với các doanh nghiệp để có định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi nghề cho nông dân thông qua các đoàn thể như hội nông dân, phụ nữ, tăng cường tập huấn các nghề thủ công... Cuối cùng, ông Quyết dẫn lời Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự như là một khẩu hiệu thường trực, khẳng định quyết tâm của địa phương: “Chừng nào đời sống nhân dân còn chưa ổn định thì chừng đó dự án vẫn chưa thành công”.
Huyện Kỳ Anh hiện có tới 148 dự án với tổng số vốn dầu tư hơn 10 tỉ USD, trong đó dẫn đầu là dự án khu liên hợp luyện thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn Pormosa (Đài Loan), với số vốn đầu tư giai đoạn I là 7,8 tỉ USD. Để phục vụ cho các dự án này, tỉnh Hà Tĩnh đã phải thu hồi  hơn 3.000 hécta đất, riêng dự án Pormosa đã lấy đi 2.500 hécta. Có tới 4.250 hộ dân thuộc 5 xã của huyện Kỳ Anh bị thu hồi đất sản xuất, 2.700 hộ với 20.152 nhân khẩu phải di dời. Có 7.526 lao động trong độ tuổi cần bố trí việc làm, đã có 700 lao động được đào tạo nghề nhưng vẫn chưa bố trí được việc làm.
Nguồn: laodong.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập285
  • Hôm nay69,498
  • Tháng hiện tại728,825
  • Tổng lượt truy cập93,106,489
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây