Học tập đạo đức HCM

Nơi mùa đông không lạnh

Thứ ba - 13/11/2012 19:10
Ngọn gió heo may xao xác đã mang về chút giá lạnh đầu đông, thức tỉnh sức sống mới trên làng nghề chăn đệm truyền thống ở Thạch Đồng. Cũng như ngọn gió của đất trời chu du khắp 4 phương rồi lại trở về theo đúng quy luật, nghề làm chăn đệm ở Thạch Đồng cũng trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, sự khắc nghiệt của quy luật cạnh tranh trên thương trường tìm chỗ đứng, để mỗi mùa đông trở về những người con của làng nghề lại tất bật với những vải, bông, cùng những chuyến đi mang hơi ấm đến với bà con khắp mọi miền quê.


Thao thức nghề truyền thống

“ Đất Đồng Môn dệt vải, đất Cổ Đạm nặn nồi...” Câu hát ví tự ngàn xưa của ông cha dường như đã trở thành duyên số gắn chặt cuộc sống của người dân Thạch Đồng với nghề truyền thống. Các bậc cao niên trong xã cũng không nhớ nổi, nghề dệt vải đã bén duyên với mảnh đất này tự bao giờ, chỉ biết rằng bao thế hệ người dân Thạch Đồng đã lớn lên và trưởng thành nhờ nguồn thu nhập từ nghề truyền thống.

Nơi mùa đông không lạnh

May chăn bằng máy vi tính ở gia đình anh Dương Đăng Sáng- Xóm Hòa Bình (Thạch Đồng)

Anh Hỗ Sỹ Trình – Bí thư đảng ủy xã cho biết: “ Chúng tôi chỉ nhớ rằng, thời kỳ hoàng kim nhất của nghề dệt ở Thạch Đồng là từ những năm 1954 đến giai đoạn 1986. Dẫu bom rơi đạn nổ nhưng vượt qua khó khăn, 2 HTX dệt khăn, dệt thảm vẫn duy trì hoạt động đều đặn và cung cấp một lượng lớn sản phẩm sang thị trường các nước Đông Âu. Từ những năm 1990 trở đi, sau khi Đông Âu sụp đổ, nghề dệt nơi đây cũng dần mai một”.

Thao thức với nghề, người dân Thạch Đồng đã tự mày mò tìm kiếm cho mình một hướng đi mới. Và cũng khoảng thời gian đó, nghề làm chăn đệm đã thực sự về với mảnh đất này. Bàn tay khéo léo trên từng thớ vải năm xưa của các mẹ, các chị lại có dịp được thể hiện qua từng đường kim mũi chỉ trên những vuông chăn, tấm đệm. Mỗi một mùa thu đi qua, Thạch Đồng lại sống động với những thanh âm rộn ràng của tiếng xe chở vải vụn, tiếng máy đập bông, tiếng cười nói, í ới gọi nhau từ mờ sáng của những người dân hối hả xếp hàng lên những chuyến xe, để từ đó, theo những tiếng rao vang, chăn đệm của Thạch Đồng đã thực sự về với người dân trên khắp mọi miền quê.

Không thể phủ nhận, đây là nghề phụ nhưng đã mang lại nguồn thu chính khi tổng thu nhập hàng năm từ nghề ở Thạch Đồng chiếm đến trên 40% ngân sách của xã. Thế nhưng, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, sự canh tranh khắc nghiệt trên thương trường, từ năm 2010 đến nay nghề làm chăn đệm ở địa phương dường như chững lại. Những tiếng ù ù reo vui của máy đập bông tái sinh đã không còn rộn ràng khắp làng trên xóm dưới, ở những nẻo đường quê đã thưa thớt dần tiếng rao vang của những chuyến xe chở đệm bông đi bán dạo... số hộ làm nghề giờ cũng chỉ còn phân nửa so với trước.

Mải miết trên tấm đệm còn dang dở, bà Dương Thị Thu không giấu nổi nỗi buồn: “ Giờ đây với sự du nhập của các loại đệm nén, đệm mút với hình thức, mẫu mã bắt mắt, giá cả cũng phải chăng nên nghề làm đệm ở Thạch Đồng đã không còn rộn rã như xưa nữa. Tôi làm cũng chỉ để nhớ nghề thôi, bởi người giỏi tay nghề nhất mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ may được 4 cặp đệm với giá tiền công từ 60 – 80 ngàn đồng. Ngoài ra việc đi rao bán ở các làng quê cũng gặp nhiều khó khăn nên hiện tại nhiều hộ cũng đã bắt đầu tìm kế mưu sinh khác”.

Hành trình tìm chỗ đứng trên thương trường

Đất chật người đông, cuộc sống của hơn 4.000 khẩu ở Thạch Đồng chủ yếu trông chờ vào nghề phụ. Khắc khoải với nghề, với kế mưu sinh nên một số gia đình ở địa phương đã mạnh dạn tìm hướng đi mới. Và việc cải tiến kỹ thuật, đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất đã trở thành mục tiêu để một số hộ trên địa bàn hướng tới.

Nơi mùa đông không lạnh

Máy thêu vi tính ở cơ sở sản xuất chăn, ga, gối của chị Bùi Thị Vân

Chị Nguyễn Thị Vân- hộ đầu tiên áp dụng máy móc vào sản xuất chăn, ga, gối ở xóm Hòa Bình cho biết: “ Những sản phẩm may thủ công đã không còn đủ sức cạnh tranh với những loại sản phẩn cao cấp trên thương trường, thế nên năm 2007 chúng tôi đã đầu tư 1tỷ đồng để mua máy thêu và máy chần vi tính để sản xuất các loại chăn, ga gối”. Mặc dù năm nay mùa đông dường như đến muộn hơn nhưng không vì thế mà ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất của các hộ dân ở Thạch Đồng. Với mẫu mã bắt mắt, giá cả phải chăng nên giờ đây, sản phẩm của gia đình chị Vân đã tìm được chỗ đứng trên thị trường ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, và Hà Tĩnh... Không chỉ làm giàu cho gia đình mà chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 công nhân với mức lương từ 2- 3 triệu đồng/tháng.

Cũng như chị Vân, gia đình anh Dương Công Kham và chị Dương Thị Minh ở xóm Hòa Bình cũng đã đầu tư 3 máy thêu, chần vi tính, mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho hàng chục người dân trên địa bàn. Chị Minh cho biết: “ Giờ đây chúng tôi không làm đệm nữa mà chủ yếu chuyển sang sản xuất chăn, ga gối. Nguồn vải, đệm lót chúng tôi lấy từ Hà Nội sau đó may, thêu chần qua máy rồi xuất ra thị trường các tỉnh bạn, kể cả một số đại lý lớn trên địa bàn Hà Tĩnh”.

Theo thống kê của xã, hiện ở Thạch Đồng đã có trên 20 gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh tạo việc làm cho hàng trăm công nhân may, thêu tại các cơ sở sản xuất, hàng trăm lao động trên địa bàn còn tìm được việc làm từ việc vận chuyển hàng hóa đến tận mọi ngõ ngách làng quê. Chỉ khác chăng bây giờ mẫu mã của chăn đệm Thạch Đồng đã không còn đơn giản, thô sơ như trước mà đã trở nên đa dạng, phong phú bởi mẫu mã và hướng tới mọi đối tượng tiêu dùng.

Bí Thư đảng ủy Hồ Sỹ Trình không dấu nổi niềm vui: “ Làng nghề của chúng tôi đã tìm được hướng đi mới. Ngoài sự năng động của bà con, năm 2004 sau khi chuyển đổi đất, xã cũng đã dành khu đất rộng 4,2 ha ở gần tuyến đường giao thông huyết mạch để quy hoạch làng nghề. Hiện, thành phố đã và đang tiến hành các khâu san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng CS hạ tầng còn chính quyền địa phương cũng xúc tiến việc tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất đăng ký ra khu quy hoạch. Và ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi trong các khâu thủ tục hành chính cho các hộ vay vốn, hàng năm xã còn tổ chức vinh danh những điển hình tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh...”

Theo từng chuyến xe, sản phẩm của Thạch Đồng đã mang theo hơi ấm của làng nghề, của tình người về với người dân trên mọi miền quê trong những ngày đông giá. Hòa trong dòng tấp nập, hối hả ấy, chúng tôi cũng có chung niềm vui khi cảm nhận sự bứt phá của nghề truyền thống trên địa bàn. Đó không chỉ là miếng cơm, manh áo của người dân mà còn là động lực, là tiêu chí để Thạch Đồng vững vàng trên con đường xây dựng nông thôn mới.

Thuý Ngọc - Anh Hoài
Theo baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập81
  • Hôm nay25,847
  • Tháng hiện tại159,195
  • Tổng lượt truy cập92,536,859
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây