Cơ chế, chính sách đồng bộ
Phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM. Trong hành trình này, người dân luôn được “tiếp sức” bằng các cơ chế, chính sách có hiệu quả của Nhà nước, chính quyền các cấp. Trong vòng 5 năm (2011-2015), cấp tỉnh đã ban hành hơn 10 nghị quyết, quyết định về khuyến khích, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia trên lĩnh vực phát triển sản xuất. Các cơ chế, chính sách đó đã kích cầu nguồn lực rất lớn từ doanh nghiệp (DN), nguồn tín dụng, tài trợ đến tận mỗi người dân. Đã có hàng trăm tỷ đồng được giải ngân từ ngân sách cấp tỉnh theo các nghị quyết, quyết định khuyến khích, hỗ trợ trên lĩnh vực phát triển sản xuất thuộc chương trình xây dựng NTM. Riêng năm 2014, tỷ lệ giải ngân chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ước đạt trên 100 tỷ đồng và năm 2015, dự kiến trên 120 tỷ đồng.
Ông Phạm Văn Đức ở xã Hương Minh (Vũ Quang) là một trong những người đầu tiên tiếp cận chính sách và phát huy hiệu quả chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh theo Quyết định 24, 26 cho biết: “Tôi được hỗ trợ 150 triệu đồng để xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thương phẩm quy mô 500 con/lứa. 4 năm qua, trang trại chăn nuôi tổng hợp của tôi không ngừng được nâng cấp, mở rộng quy mô và phát huy hiệu quả”.
Cùng với các chính sách của tỉnh, các địa phương cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển sản xuất. Chủ tịch UBND huyện Can Lộc - Võ Hữu Hào cho biết, 5 năm qua (2011-2015), huyện đã trích ngân sách hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển sản xuất, mua vật tư, con giống. Tổng số tiền lãi người dân được hỗ trợ theo Quyết định 23, 03 của tỉnh là trên 8,5 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ bằng tiền mặt, vật tư, con giống, huyện và các địa phương cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho người dân, hỗ trợ thành lập HTX sản xuất, tổ chức cho người dân tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Đồng hành với Nhà nước trong hỗ trợ người dân phát triển sản xuất là các DN, tổ chức tín dụng. Một số tập đoàn, DN lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm, từng bước thể hiện vai trò “bà đỡ” cho sản xuất nông hộ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế hợp tác và hình thành các DN vừa và nhỏ ở nông thôn. Tiêu biểu là Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh (Mitraco) đã trở thành DN “đầu kéo” của nhiều chuỗi giá trị sản phẩm: lợn, bò, rau - củ - quả, hươu..., Công ty CP (Thái Lan) liên kết nuôi lợn quy mô lớn; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Công thương Miền Trung trồng rau - củ - quả trên cát bạc màu và tiêu thụ sản phẩm; Công ty TNHH Sao Đại Dương đầu tư nuôi tôm công nghệ cao; Công ty Đại Nam đầu tư nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư… Một số DN nước ngoài như Công ty Fineton (Hồng Kông) tham gia nhiều chuỗi giá trị của sản phẩm như: rau - củ - quả, cá bơn, cá mú, bào ngư…
Nông dân thôn Bắc Bình, xã Tượng Sơn (Thạch Hà) phấn khởi khi sản phẩm bí xanh được bao tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Thu Phương |
Người dân là chủ thể sản xuất
Có thể nói, chưa bao giờ vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, đặc biệt là trong phát triển sản xuất ở Hà Tĩnh được thể hiện rõ nét như những năm vừa qua. Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, toàn tỉnh đã có trên 7.900 mô hình sản xuất cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Những mô hình chăn nuôi lợn trên 1.000 con/lứa, chăn nuôi hươu, bò quy mô hàng trăm con, nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau màu hàng chục ha... xuất hiện đều khắp từ miền núi đến đồng bằng, xuống vùng biển, đã phá vỡ tư duy “manh mún, nhỏ lẻ” từ nhiều đời nay của những người nông dân Hà Tĩnh.
Nhiều nông dân đã thực sự trở thành ông chủ, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, áp dụng tiến bộ KHKT trong điều hành quản lý, giao dịch với đối tác trong và ngoài nước. Sản phẩm nhung hươu, cam bù Hương Sơn, bưởi Phúc Trạch, tôm, cá... đã được quảng bá, giao dịch mua bán online. Người dân không chỉ tổ chức sản xuất độc lập mà đã biết liên kết, hợp tác với nhau tạo thành tổ, hội, HTX, DN. Chỉ trong vòng vài năm, các hình thức tổ chức sản xuất phát triển nhanh chóng. Đến nay, tổng số DN, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn nông thôn là 1.355 DN, 773 HTX, 1.565 tổ hợp tác.
Hà Tĩnh là tỉnh đầu tiên có quy hoạch sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực và đã xây dựng, vận hành thành công các mô hình trong nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh, một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực có bước phát triển đột phá theo hướng hiện đại. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm được triển khai thực hiện (từ năm 2011), gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, theo hướng “DN hóa, liên kết hóa, xã hội hóa, quốc tế hóa” theo chuỗi “vừa tập trung, vừa phân tán”... tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, tăng giá trị gia tăng, hiệu quả sản xuất.
Theo Thanh Hoài/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;