Những năm qua, người nghèo trên địa bàn đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội bằng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ. Đây thực sự là một trong những nhân tố quan trọng và cần thiết để họ khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên và hướng tới giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, điều đáng buồn là, hiện nay, nhiều người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có những biểu hiện muốn... nghèo, che giấu thực lực, bỏ qua sĩ diện để được thụ hưởng sự hỗ trợ nhiều hơn, lâu hơn...
Hộ nghèo được hỗ trợ một số chính sách an sinh xã hội. (Trong ảnh: Mô hình trồng bí xanh tại xã Thạch Châu, Lộc Hà). |
Hiện nay, người nghèo đang được bao cấp, hỗ trợ gần như toàn diện từ sản xuất đến đời sống như đất ở, nhà ở, đất sản xuất, cây - con giống, gạo, miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập, tiền điện, y tế, giáo dục, vay vốn, đào tạo việc làm, đầu tư cơ sở hạ tầng... Điều này thể hiện sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với người nghèo dựa trên tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.
Thế nhưng, cũng chính vì điều đó nên nhiều hộ không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo để thụ hưởng các chính sách có lợi lâu hơn, còn những hộ chưa được hưởng cũng muốn vào. Ở nhiều thôn xóm, cuộc họp bình xét hộ nghèo luôn được đánh giá là hội nghị quan trọng của năm, thu hút nhiều người tham gia và diễn ra sôi nổi nhất. Trong các cuộc họp đó, gần như chẳng có người nào thuộc diện bình xét tự giác xin ra khỏi danh sách hộ nghèo mà đều phải thông qua bình bầu, đấu tranh, thậm chí có lúc, có nơi diễn ra khá gay gắt. Đối với họ, được vào danh sách hộ nghèo quan trọng hơn việc được bình bầu danh hiệu gia đình văn hóa và nhận thức của nhiều người vẫn đang là “bầu”, “được” chứ chưa phải “bị” hay “phải” vào hộ nghèo…
Công ty Posco E&C phối hợp với BVĐK Hà Tĩnh khám sàng lọc, mổ mắt miễn phí cho 50 bệnh nhân nghèo bị đục thủy tinh thể và mộng mắt. |
Công tác tuyên truyền, giáo dục chưa “đủ độ”, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên họ không chỉ có tư tưởng muốn nghèo, chưa quyết tâm vươn lên mà còn mang nhận thức lệch lạc, có phần ích kỷ. Khi được thụ hưởng chính sách, đa phần những người thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo đều không hiểu được mục đích, ý nghĩa, tính nhân văn từ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và tấm lòng hảo tâm của một số tổ chức, cá nhân. Họ xem đây là quyền lợi, xã hội và chính quyền phải có trách nhiệm chăm lo, mà chưa thực sự nhận thức được trách nhiệm của bản thân và gia đình để vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng. Thậm chí, có những phát ngôn mang tính chất vụ lợi kiểu như “cho chừng này, chừng kia thì làm được việc gì”, “hỗ trợ như thế thì ít quá”… Đây là một điều rất đáng buồn, khiến nhiều người có trách nhiệm phải suy ngẫm, nhưng lại là một thực trạng xẩy ra thường xuyên ở cơ sở.
Chính tâm lý muốn nghèo, thích nghèo đã dẫn đến những hiện tượng tiêu cực trong bình xét đối tượng thụ hưởng và những hệ lụy khác. Hiện, ở nhiều thôn xóm, việc bình xét hộ nghèo vẫn còn nhiều bất cập, tình trạng nể nang, né tránh, xin - cho vẫn còn; việc điều tra, rà soát hộ nghèo thiếu kiên quyết, chưa đúng thực chất. Điều này đã dẫn tới nhiều sai sót không đáng có và những biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện.
Cán bộ y tế xã Hương Liên (Hương Khê) cho trẻ em dân tộc Chứt ở bản Rào Tre uống vắc-xin. |
Trong quá trình tìm hiểu thực tế, chúng tôi gặp không ít trường hợp người già có con cái khá giả nhưng lại giao trách nhiệm chăm sóc bố mẹ già cho xã hội, cho bố mẹ ở riêng để được vào diện hộ nghèo, được làm nhà ở theo chương trình 167, được cấp thẻ BHYT và các chính sách ưu đãi khác. Những trường hợp trong độ tuổi lao động, có mức thu nhập bình quân vượt trần quy định nhưng vẫn được “linh động”, “chiếu cố” đưa vào danh sách hộ nghèo vì đang có con trong độ tuổi đi học hay đơn giản chỉ là “đã tới lượt mình” cũng không là ngoại lệ. Điều này đang ảnh hưởng tới tính nhân văn, giá trị đạo đức, lòng tự tôn, tự trọng... của con người.
Tuy đã giảm nhưng hiện nay, ở nhiều địa phương vẫn còn biểu hiện của tình trạng “luân chuyển” hộ nghèo và một trong những dấu hiệu phản ánh rõ nhất về điều này là tỷ lệ hộ tái nghèo cao, số hộ cận nghèo lớn. Chúng tôi đã có dịp tìm hiểu thực tế và không khỏi băn khoăn trước những con số tái nghèo trong giai đoạn từ 2006 đến nay ở một số địa phương, cụ thể: xã Sơn Kim II (Hương Sơn) 1.853 hộ thoát nghèo thì có tới 727 hộ tái nghèo, cá biệt, có những năm, 82 hộ thoát nghèo thì lại có 62 hộ tái nghèo; Sơn Tiến (Hương Sơn) 400 hộ thoát nghèo thì có tới 224 hộ tái nghèo; Thịnh Lộc (Lộc Hà) 372 hộ thoát nghèo thì có 212 hộ tái nghèo… Thậm chí, có thời điểm ở một số nơi còn thay tất cả các hộ nghèo năm nay bằng số hộ khác và cứ thế thực hiện vào năm sau để tạo “công bằng”.
Tiến Dũng - Biện Nhung
baohatinh.vn
(Còn nữa)