Học tập đạo đức HCM

Tín dụng ưu đãi góp sức giảm nghèo

Thứ sáu - 22/03/2013 02:35
10 năm ra đời và đi vào hoạt động (2003-2012), cùng với toàn hệ thống, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách - Xã hội (CSXH) Hà Tĩnh đã triển khai hiệu quả việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhà. Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh - ông Lưu Văn Minh đã phân tích rõ hơn những kết quả này trong cuộc trả lời phỏng vấn P.V Báo Hà Tĩnh.

PV: Để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi ở địa bàn tỉnh nghèo, trước hết đòi hỏi sự nỗ lực của tập thể cán bộ Ngân hàng CSXH. Ông có thể chia sẻ về điều này?

Ông Lưu Văn Minh: Ngay khi bước vào hoạt động, Ngân hàng CSXH đã chủ động khắc phục nhanh, có hiệu quả các khó khăn của một ngân hàng mới thành lập để tạo dựng được hệ thống tổ chức mạng lưới sâu rộng với 48 hội nhận ủy thác cấp huyện, 848 hội nhận ủy thác cấp xã, 4.165 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), 262 điểm giao dịch tại xã; xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện làm việc cơ bản phục vụ tốt việc cho vay. Đặc biệt, chi nhánh luôn chú trọng công tác đào tạo và đào tạo lại về chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo cán bộ Ngân hàng CSXH có phẩm chất chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, nhiệt tình, tâm huyết, có năng lực chuyên môn và kỹ năng hoạt động xã hội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chi nhánh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện tốt các chương trình tín dụng, đảm bảo tăng trưởng nhanh tín dụng đi đôi với chất lượng không ngừng được nâng lên: dư nợ tăng 16,3 lần so với ngày đầu thành lập, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 3,53% (khi mới thành lập) xuống còn 0,29% (cuối năm 2012).

Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH chú trọng đến công tác xử lý các khoản nợ bị thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, rủi ro bất khả kháng, tạo điều kiện cho người vay khôi phục sản xuất, có điều kiện trả nợ ngân hàng. Trong 10 năm qua, Ngân hàng CSXH đã trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý với tổng số thiệt hại do nguyên nhân khách quan là 2.880 hộ với số tiền 11,8 tỷ đồng, trong đó đề nghị khoanh 2.528 hộ với số tiền 9,3 tỷ đồng, đề nghị xóa là 352 hộ với số tiền là 2,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, phải nói rằng, thành công của các chương trình tín dụng ưu đãi không chỉ dựa vào Ngân hàng CSXH mà là kết quả của sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị theo mô hình quản lý vốn đặc thù của nguồn tín dụng ưu đãi.

P.V: Ông đang muốn nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) các cấp và các tổ chức chính trị xã hội?

Ông Lưu Văn Minh: Đúng vậy! Nguồn vốn tín dụng ưu đãi cơ bản là nguồn từ ngân sách nhà nước, được quản lý với mô hình đặc thù, theo đó, ngoài bộ phận tác nghiệp là Ngân hàng CSXH, còn có sự tham gia trực tiếp của Ban đại diện HĐQT, các tổ chức chính trị xã hội và tổ TK&VV, đồng thời chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện (thành phố, thị xã) đã chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kế hoạch tín dụng; giám sát việc thực hiện cơ chế, chính sách; trực tiếp tham mưu cho chính quyền các cấp tạo điều kiện và giải quyết những khó khăn về hoạt động của Ngân hàng CSXH. Các tổ chức chính trị xã hội làm dịch vụ ủy thác từng phần chỉ đạo và thực hiện 6/9 nội dung công việc của qui trình cho vay; trực tiếp tổ chức thành lập và chỉ đạo hoạt động của tổ TK&VV tại thôn, xóm. Tổ TK&VV ở thôn, xóm, khối phố tổ chức bình xét công khai những hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, lập danh sách trình UBND xã (phường) xác nhận, đề nghị Ngân hàng CSXH cho vay; chứng kiến việc giải ngân, thu nợ, trực tiếp thu tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm; kiểm tra, giám sát đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích. Sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa các bộ phận trong mô hình quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi thời gian qua đã khẳng định: sự vào cuộc đồng bộ này đã đưa vốn tín dụng đến đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định, nâng cao công tác quản lý và chất lượng đầu tư, phát huy được chủ trương “xã hội hóa”, “công khai, dân chủ hóa” các hoạt động tín dụng của Ngân hàng CSXH.

Tín dụng ưu đãi góp sức giảm nghèo
Người dân vay vốn tại điểm giao dịch ở xã, phường của Ngân hàng CSXH

P.V: Có thể đánh giá tổng quan tác động của các chương trình tín dụng ưu đãi đối với lộ trình XĐGN trên địa bàn như thế nào, thưa ông?

Ông Lưu Văn Minh: Trong 10 năm qua, vốn đầu tư của Ngân hàng CSXH đã thu hút và tạo việc làm cho 112.712 lao động; giúp 101.866 hộ thoát ngưỡng đói nghèo; 44.658 hộ từng bước cải thiện được đời sống kinh tế; 40.805 hộ vay vốn tuy chưa thoát nghèo nhưng có chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; 2.064 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài; 112.045 học sinh, sinh viên (HSSV) được vay vốn để học tập; 63.989 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn được xây dựng góp phần cải thiện chất lượng sinh hoạt cũng như điều kiện sống của cộng đồng dân cư ở khu vực nông thôn; 10.388 căn nhà ở cho hộ nghèo chưa có nhà hoặc nhà ở tạm bợ được xây dựng, 86 căn chòi tránh lũ lụt được Ngân hàng CSXH cho vay hỗ trợ xây dựng tại các xã thường xuyên bị ngập lụt thuộc huyện Hương Sơn, Hương Khê... Nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH không chỉ góp phần XĐGN, GQVL mà còn góp phần khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 20,5% (năm 2002 - theo tiêu chí cũ xuống còn 14,2% (cuối năm 2012 theo tiêu chí mới giai đoạn 2011-2015).

Nguồn vốn Ngân hàng CSXH cũng tạo điều kiện cho nhiều HSSV có đủ tiền để chi phí học tập ở các trường đại học, trung học và dạy nghề, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, lao động có chất lượng cho tương lai; tạo điều kiện thúc đẩy. Xuất khẩu lao động để thu hút ngoại tệ từ nước ngoài; giúp hàng ngàn hộ dân ở nông thôn nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt.

P.V: Xin ông cho biết chính sách tín dụng ưu đãi sẽ tập trung vào những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm gì?

Ông Lưu Văn Minh: Hoạt động tín dụng ưu đãi thời gian tới sẽ bám sát và gắn kết có hiệu quả vào thực hiện chương trình XĐGN, GQVL, các mục tiêu chương trình phát triển kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, an ninh xã hội của địa phương; thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các mục tiêu cụ thể đặt ra: 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm dịch vụ do Ngân hàng CSXH cung cấp; tăng trưởng nguồn vốn, dư nợ bình quân hàng năm khoảng 10%, nguồn vốn huy động từ ngân sách địa phương bình quân hàng năm tăng 5-7 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%, tất cả các khoản nợ đến hạn, quá hạn, nợ rủi ro bất khả kháng được xử lý kịp thời, theo quy định; tỷ lệ thu lãi bình quân các chương trình đều đạt trên 98% lãi phải thu, đạt kế hoạch khoán tài chính hàng năm; trên 90% tổ TK&VV được xếp loại tốt, khá, không có tổ TK&VV xếp loại yếu kém; các chỉ tiêu về doanh số giải ngân, thu nợ, thu lãi tại điểm giao dịch xã đạt trên 90%.

 

Ông Phạm Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn: Chương trình cho vay HSSV chắp cánh ước mơ cho con em nghèo

Là địa phương giàu truyền thống hiếu học, mỗi năm có từ 900-1.000 em thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… trong đó, chủ yếu là con của các gia đình nông thôn, là hộ nghèo, cận nghèo. Chương trình cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã chắp cánh cho hàng ngàn HSSV nghèo hiếu học của huyện đến trường. Riêng 5 năm gần đây, doanh số cho vay chương trình đạt 148,7 tỷ đồng với 8.390 HSSV được vay vốn; dư nợ đến cuối năm 2012 đạt 137,5 tỷ đồng, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,085%. Một số xã có rất nhiều HS đi học, vay vốn lớn nhưng không có nợ quá hạn như các xã: Sơn Trung, Sơn Tiến, Sơn Tây. Một số hộ vay cho 3-4 con đi học với số tiền lớn nhưng trả nợ, lãi rất tốt như: Trần Thị Huế (xóm 9 -Sơn Châu) vay cho 4 con học đại học với số tiền 83,6 triệu đồng, đến nay, 2 SV ra trường có việc làm, đã trả nợ 15 triệu đồng; Lê Văn Quang (xóm Kim Cương II -Sơn Kim) vay 82,4 triệu đồng cho 4 con học, đến nay đã có 2 con ra trường đi làm, trả nợ 9,3 triệu đồng.

Ông Nguyễn Trọng Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Minh (Vũ Quang)Nguồn vốn tín dụng ưu đãi tiếp sức cho xã xây dựng NTM

Khi Ngân hàng CSXH bắt đầu triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, xã miền núi Hương Minh còn có 162 hộ nghèo (chiếm gần 30%), 130 hộ cận nghèo (chiếm trên 18%). Các chương trình: cho vay hộ nghèo, SXKD vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường, làm nhà ở cho hộ nghèo, xuất khẩu lao động đã cung cấp nguồn vốn khá lớn với lãi suất ưu đãi để người dân nghèo khai thác thế mạnh về nguồn nhân lực và diện tích đất rừng rộng lớn, phát triển kinh tế. Đến cuối năm 2012, dư nợ tín dụng ưu đãi của các chương trình đạt trên 13 tỷ đồng; nợ quá hạn chỉ chiếm 0,01%. 10 năm qua đã có hàng trăm hộ thoát nghèo nhờ đồng vốn của Ngân hàng CSXH; nhiều hộ vươn lên làm giàu. Đến nay, xã đã có 35 mô hình nuôi lợn từ 20-100 con, 2 mô hình nuôi lợn 500 con, 25 mô hình nuôi hươu 2 con trở lên và trồng được 42 ha cao su tiểu điền. Hương Minh đã xác định được hướng phát triển sản xuất, từng bước xây dựng NTM.

Ông Võ Văn Tú - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Tùng Sơn - xã Thạch Điền (Thạch Hà):Nhiều năm không có nợ quá hạn, nhiều hộ đã có tích lũy, tham gia gửi tiết kiệm qua tổ

Thôn Tùng Sơn được tiếp cận 5 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH, bao gồm: cho vay hộ nghèo, SXKD vùng khó khăn, hộ nghèo làm nhà ở, GQVL, HSSV có hoàn cảnh khó khăn với tổng dư nợ trên 1 tỷ đồng. Để nguồn vốn đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, tổ TK&VV thôn Tùng Sơn đã thực hiện đúng quy trình cho vay và quản lý vốn; tuyên truyền chính sách, cơ chế vay vốn của các chương trình đến từng thành viên; thường xuyên theo dõi, hỗ trợ các thành viên sử dụng vốn và đôn đốc trả nợ, lãi cho ngân hàng. Vì vậy, nhiều năm, tổ TK&VV thôn không có nợ quá hạn. Nguồn vốn ưu đãi đã tạo động lực lớn cho bà con trong thôn thi đua phát triển kinh tế gia đình. Hàng trăm lượt hộ đã thoát nghèo; nhiều mô hình kinh tế đồi rừng thu nhập khá được hình thành. Không chỉ đảm bảo trả lãi đúng hạn, các thành viên trong tổ đã tự nguyện tham gia gửi tiền tiết kiệm qua tổ với số tiền huy động được bước đầu gần 11 triệu đồng.

 

MAI THỦY (THỰC HIỆN)
baohatinh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập479
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm477
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại842,028
  • Tổng lượt truy cập92,015,757
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây