Học tập đạo đức HCM

Dịch vụ nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân - kinh nghiệm từ Quảng Ngãi

Thứ tư - 29/08/2012 20:43
Hiện nay nhiều mô hình hợp tác xã (HTX), nhất là HTX nông nghiệp và quỹ tín dụng nhân dân (TDND) đang đổi mới phương thức sản xuất-kinh doanh, đem lại hiệu quả kinh tế lớn, góp phần tạo làn gió mới ở nông thôn Quảng Ngãi.
 
 

Xã viên HTX Bình Dương chăm sóc đu đủ.  
 
Ðưa chúng tôi đi thăm những HTX tiên tiến, Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Ngãi Ðỗ Tấn Tự cho biết: Quảng Ngãi hiện có 26 Tổ hợp tác và 275 HTX (trong đó có 196 HTX nông nghiệp). Nhiều HTX mới thành lập hoặc chuyển đổi, bước đầu đã hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, thực hiện nhiều loại hình dịch vụ có hiệu quả, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới bộ mặt nông thôn. Ðáng chú ý, gần đây nhiều "ngọn cờ" trong từng lĩnh vực HTX đã xuất hiện, thể hiện rõ nét hiệu quả từ những mô hình HTX đổi mới. Ðó là HTX nông nghiệp Bình Dương, HTX xếp dỡ, xây dựng và dịch vụ Dung Quất, HTX vận tải Thống Nhất, HTX thêu nghệ thuật Trường Xuân, HTX đánh bắt xa bờ Bình Chánh, HTX đóng, sửa tàu thuyền Nghĩa Phú và Quỹ TDND Ðức Phong...

Ði trên vùng đất mới của HTX nông nghiệp Bình Dương (huyện Bình Sơn) vừa được cải tạo chống nhiễm mặn, chúng tôi đã chứng kiến nhiều mô hình chăn nuôi giỏi, sản xuất lúa, rau quả các loại với năng suất, sản lượng khá cao. Nhiều hộ xã viên trong HTX trước đây còn nghèo nay đã trở nên giàu có với nhà cửa khang trang, đồ dùng sinh hoạt sang trọng là nhờ phát triển cây trồng, vật nuôi có thu nhập cao như các hộ: Nguyễn Lợi, Nguyễn Tiến, Võ Thường (đội 7), Nguyễn Hồng Tự (đội 8), Võ Thanh Hùng (đội 23), Lê Tấn Sự (đội 13). Có xã đã mua máy cày phục vụ khâu làm đất và máy đập liên hợp phục vụ thu hoạch lúa với giá thấp, đáp ứng nguyện vọng của bà con quê hương, nhờ đó đã thay dần cảnh "con trâu đi trước, cái cày theo sau". Trao đổi ý kiến với chúng tôi về bước phát triển ở đây, chủ nhiệm HTX nông nghiệp Bình Dương Võ Tấn Ðại  vừa chỉ tay ra cánh đồng lúa chín vàng trĩu bông nói: Xác định HTX là "bà đỡ" của nông dân, ngay từ đầu vụ Ban chủ nhiệm đã xây dựng kế hoạch cụ thể các loại dịch vụ. Khi nông dân cần phục vụ, cung ứng trong từng lĩnh vực sản xuất thì HTX đáp ứng ngay. Từ đó HTX cân đối nguồn vốn, hạch toán sản xuất - kinh doanh từng loại dịch vụ, bảo đảm vừa phục vụ giá rẻ cho nông dân vừa có lãi và tích lũy được vốn cho HTX hoạt động hằng năm. Ðặc biệt, từ khi HTX đổi mới, nhiều mô hình sản xuất, dịch vụ đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Hiện nay HTX chúng tôi đã thực hiện bảy loại dịch vụ phục vụ thiết thực cho xã viên như: Dịch vụ khuyến nông, dịch vụ lâm nghiệp, dịch vụ hỗ trợ vốn sản xuất, dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho xã viên, dịch vụ nước sinh hoạt nông thôn. Nhất là dịch vụ thủy lợi với 100% diện tích sản xuất của nông dân được tưới tiêu, bảo đảm năng suất lúa đạt bình quân hơn 60 tạ/ha/vụ. Dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp, hằng năm HTX ứng trước vốn khoảng 2,2 tỷ đồng để mua phân, thuốc trừ sâu, rầy và giống cây trồng các loại để bán lại cho nông dân với giá thấp hơn ngoài thị trường (riêng phân bón, HTX bán chịu cho xã viên cuối vụ thu hoạch mới thanh toán. Giống lúa lai, xã viên trả tiền 50%, còn 50% trả sau thu hoạch lúa). Nhờ hoạt động các dịch vụ mà hằng năm HTX nông nghiệp Bình Dương đã tăng trưởng vốn kinh doanh khá (tổng vốn hoạt động năm 2012 hơn 8,9 tỷ đồng) và doanh thu năm 2011 hơn 5,3 tỷ đồng, trừ các quỹ còn lãi hơn 398 triệu đồng...

Ðã nhiều lần đến HTX nông nghiệp Bình Dương, thế nhưng trong tôi vẫn cứ ngỡ ngàng trước sự đổi mới nhanh chóng ở đây.  Trước kia Bình Dương là một vùng đất nghèo, đời sống văn hóa còn thiếu thốn, muốn đến phải qua đò ngang hoặc đi trên chiếc cầu phên tre. Ngày nay, mọi sự đã khác. Ðiện-đường-trường-trạm được đầu tư xây dựng khang trang. Trên con đường huyết mạch tiếp nối hai xã Bình Dương và Bình Trung có một chiếc cầu mới xây dựng với kinh phí tỉnh đầu tư hơn 22 tỷ đồng. Cầu dài hơn 200 m với nền đường 7,5 m, mặt đường 5,5 m được láng nhựa, tạo thuận lợi cho xe ô-tô, xe tải chạy đến đầu làng cuối xã. Người dân trong vùng đi lại sinh hoạt, sản xuất dễ dàng. HTX có đài truyền thanh, bưu điện văn hóa, điểm truy cập in-tơ-nét, sân vận động, hai công viên mi-ni và một khu chợ khang trang đang hoạt động phục vụ bà con địa phương khá tốt. Tìm hiểu mô hình sản xuất của HTX nấm Ðức Nhuận (huyện Mộ Ðức), chúng tôi thấy cung cách làm ăn ở đây khá năng động. HTX đầu tư sản xuất phôi nấm cung cấp cho hàng chục hộ nông dân trong vùng chuyên làm nấm, đồng thời bao tiêu sản phẩm. Nhiều nông dân ở đây đã thay đổi cung cách làm ăn nhỏ, đầu tư trang trại lớn với quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa. Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Ðức Vũ Nhân cho rằng, hiện nay hộ vẫn giữ vai trò kinh tế chủ đạo. HTX nông nghiệp làm "bà đỡ" rất hiệu quả cho nông dân, tạo bước đột phá trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Huyện đã quy hoạch hàng trăm ha, với 16 cánh đồng mẫu của mười xã trong huyện để sản xuất chuyên canh rau an toàn (mỗi cánh đồng bình quân từ năm đến bảy ha). Ðiển hình là cánh đồng Năng An, xã Ðức Nhuận, cánh đồng Chú Tượng, xã Ðức Hiệp, cánh đồng Mẫu Tám, xã Ðức Lợi... thuộc đất bạc màu sản xuất lúa đạt năng suất thấp nay đã chuyển sang làm cây trồng cạn với hình thức luân canh, thâm canh các loại rau đậu, hằng năm đã cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng, có cánh đồng doanh thu đạt hơn 150 triệu đồng. Nhiều đồng lúa cũng được huyện đầu tư giống lúa lai, cải tạo đất và chuyển giao kỹ thuật chăm bón nên năng suất lúa đạt hơn 90 tạ/ha...

Ở nông thôn hiện nay không những HTX nông nghiệp chuyển đổi hình thức sản xuất, mà quỹ TDND cũng đang thay đổi mô hình hoạt động phù hợp với nông dân hơn. Quảng Ngãi hiện có 13 quỹ TDND với tổng vốn hoạt động 116 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 18%. Hằng năm có hơn 8.000 lượt người vay, trong đó vay sản xuất nông nghiệp khoảng 90%. Ðây là loại hình hoạt động phục vụ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển. Hiện mô hình hoạt động của Quỹ TDND Ðức Phong (huyện Mộ Ðức) được cho là nền nếp, hiệu quả, đáp ứng được vốn cho xã viên vay sản xuất. Ra đời năm 1994, Quỹ TDND Ðức Phong gặp không ít khó khăn, nhưng đã hoạt động bảo đảm tính chất hợp tác tương trợ cộng đồng và tự chịu trách nhiệm kết quả tài chính của quỹ. Sau Ðại hội chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX, Quỹ TDND Ðức Phong chấn chỉnh những mặt yếu kém và thực hiện phương án huy động vốn tại chỗ để cho vay thành viên tại chỗ. Với phương châm "Ðịa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc của mọi nhà", với tính tương trợ là chính, không chạy theo lợi nhuận đã huy động được tiền gửi nhàn rỗi trong dân. Chủ tịch HÐQT Quỹ TDND Ðức Phong Ðinh Minh Ðức cho rằng, Quỹ TDND chủ yếu phục vụ nông dân và cán bộ, công nhân viên trên địa bàn với lãi suất thấp, trong khi đó thuế thu nhập doanh nghiệp phải đóng 20% nên cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay Quỹ TDND Ðức Phong vẫn đứng vững trong cơ chế thị trường với cung cách phục vụ khách hàng tận tâm và vận dụng, linh hoạt cho các đối tượng vay chủ yếu ngắn hạn với mức không quá 150 triệu đồng và lãi suất hợp lý. Hiện tổng nguồn vốn huy động bảy tháng đầu năm 2012 gần 23 tỷ đồng, tổng dư nợ hơn 16,9 tỷ đồng và hiện có hơn 400 hộ nông dân trong xã đã vay vốn của quỹ để sản xuất - kinh doanh. Các bước thủ tục xin vay vốn tại quỹ cũng đơn giản, nhanh gọn. Khi nông dân cần vay vốn sản xuất chỉ cần thế chấp 60% giá trị tài sản là đủ điều kiện vay vốn. Nếu khách hàng có uy tín thì không cần thế chấp tài sản vẫn được vay vốn của quỹ. Nhiều hộ từ bàn tay trắng, xin vay vốn đầu tư sản xuất nay thuộc gia đình giàu có trong xã như: hộ Lê Châu (thôn Thạch Thang), Nguyễn Cứu, Phạm Thanh Tùng (thôn Lâm Hạ).

Nhờ hoạt động có hiệu quả, bảo đảm uy tín cao nên Quỹ TDND Ðức Phong được Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện dịch vụ chuyển tiền điện tử liên ngân hàng, tạo thuận lợi cho khách hàng khỏi đi xa, chi phí thấp. Quỹ TDND Ðức Phong cũng đã làm thủ tục, xây dựng đề án mở rộng địa bàn hoạt động tín dụng tại hai xã Ðức Phong Lân và Ðức Minh đã được huyện và ngành chức năng đồng ý. Ðây là cơ sở để Quỹ TDND Ðức Phong tăng vốn huy động, tăng đối tượng vay và mở rộng quy mô hoạt động tín dụng lớn hơn trong thời gian tới.

Có thể nói, thành tựu tăng trưởng kinh tế tập thể ở Quảng Ngãi gần đây bắt nguồn từ hiệu quả những mô hình HTX đổi mới. Tuy nhiên, hoạt động của các HTX hiện nay vẫn đang bộc lộ nhiều yếu kém. Ðó là sự liên kết giữa kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác chưa bền vững. Số HTX sản xuất - kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao chưa nhiều. Ðội ngũ cán bộ HTX vừa yếu vừa thiếu. Nhiều cán bộ quản lý chưa được đào tạo, năng lực chuyên môn hạn chế nên khó tiếp cận cơ chế thị trường, thường bị lúng túng trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Quy mô các HTX nông nghiệp nhỏ, không phù hợp mô hình sản xuất kiểu mới. Nguồn vốn HTX vừa thiếu, vừa bị xã viên chiếm dụng khi chưa chuyển đổi HTX cho nên đầu tư cho sản xuất và làm các dịch vụ gặp nhiều trở ngại. Ngay nguồn vốn vay theo Nghị định 41 của Chính phủ, đến nay chưa có HTX nào trong tỉnh được vay. Nhiều chế độ chính sách đã được Chính phủ ban hành nhưng chậm triển khai, thiếu cụ thể hóa nên đã làm hạn chế sự phát triển của HTX...

Ðể HTX phát triển bền vững, đúng trọng tâm, tỉnh Quảng Ngãi cần ưu tiên, bố trí kinh phí đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý cho HTX; đồng thời  thành lập quỹ hỗ trợ cho HTX. Tiến hành đổi mới sáp nhập các HTX nhỏ thành HTX quy mô toàn xã để bảo đảm phát triển toàn diện. Một số HTX hoạt động không đạt yêu cầu, sản xuất, kinh doanh yếu kém cần xem xét giải thể. Sớm thông qua Ðề án "đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể tỉnh Quảng Ngãi" giai đoạn 2012-2016, định hướng đến năm 2020. Ðây là cơ sở để triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế tập thể theo hướng phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt và kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.

Bài và ảnh: MINH TRÍ

Nguồn: nhandan.org.vn
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập251
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại222,120
  • Tổng lượt truy cập90,285,513
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây