Dọc đường lên núi Cấm
Buổi sáng có cơm, cháo lòng, cháo gà, mì, bún bò viên. Buổi chiều có bánh tằm và bún cá. Một cái quán nhỏ ven đường mà thực đơn như vậy quả bất ngờ. Ngồi nhâm nhi ly cam vắt 8.000 đồng, hỏi đường từ Cây Me đi Ba Chúc, bất chợt tôi thấy thực đơn, thay vì ghi cháo lòng giá bao nhiêu một tô, ở cột tương ứng bên kia là số điện thoại. Bảy món bảy số điện thoại. Khách cứ cầm menu và gọi số nào mình muốn. Quả là một sự liên kết kinh doanh tốt đẹp và hiếm thấy.
Bà Neang Nhuê vẫn tận tụy với cà ràng. Ảnh: H.L.
Chị Bảy hoạt bát, vui vẻ, biết nhiều điều về bản địa, sẵn sàng chỉ đường hay giới thiệu món ngon không phải do mình làm ra, đường đi, nơi đến ở chung quanh. Tôi hỏi đường đến xóm làm karan (cà ràng), chị Bảy nói liền: “Nhà tui cũng đang xài cà ràng của bà con Khmer trong sóc gánh ngang nhà, loại cỡ trung giá 35.000đ, xài lâu lắm mới hư”.
Rời Châu Lăng, Tri Tôn lên đỉnh núi Cấm (Thiên Cấm Sơn) thăm ông Hai núi Cấm – (thường gọi là Hai Nghe), tên thật là Nghĩa. Tóm tắt chuyện ông Hai lập nghiệp tận đỉnh núi Cấm: ông mê rừng và nhiều kỷ niệm với vùng này từ thời trai. Cứ mua dần tới nay ông có gần 50 công đất rừng. Dựng vợ gả chồng, an bài cho con cháu ở Phú Tân xong, ông lên Núi Cấm ở hẳn, chỉ một mình khi biết mình mang nhiều thứ bệnh, toàn loại hiểm nghèo.
Nhà ông Hai núi Cấm ở nơi cao nhất, suýt soát 700m so với mặt biển. Mùa này tiết trời mát mẻ, se lạnh khi mưa già. Sống trên đỉnh mình ên nên ai lên chơi, dù một lần bị tai biến nhẹ, lại gặp nhiều cảm xúc đột ngột, niềm vui khó nói thành lời, nhưng bữa ăn trên trong ngôi nhà chót vót trên đỉnh núi Cấm cũng có tí men cay. Lần đầu ăn lá dâu, lá bứa cát lồi, bằng lăng, lá sung rừng (to hơn bàn tay). Tré bò gói lá rừng lần đầu ăn thấy ngất ngây với chén rượu; cũng chưa đủ nên thử xé một miếng khô nhen của chủ nhà tự tay làm, nhai chậm, hớp chút rượu nồng để đầu óc lẩn thẩn tìm kiếm một định nghĩa mơ hồ về hạnh phúc lưng chừng trời. “Kiểu này uống không biết tới chừng nào mới say”, ông Hai Nghe khao khát như người lành bệnh.
Đường lên đỉnh, bỏ qua những điểm dừng chân mà ngành du lịch cố công quảng cáo là các chùa lớn, chùa nhỏ, am, miếu, cáp treo... là sự tồn tại cách sống hồn hậu của dân núi Cấm. Trong khi ở đâu đó thích “hét giá”, còn cái quán nhỏ ven đường dốc ngược lên điện Bồ Hong, bán ba trái bắp nóng hổi chỉ có 10.000đ, chuối nếp nướng thơm lừng ở chân núi 5.000đ/trái. Giữa mùa du lịch, nếu cơn say tiền ở đâu đó khiến người ta nghĩ ra mọi cách lấy tiền du khách, thì đường lên núi Cấm, lại có người tự róc suôn sẻ những cây tre dựng ven đường mòn cho khách làm gậy lên núi Cấm. Giữa một không gian mang vẻ huyền bí, đậm màu tâm linh, khuyến thiện, người ta cư xử với nhau đúng mực, tử tế, chân thật như người bán khô cá sặt gánh oằn vai, nói: khô này mua ở chợ giá 110.000đ/kg, gánh lên núi bán 120.000đ. Cách lấy công làm lời chỉ đơn giản vậy thôi.
Lên núi Cấm đem rau rừng xuống vùng xuôi ăn bánh xèo. Cá linh mùa nước nổi lăn bột chiên, ăn kèm lá bứa ngon tới mức đừng nói lời nào cả để chỉ nghe cảm xúc hương vị đất trời đang hoà quyện trong chiếc lá.
Xóm cà ràng
Tới cái xóm nhỏ làm cà ràng, còn chừng năm hộ làm nghề nắn đất thành nồi, cà om, niêu, xoong, chảo, khuôn bánh khọt… Bà Neang Nhuê, hơn 60 tuổi, làm cà ràng từ thời con gái tới nay; mỗi ngày nắn chừng hai, ba cái. Không biết bà đã làm bao nhiêu món và những sản phẩm từ đất nung đã đi tới đâu? Đoàn khách mới tới nói với bà rằng họ sẽ mang về Cái Răng, nơi mà người ta nói đó là cách gọi của từ nguyên gốc cà ràng.
Người trong làng nói năng suất lao động như bà Neang Nhuê là mức trung bình. Đất được lấy dưới chân núi Nam Quy, núi Cấm về nhồi rồi ủ để dành, rảnh giờ nào làm giờ đó. Loại đất sét vàng, pha cát, phơi nắng gió vài ngày cho cà ràng mộc ráo hoảnh rồi chất rơm, củi nung trong vài giờ là thành phẩm. Người làm cà ràng đếm cho người mua đi bán lại với giá 25.000đ/sản phẩm, và một trong những sản phẩm đó đang hiện diện trong nhà chị Bảy ở Châu Lăng.
Cái xóm nhỏ này ngày xưa là xóm nghề khá hưng thịnh. Xưa hơn nữa từng là nơi sản xuất cà ràng, nồi đất nổi tiếng, bán khắp châu thổ sông Cửu Long. Bây giờ chỉ còn vài người làm cầm chừng vì nguyên liệu cạn kiệt, bị các sản phẩm hiện đại ép tới cùng và gần như không có truyền nhân nào nữa. Chẳng biết rồi đây số phận những cái cà ràng sẽ về đâu? Khó khăn biết chừng nào khi ai đó muốn biết xuất xứ của từ Cái Răng, khi không còn cái cà ràng nào để giải thích. Dù khó khăn, nhưng cái giá từng loại sản phẩm làng nghề vẫn vậy, cách chào bán nhẹ nhàng, thong dong, không một lời nói thách như cái cốt cách văn hoá bản địa xưa nay. Sao họ làm được vậy?
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;