Từ “lá cờ đầu” Thụy Hương
Nằm giáp sông Đáy, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20km, xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) có diện tích đất tự nhiên 519,39ha, trong đó đất nông nghiệp là 394,62ha. Xã có 7 thôn với 1.992 hộ/9.096 khẩu. Thụy Hương là 1 trong 11 xã điểm NTM toàn quốc do Ban Bí thư T.Ư Đảng chỉ đạo. Khi mới được chọn làm điểm xây dựng, Thụy Hương mới chỉ đạt 1 tiêu chí. Ấy thế mà giờ về Thụy Hương, bức tranh quê nay đã được khoác lên “tấm áo mới” đẹp lộng lẫy hơn bao giờ hết. Đó là những con đường bê tông trải dài phẳng lỳ, là những ngôi đình, chùa, cổng làng được tôn tạo, xây mới uy nghi, là những trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…
Theo đó, xã đã dành 290ha đất để chuyên canh lúa chất lượng cao, thành lập 3 HTX và chuyển dịch 125ha đất màu, lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, hoa và cây cảnh đem lại thu nhập gấp 6 – 7 lần trồng lúa. Riêng dự án trồng hoa (lan hồ điệp, ly, cúc… ) có 9,5ha, với 31 hộ tham gia, tổng đầu tư hàng chục tỷ đồng, đem lại giá trị thu nhập tới hàng tỷ đồng/ha mỗi năm. Bên cạnh đó, xã còn triển khai dự án sản xuất rau an toàn 79,5ha, hiện có 90 hộ tham gia và phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất 20 chủng loại rau sạch trên diện tích 7ha, cho giá trị hàng trăm triệu đồng/ha/năm…
Gặp chị Nguyễn Thị Hân ở thôn An Mỹ trên cánh đồng hoa của HTX, chị Hân vui vẻ cho hay: “Khu ruộng này trước đây gia đình tôi trồng màu, khi xây dựng NTM khu này được chuyển đổi trồng hoa. Trước đây chúng tôi phải tự lo đầu vào đầu ra, bây giờ vào hợp tác xã, chúng tôi được rất nhiều quyền lợi. Đầu vào, đầu ra đã có người lo, việc của chúng tôi là làm thật tốt, ngày đi làm, tối về sinh hoạt văn nghệ với bà con, cuối tháng lĩnh lương, chẳng khác nào công nhân viên chức vậy”.
Sau khi có kinh tế mạnh, xã mới bắt tay vào đầu tư các công trình phúc lợi để đạt các tiêu chí NTM. Những năm 2012 – 2014, về Thụy Hương chẳng khác nào một đại công trường, từ đầu làng ngõ xóm, đâu đâu cũng gặp cảnh xây dựng, không khí vui vẻ, khẩn trương, nhưng vẫn được giám sát rất chặt chẽ. Chỉ trong một thời gian ngắn, các công trình lớn như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… lần lượt đã được hình thành, với những trang thiết bị hiện đại, giúp đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe của người dân được cải thiện đáng kể.
Tân Hội đi sau về trước
Rời Thụy Hương, chúng tôi về xã Tân Hội (Đan Phượng, Hà Nội). Cùng xuất phát điểm thấp như Thụy Hương, song Tân Hội thuộc diện xã về đích vào giai đoạn 2, nên sự hỗ trợ về mọi mặt từ cấp trên rất hạn chế. Là một xã đất chật, người đông, lại nằm trong “vành đai xanh” của thành phố, nên việc quy hoạch gặp rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là lấy đâu kinh phí hàng trăm tỷ đồng để xây dựng NTM.
Mặc dù là lãnh đạo nữ, song bà Nguyễn Thị Ly – Chủ tịch UBND xã Tân Lập rất năng nổ, quyết đoán trong triển khai công việc, trong đó việc vận dụng linh hoạt cơ chế của thành phố cho các địa phương sử dụng nguồn kinh phí từ bán đất đấu giá để xây dựng NTM là một ví dụ. Bà Ly khiêm tốn nói: “Có phần chúng tôi chủ động, nhưng cũng… gặp may, những năm 2010 – 2012 giá đất đang sốt, xã đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục để bán đấu giá, thu được gần 160 tỷ đồng. Bên cạnh đó, xã còn thực hiện rất tốt việc xã hội hóa và được sự đồng thuận của người dân, nên khi triển khai rất thuận lợi”.
Còn nhớ cách đây vài năm, khi “đại công trường” NTM Tân Hội đi vào xây dựng, bà Chủ tịch Ly hoạt động chẳng khác nào con thoi, nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm bà đi hết thôn này, đến xóm nọ để cùng người dân họp bàn các phương án, tháo gỡ những vường mắc. Bà Ly chia sẻ: “Quan điểm của tôi cái gì có lợi cho dân, được dân đồng thuận thì làm trước. Trong việc xây dựng NTM, tôi xác định gia đình, dòng họ phải là người đi trước. Vì thế tôi đã buộc phải “nhắm mắt” cưỡng chế một hộ trong dòng họ, để trả lại đất, không gian mở rộng đường”.
Nếu có kỷ lục trong việc làm đường giao thông nông thôn khi xây dựng NTM, có lẽ bà Ly và xã Tân Hội chắc chắn sẽ lập kỷ lục. Bởi chỉ trong vòng một tháng kể từ khi vận động, 102 ngõ xóm trong cả xã đã được bê tông hóa hoàn toàn, với chiều dài hàng chục km, trong đó thôn Vĩnh Kỳ hoàn thành sớm nhất. Điều thú vị nữa là, sau khi những con đường đất gồ ghề được bê tông, đã có rất nhiều nhà hảo tâm ủng hộ mua bóng điện thắp sáng. Và khi các giếng, ao làng bấy lâu nay để tù đọng, hôi hám sau khi được xây kè lại, chỉ vài ngày sau đã có rất nhiều người đưa ghế đá, cây cảnh về hiến tặng…
Ông Nguyễn Duy Lợi – Trưởng thôn Vĩnh Kỳ chỉ tay vào con đường bê tông phẳng lỳ rộng 4m, bên cạnh con ngòi trông rất nên thơ cho hay: “Trước đây con đường này chỉ rộng khoảng 2m, đường đất nên trời mưa bà con đi lại rất vất vả. Khi đó cũng có hàng chục hộ lấn chiếm hành lang, nhưng sau khi được thôn, xã vận động họ đã hiểu và tự giác dỡ bỏ, giờ có đường đẹp ai cũng vui”.