Dự án được triển khai trên địa bàn 50 xã thuộc 10 huyện Đức Thọ, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Thạch Hà, Can Lộc và Lộc Hà. Đây là những địa phương mà đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên gặp không ít khó khăn. Mục tiêu trước mắt của dự án là đầu tư vào các mô hình phát triển nông thôn có khả năng sinh lợi, công bằng xã hội và thích ứng với biển đổi khí hậu, có tác dụng thúc đẩy các mối liên kết thị trường và chuỗi giá trị vì người nghèo, nâng cao khả năng cạnh tranh trong kinh doanh ở nông thôn. Mục tiêu lâu dài là cải thiện thu nhập bền vững và giảm tổn thương cho các hộ nghèo ở vùng nông thôn tại các xã vùng cao trên địa bàn Hà Tĩnh.
Hội nghị triển khai dự án SRDP Hà Tĩnh.
Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án là những hộ nghèo nông thôn có đất và nhân lực, là những lao động phổ thông ở nông thôn chưa được đào tạo nghề, là người dân nông thôn thiếu đất sản xuất nhưng có nguyện vọng và khả năng sản xuất và người dân tộc thiểu số thiếu thu nhập, kỹ năng và các yếu tố sản xuất khác.
Dự án SRDP Hà Tĩnh được thiết kế gồm 4 hợp phần: lập kế hoạch phát triển định hướng thị trường; dịch vụ tài chính nông thôn; đầu tư phát triển chuỗi giá trị và thị trường; và quản lý dự án.
Bám sát mục tiêu và nội dung của dự án, cùng với những kinh nghiệm đúc rút được từ kết quả của việc thực hiện các dự án trước đó, sau một năm triển khai thực hiện, dự án SRDP đã đạt được những kết quả khả quan và có tác động to lớn đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Phan Văn Tài, Phó giám đốc Ban điều phối, người được phân công trực tiếp quản lý dự án SRDP, cho biết: “Thời gian qua, cùng với việc kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng của Ban chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, ban đã đưa 262 tổ công tác xã và 2.163 tổ công tác cấp thôn đi vào hoạt động nề nếp. Các thành viên trong Ban chỉ đạo đã được tham quan học tập kinh nghiệm, lập kế hoạch kinh tế - xã hội (KTXH) hàng năm cấp xã, cấp huyện tại các tỉnh phía Bắc. Theo đó, Ban điều phối dự án đã hoàn thiện việc sửa đổi bổ sung tham mưu cho UBND tỉnh ban hành sổ tay hướng dẫn, lập kế hoạch KTXH hàng năm cấp xã và tiến hành xây dựng sổ tay thực hiện thí điểm đổi mới công tác lập kế hoạch KTXH hàng năm cấp huyện. Ban điều phối cũng đã tổ chức trên 310 lớp tập huấn về nâng cao năng lực lập kế hoạch, phân tích chuỗi giá trị cho cán bộ và các thành viên liên quan với gần 14.200 người tham gia.
Để nâng cao năng lực phát triển thị trường cùng với việc phối hợp với các ngành liên quan xác định ngành hàng tiềm năng của địa phương, tổ chức cho Ban quản lý, tổ công tác tập huấn về kế hoạch kinh doanh, Ban điều phối dự án đã phối hợp với các sở ngành và các đơn vị như Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương), Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh và các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, tư vấn kinh doanh nông hộ trang trại cho các thành viên tổ hợp tác, HTX.
Theo đó, Công ty Nafoods Nghệ An hỗ trợ 9 xã thuộc 5 huyện Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ, Can Lộc ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chanh leo, ớt, gấc, bí đỏ Nhật Bản. Công ty CP Dược Hà Tĩnh ký hợp đồng trồng các cây dược liệu; Công ty Khoáng sản và Thương mại Mitraco ký hợp đồng liên kết nuôi bò, lợn, gà...
Tại 12 xã miền núi thuộc 3 huyện Vũ Quang, Hương Khê, Hương Sơn, dự án đã tổ chức 12 lớp đào tạo nghề gắn với chuỗi giá trị và mô hình cho tổ nhóm về thú y, chăn nuôi và trồng cây ăn quả với tổng số 360 người tham gia, trong đó có trên 270 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo, chiếm 75%. Đây là cú hích để người dân đổi mới tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập theo chuỗi giá trị gắn với thị trường, một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Để hoạt động tín dụng tiết kiệm mang lại hiệu quả cao, các ban quản lý dự án đã củng cố và thành lập mới các tổ tín dụng, ban hành quy chế cụ thể, tổ chức các đợt tập huấn nâng cao năng lực quản lý, kiến thức chuyên môn nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu mục tiêu của dự án. Đến nay, dự án SRDP đã thành lập 59 tổ tín dụng tiết kiệm tại 13 xã thuộc 3 huyện Vũ Quang, Hương Sơn, Hương Khê với 369 thành viên tham gia, giải ngân trên 6.500 triệu đồng. Đặc biệt, với kinh nghiệm sẵn có, Hội Phụ nữ tỉnh đã đứng ra đảm nhận, quản lý và điều hành chương trình tín dụng tiết kiệm của các xã vùng cao.
Một năm chỉ mới là thời gian khởi động, nhưng dự án SRDP Hà Tĩnh đã có những bước đi vững chắc về đầu tư phát triển chuỗi giá trị thị trường. Năm 2014, cùng với việc hướng dẫn, khảo sát lập hồ sơ đầu tư các mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án đã xây dựng và đưa vào sử dụng 21 công trình. Trong đó có 16 công trình đường giao thông, 4 công trình kênh mương nội đồng với tổng chiều dài gần 17km, góp phần vào việc thực hiện tiêu chí xây dựng đường giao thông nông thôn trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Với những kết quả đạt được trong năm 2014, với kế hoạch được phê duyệt, năm 2015, Ban điều phối dự án đã và đang tích cực đẩy nhanh tiến độ xây dựng 30 công trình đường giao thông bằng bê-tông; 2 công trình đường giao thông bằng cấp phối; 8 công trình thủy lợi kênh bê-tông với tổng mức đầu tư 62.343 triệu đồng.
Có thể nói, Dự án phát triển nông thôn bền vững vì người nghèo Hà Tĩnh (SRDP) tuy mới triển khai nhưng đã có những chuyển biến tích cực trong sắp xếp tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Bằng việc nâng cao nhận thức, nâng cao trình độ quản lý, đổi mới tầm nhìn cách nghĩ về sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị gắn với liên doanh, liên kết, góp phần làm thay đổi tư tưởng bảo thủ, tự ti của nông dân, thay vào đó là những nhận thực mới về sản xuất kinh doanh gắn với thị trường.
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện dự án, ông Phan Thành Biển, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc ban điều phối dự án, khẳng định: “Tính ưu việt của dự án là không chỉ đưa đến tận tay nông dân nghèo con cá của sự no ấm mà còn cấp cho họ chiếc cần câu để câu cá. Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, dự án SRDP đã giúp cho hàng vạn người dân nghèo ở 50 xã được hưởng lợi thấy được sở dĩ đói nghèo là thiếu kiến thức, thiếu năng lực, thiếu cơ hội và thiếu vốn để phát triển sản xuất. Đây cũng là trở ngại lớn trên bước đường thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hy vọng rằng, khi thấy được mục tiêu và hiệu quả của dự án mang lại, người dân sẽ phấn khởi tự tin hơn trong sản xuất kinh doanh, từ đó xây dựng cho mình quyết tâm và nghị lực vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững, đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh nông thôn mới kiểu mẫu”.
Trần Vũ Thìn
Theo kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;