Hằng ngày ông Phạm Đạt vẫn tự tay chăm sóc cho vườn cây ăn trái của mình.
Đến thôn Long Bàn Bắc, xã Hành Minh (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) hỏi ông Sáu Đạt trồng chôm chôm ai cũng biết. Ông Đạt là người có gần 20 năm gắn bó với nghề trồng cây ăn trái. Hôm chúng tôi đến tham quan, ông Đạt hồ hởi cho biết: “Tôi vừa mới bán mấy tạ chôm chôm, giờ lứa mới đang lớn nên còn xanh nhiều chứ không thì nhìn còn hấp dẫn nữa”.
Ông Đạt xuất thân là nông dân, năm 1979 ông được bà con tín nhiệm bầu làm đội trưởngđội sản xuất hợp tác xã, rồi làm trưởng thôn. Ông "bén duyên" với nghề trồng cây ăn trái từ năm 1999. Năm đó, UBND xã Hành Minh khuyến khích người dân trồng cây ăn quả để cải tạo đất bồi. Khu vực nơi gia đình ông Đạt sinh sống là vùng đất bồi đắp từ con sông Phước Giang màu mỡ, nhận thấy đất đai phù hợp với trồng cây ăn quả lâu năm, ông Đạt lúc đó là trưởng thôn đã vận động người dân trong thôn góp tiền mua giống chôm chôm Java.
Bà con trong vùng chưa biết trồng loại cây như thế nào, một số hộ cứ nghĩ cây chôm chôm chỉ thích ứng với thổ nhưỡng ở các tỉnh miền Nam nên không mạnh dạn trồng. Để người dân vững tin đổi mới cây trồng, ông Đạt đã tiên phong trồng cây chôm chôm. “Là cán bộ địa phương, nếu mình không quyết tâm đi tiên phong thì làm sao bà con tin và làm theo”, ông Đạt tâm sự. Vườn cây chôm chôm của ông Đạt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó người dân ở địa phương từng bước chuyển đổi cây trồng, phát triển mô hình trồng cây ăn quả.
Không chỉ trồng chôm chôm, ông Đạt cũng là một trong những người tiên phong trồng thử nghiệm trên mảnh đất trung du nhiều loại cây ăn trái và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Đạt chia sẻ: “Làm việc gì cũng vậy, nếu không vượt qua những khó khăn, trắc trở ban đầu hay không tận tâm, tận lực với nó thì không thể thành công được”. Chính nhờ sự nỗ lực, vườn cây ăn trái của ông Đạt giờ tươi tốt, sum suê.
Vườn chôm chôm của ông hiện cho thu nhập ổn định, khoảng 54 triệu đồng/vụ, với giá bán sỉ ổn định 18.000 - 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, ông còn trồng 20 cây mít Thái, 15 cây măng cụt, 15 cây bưởi da xanh cùng với vườn chuối ngự, chanh, cam sành và nhiều loại cây khác trên khoảnh vườn rộng 5.000m2. Mỗi năm ông Đạt thu về trên 300 triệu đồng từ vườn cây ăn trái. Hiện nay, ông Đạt còn đang trồng thử nghiệm 20 cây sầu riêng.
Ông Đạt bảo rằng, người nông dân chỉ có đất là tài sản quý giá nhất, nên việc chọn hướng đi phù hợp là rất quan trọng. Nhiều người từ rất nhiều nơi tìm đến để nghe ông trao đổi, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi trồng, từ đó chọn hướng phát triển kinh tế phù hợp, thoát nghèo.
Tuy tuổi đã cao, vườn cây lại rộng, nhưng mỗi ngày ông Phạm Đạt vẫn tự tay chăm sóc cho từng loại cây trong vườn của mình, mỗi ngày ông đều suy nghĩ làm thế nào để phát triển hơn nữa mô hình này. Ông bảo: “Lao động chân chính thì dù già hay trẻ cũng không phải là vấn đề. Vấn đề là mình có đam mê hay không”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã