Hà Tĩnh khoảng 1,3 triệu dân có 13 đơn vị hành chính cấp huyện thị, Thành phố trực thuộc. Nếu bố trí theo mô hình bình thường mỗi huyện… một Bí thư, một Chủ tịch phải có đến 26 người. Hà Tĩnh đang thí điểm “Nhất thể hóa” hai chức danh này cho một người. Và Chọn Đức Thọ là đơn vị đầu tiên, người được chọn là ông Võ Công Hàm.
Chuyện nghe trong dân
Ông Võ Công Hàm đang thuyết trình tại một hội nghị. |
Tìm hiểu về những kết quả của “Nhất thể hóa”, PV được người dân cho biết: Năm 2008, ông Võ Công Hàm về nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ. Thời điểm ấy QL 8A được mở rộng gần 3 lần đường cũ. Đoạn qua Cầu Đôi có hàng cây bạch đàn trồng từ năm 1960 nay đã hơn 50 tuổi. Khi mở rộng đường nhiều ý kiến cho rằng phải cưa gốc lấy gỗ có thêm nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Nhưng ông Võ Công Hàm học theo cách của “Thần đèn” dùng loại máy cẩu 50 tấn dời hàng mấy chục cây cổ thụ ra khỏi vị trí khoảng 10m bảo đảm an toàn. Hàng cây bây giờ vẫn xanh tươi. Những hố mới được đào sâu gần 3m bảo đảm cho hàng cây ấy “Sâu rễ bền gốc” không sợ gió bão lung lay.
Sáng hôm ấy nhà báo Phạm Chí Thúc lên đưa chúng tôi đi một vòng xem các ngã đường Nông thôn mới của Đức Thọ, gặp gỡ nhiều bà con. Chúng tôi hỏi chuyện về ông Võ Công Hàm… và ông được khá nhiều người khen. Tuy nhiên, chúng tôi cần ý kiến của một người "nói thẳng và nói thật". Được biết ở Đức Thọ có một ông già tuổi ngoài 80, quê xã Đức Long một thời làm việc ở Bộ quốc phòng, nay về nghỉ ở địa phương, là người hiểu biết về luật nước và lẽ đời đã nhiều lần gửi đơn thư lên tận Trung ương Chính phủ.
Chúng tôi gọi điện trao đổi với nhà “phản biện” này và xin ý kiến về Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ. Ông già ấy nhận xét ngay: “Ông Võ Công Hàm đã làm được nhiều việc tốt: Thứ nhất: Di dời hàng cây cổ thụ ở ven đường 8 thuộc làng Cầu Đôi. Thứ hai: Có chủ trương thu hút con em tốt nghiệp Đại học về làm việc ở địa phương. Thứ ba: Đưa hàng trăm lượt cán bộ cấp huyện về tham gia cấp ủy chính quyền để gần dân, hiểu dân… Biết nghe dân nói rồi nói lại dân mới nghe. Thứ tư: Ông Võ Công Hàm là người ứng xử có văn hóa mỗi khi có sự việc xảy ra. Biết nhận lỗi về phía cán bộ chứ không đổ lỗi cho dân… Tất nhiên ông ấy vẫn chưa giải quyết tận cùng một số đơn mà chính bản thân tôi đã trực tiếp kiến nghị...”.
Rồi tôi gặp một người hay làm thơ, anh ta đúc kết về việc làm của ông Võ Công Hàm qua hai câu:
“Anh trở về cùng làng xóm, quê hương
Nắn sửa lại những lối mòn cong… hẹp…”.
Cũng sáng hôm ấy chúng tôi ghé vào 3 địa chỉ trong huyện. Quán thứ nhất trên đường Đức Thọ đi Vũ Quang một phụ nữ tuổi dưới 50 tâm sự: Em đang làm thủ tục cho đưa con gái út sang học phổ thông ở Anh với chị gái. Đến quán thứ 2 sát đường tàu, chủ quán kể nhà có 6 đứa con, gia đình có 2 đứa đang du học và làm việc ở Hàn Quốc. Nay chuẩn bị cho đứa út sang bên ấy vừa học phổ thông vừa làm luôn. Người thứ ba cho biết đang làm thủ tục cho đứa con gái chuẩn bị sang học phổ thông ở Canada...
Chuyện nghe ở hội trường:
Tại cuộc họp, điều ấn tượng với nhiều người là Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch có ngoại hình vượt quá mức trung bình của người Việt: Tầm vóc khoảng 1,8m, nặng khoảng 80kg. Ông Võ Công Hàm lên diễn đàn, tay cầm tập giấy nhưng phát biểu theo kiểu nhà lãnh đạo Do Thái - Axrien nói vo không nhìn vào tài liệu. Bao nhiêu con số đã được nhập vào bộ nhớ. Bài nói chuyện khoảng hơn 40 phút.
Được biết, năm vừa qua Đức Thọ dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực xây dựng: Nông thôn mới, Văn hóa giáo dục, An ninh quốc phòng… là huyện dẫn đầu toàn tỉnh. Con số mà chúng tôi thấy ấn tượng nhất với hơn 10 vạn dân, Đức Thọ có số tiền gửi tiết kiệm lên tới 2.500 tỷ đồng. Mỗi năm nguồn thu trên địa bàn Đức Thọ chỉ giao động trên dưới 150 tỷ nhưng tiền mà con cháu người Đức Thọ đi xa gửi về khoảng 18 triệu USD. Quy đổi ra tiền Việt đã gấp đôi số sản phẩm của 28 xã trên địa bàn làm ra.
Kết thúc bài phát biểu của mình, ông Võ Công Hàm đưa ra một tổng kết: Đức Thọ xưa nay vẫn có hai nghề cơ bản: Nghề làm nông và Nghề nuôi con đi Đại học. Như vậy nghĩa là Đức Thọ đã phát huy thế mạnh đặc biệt của mình đấy làm kinh tế bằng tri thức. Theo những tổng kết chưa đầy đủ, Hà Tĩnh có đội ngũ các nhà khoa học trình độ từ tiến sỹ trở lên cao nhất nước chiếm khoảng 11%. Đức Thọ lại là địa bàn có đội ngủ cán bộ khoa học kỹ thuật đích thức hàm Tiến sĩ, Phó giáo sư và giáo sư hơn 600 người gần 1/2 cả tỉnh. Trên lĩnh vực quân sự cả tỉnh có khoảng 90 vị tướng. Riêng Đức Thọ đã có 38 người bằng gần một nửa của 13 huyện Thị, Thành phố cộng lại.
Một anh bạn hỏi tôi: Anh có nhận xét gì về Võ Công Hàm?
Tôi mượn lời người xưa đưa ra hai nhận xét.
Một là “Tướng tòng tâm hiện”. Tạm dịch: “Diện mạo bên ngoài thể hiện cái tâm bên trong...”. Nội dung nào thì hình thức ấy…
Hai là “Vô sư - trí vi tôn”. Đây là một câu của Vua Trần Nhân Tông ghi ở ngôi chùa trên Yên Tử. Tạm hiểu là “Không có thầy… nhưng có một lượng tri thức lớn… những người như thế đáng tôn vinh”.
Câu nói ấy là nhằm đề cao việc tự học.
Tôi biết oong Võ Công Hàm chưa có bằng Tiến sĩ nào để ghi trước tên mình nhưng mỗi lần giao tiếp hoặc họp hành, con người ấy cứ vanh vách những số liệu, kế hoạch và những kết quả... đâu ra đó. Điều ấy cũng thể hiện triết lý: Danh chính ngôn thuận, hơn mọi bằng cấp.
Và chuyện trong sách vở
Sách viết về Đất và người Đức Thọ chưa ai thống kê được bao nhiêu cuốn và bấy nhiêu trang. Chỉ cần xem trong “Địa chí huyện Đức Thọ”độ dày hơn 700 trang - NXB Lao Động Hà Nội 2004 mới thấy được bao nhiêu danh nhân của Đức Thọ không phải ai cũng biết đến. Ngoài những tên tuổi mang tầm nhân loại như Nguyễn Biểu, Phan Đình Phùng, Trần Phú, Bùi Dương Lịch, Hoàng Xuân Hãn Lê Thước, Lê Văn Thiêm… và hàng trăm người khác.
Tôi xin dẫn một trường hợp trong cuốn sách nói trên ở trang 362 giới thiệu về Nguyễn Tạo (1905-1995) quê ở Làng Thái Yên, xã Đức Yên. Ông tham gia Đảng Tân Việt năm 1928 vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930, phụ trách cán bộ tài chính của Trung ương Đảng từng hoạt động ở Thái Bình rất có uy tín với dân. Đã từng hai lần bị thực dân Pháp bắt, kết án gần 30 năm tù. Ông đã vượt ngục.
Sau Cách mạng Tháng Tám được Bác Hồ điều động vào làm Giám đốc quốc gia Tự vệ Nam Bộ. Sau này là Bộ trưởng Bộ Lâm Nghiệp. Ông đã để lại hàng chục tác phẩm viết về các lĩnh lực Văn học Nghệ thuật và Kinh tế. Có điều thú vị, ngay cả cuốn sách nói trên cũng chưa biết một việc rất thần kỳ. Ông Nguyễn Tạo thời thanh niên có công lớn với dân một địa phương ở tỉnh Thái Bình. Sau cách mạng thành công, hòa bình lập lại dân làng nhớ công ơn của người chiến sĩ cách mạng… bà con lập Miếu thờ Thánh Hoàng Nguyễn Tạo. Tên tuổi ông được ghi ngang với các công thần đời Trần như Trần Khánh Dư... Dân Thái Bình lập bàn thờ Nguyễn Tạo khi ông đang sống nhưng ông không biết việc dân làm và dân cũng không biết gốc tích của vị Thành Hoàng ấy.
Sau tết Giáp Ngọ 2014 chúng tôi về Thái Bình theo lời mời của ông Trần Cẩm Tú quê Hà Tĩnh trước đó là Phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Trung ương được tăng cường về làm Bí thư Tỉnh ủy ở Thái Bình. Chúng tôi biết Thành Hoàng Nguyễn Tạo chính là vị Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp đã từng làm việc ở số 24 Lò Đúc, Hà Nội. Dân Thái Bình theo địa chỉ nói trên và tìm ra nguồn thông tin của Thành Hoàng. Câu chuyện rất thú vị đã được một số tờ báo đưa tin.
Một nhân vật thứ hai là ông Lê Thiều Huy (1920-1946) con trai của giáo sư Lê Thước xã Trung Lễ. Lớn lên sang du học ở Pháp. Năm 19 tuổi đỗ cử nhân 3 bằng khoa học loại ưu. Nhà toán học Brachet nói: “Tôi chưa bao giờ thấy có một sinh viên nào xuất chúng hơn Lê Thiệu Huy, cũng không dám mơ gặp người thứ hai tài ba đến như vậy”. Sau tháng 8/1945 Bác Hồ cử Lê Thiệu Huy sang giúp bạn Lào làm tổng tham mưu trưởng liên quân Việt - Lào đã hi sinh trong một lần bảo vệ Hoàng Thân Xu - pha - nu - vông. Được chính phủ Lào truy tặng Huân chương cao quý nhất của nhà nước Lào.
Lời bàn:
Theo sách “Đất Nghệ” NXB Nghệ An năm 2015 cho rằng thời Hùng Vương địa bàn từ khe Nước Lạnh đến Đèo Ngang được gọi là Cửu Đức thủ phủ đặt ở vùng Đức Thọ ngày nay. Sau này được gọi chung là xứ Nghệ. Trong bài viết của tác giả Vĩnh Khánh “Đức Thọ trong lòng xứ Nghệ” dài khoảng 25 trang có nhiều nhận xét rất chí lý. Tác giả cho rằng: Vùng “Địa linh nhân kiệt ấy” có sự di truyền huyết thống của con người qua bao nhiêu đời, đặc biệt là sự di truyền về văn hóa nằm trong tiền thức của mỗi người dân Đức Thọ. Vấn đề còn lại là các thế hệ bây giờ và mai sau bão tồn và nuôi dưỡng, phát huy truyền thống ấy như thế nào?
Theo gia phả của Họ Trương ở Đức Hòa, Long An cũng như Đức Thọ Hà Tĩnh thì Chủ tịch Trương Tấn Sang là hậu duệ đời từ 6 từ Đức Hòa, Đức Thọ. Chủ tịch Trương Tấn Sang đã về nhận quê.
Được biết, có những nguồn tin nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng là gốc từ xã Đức Hồng, Đức Thọ sau này di dân ra Nam Định. Xin mượn một lời thơ của Nguyễn Khuyến dặn con cháu: “Các con nối chí cha nên nhớ/Nghiên bút không quên lúa, đậu, cà…”, nghĩa là đề cao đạo học chú trọng phát triển kinh tế tri thức nhưng không bỏ và không quên nghề nông.
Theo Võ Minh Châu/giadinhvaphapluat.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã