Chỉ trong vòng 1 tháng, 3 trận “đại hồng thủy” kinh hoàng đã nhấn chìm hầu hết các huyện miền núi cùng với khu vực đồng bằng của hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình. Nước lũ dâng cao đã cuốn đi tài sản của người dân bao đời chắt bóp, để lại sự xác xơ tiêu điều cùng nỗi đau, sự mất mát tột cùng của bà con nông dân miền Trung. Thế nhưng, cũng từ nơi đã từng là rốn lũ kinh hoàng, ý chí vươn lên, vượt qua khó khăn, gây dựng lại cuộc sống của người dân cơ chừng như chưa bao giờ mạnh mẽ đến vậy.
Ghi nhận của PV tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, ngay sau khi nước rút bà con đã xuống đồng cùng nhau khẩn trương cải tạo đất, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố gắng hoàn thành trước khi vào vụ Đông.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê cho biết: Lũ chồng lũ nên sản xuất vào vụ của bà con nông dân lao đao, hiện nay, huyện đang chỉ đạo sát sao việc sản xuất cây lương thực và hoa màu theo kế hoạch, đúng tiến độ thời vụ, trong đó tập trung chính là ngô sinh khối.
Bên cánh đồng đỏ quạch màu phù sa, chị Nguyễn Thị Dung cùng bà con nông dân xã Phương Mỹ đang nhanh chóng hoàn thành nốt công việc làm đất để gieo trồng. “Hi vọng đây là đợt cuối cùng gieo trỉa, chứ cứ làm đi làm lại thế này nông dân chúng tôi cũng nản vì vừa mất sức, vừa mất cây giống”, chị Dung chia sẻ.
Không riêng xã Phương Mỹ, một trong những địa phương đầu tiên ra quân khôi phục lại diện tích vụ Đông, ông Dương Văn Kỷ, Chủ tịch UBND xã Hương Vĩnh hồ hởi cho biết: “Đến nay toàn xã đã gieo trỉa được 60ha ngô sinh khối. Ngoài ra, một số điểm như Vĩnh Giang, Vĩnh Đại cũng đã chuẩn bị hạt giống rau trồng xen với ngô và chủ động nguồn lương thực trong chăn nuôi, chẳng mấy chốc thì cuộc sống của người dân lại đủ đầy”.
Cũng theo ông Kỷ, để phù hợp với thời vụ thì đối với ngô ngắn ngày lấy bắp non bà con đã dùng các giống như: HN68, MX10; ngô sinh khối và ngô lấy hạt gieo giống có năng suất cao như P4199, NK66. Khoai lang và rau cũng sử dụng loại giống mang lại giá trị cao. Các xã phấn đấu sản xuất gần 1.000ha ngô, 300ha rau, 100ha khoai lang trong mùa vụ tới.
Ngoài trồng trọt, các hộ dân cũng bắt đầu khắc phục, sửa chữa lại chuồng trại, mua gia súc, gia cầm để tiếp tục chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.
Quả thực, những vùng quê nghèo tại rốn lũ của tỉnh Hà Tĩnh đã hồi sinh bằng chính nội lực và và sự tập trung chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong việc khôi phục sản xuất khắc phục nhanh hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống người dân.
Tại vùng rốn lũ Quảng Bình, nước cũng đã cuốn trôi hầu hết nhà cửa trâu bò và làm hơn 4.200ha cây trồng của người dân nơi đây bị hư hại. Theo thống kê sơ bộ, huyện Tuyên Hóa có gần 800 gia súc, hơn 46.000 gia cầm, 29 đàn ong bị nước lũ cuốn trôi. Lũ lụt còn làm thiệt hại hàng trăm ha lúa và hoa màu các loại; 39ha nuôi trồng thủy sản, 16 lồng cá và gần 680 tấn lương thực. Các địa phương khác ở Quảng Trạch, Quảng Ninh, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn cũng bị thiệt hại nặng.
Chị Nguyễn Thị Thương, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết: “Ngay sau khi nước rút, chúng tôi nhanh chóng xuống đồng triển khai mùa vụ. Hiện nay bà con đang làm đất để kịp gieo trỉa lúa và ngô”.
Phần lớn các loại giống lúa, hoa màu dự trữ đã bị hư hỏng, để khôi phục sản xuất người dân rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước về hạt và con giống để kịp tiến độ mùa vụ.
Không chỉ khôi phục sản xuất hoa màu, huyện Tuyên Hóa cũng chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sau lũ. Nhằm hạn chế thấp nhất các loại dịch bệnh có thể xảy ra, chính quyền huyện đã triển khai công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân không chăn thả gia súc trên đồng bãi, bổ sung thức ăn tinh bột và các loại rau cỏ sạch ngay sau khi nước rút.
Mỗi mùa nước lũ đi qua thường để lại nhiều mất mát, đau thương về cả vật chất lẫn tinh thần. Nhưng “sống chung với lũ” từ bao đời nay đã tạo nên những con người tại mảnh đất miền Trung giàu ý chí kiên cường và quyết tâm vượt khó.
Giờ đây, ngay trên vùng đất chỉ vài chục hôm trước là vùng rốn lũ trắng trời nước bạc thì màu xanh đã bắt đầu trở lại. Bà con hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình kiên cường bất khuất, chịu thương, chịu khó, cần cù chăm sóc cho từng luống rau, ruộng bắp khi lũ đi qua. Chính sự nỗ lực không ngừng đó đã đưa cuộc sống bình yên trở về với bà con nông dân vùng rốn lũ.
Cùng với sự chia sẻ của đồng bào cả nước, sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo địa phương đã giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, hồi sinh sau lũ một cách mạnh mẽ đến phi thường.
Theo Hải Yến/thanhtra.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;