Học tập đạo đức HCM

Rào Tre ngày mới

Thứ tư - 04/07/2012 20:10
Con đường độc đạo về với Bản Rào Tre ở xã Hương Liên, huyện Hương Khê hết vắt qua bạt ngàn rừng cây cao su lại đến rừng già hun hút. Trải qua bao ngọn đồi, con dốc từ đỉnh Động Chình nhìn xuống Bản Rào Tre hiền hoà thơ mộng với những nếp nhà sàn xinh xắn đã hiện lên. Bức tranh sơn thuỷ dường như được tô đậm hơn khi hàng ngày dòng suối Rào Tre cứ trầm mặc trãi lòng in bóng núi Ka Đay...

 

Theo quan niệm của bà con dân tộc Chứt, dòng suối, ngọn núi ấy từ bấy lâu nay đã chở che cho dân bản đi từ kiếp sống trong hang sâu tìm về với ánh sáng bình minh, với những khát vọng phi thường của giấc mơ “vượt núi”.

Đỉnh núi Ka Đay và dòng suối Rào Tre có từ bao giờ không ai rõ. Chỉ biết rằng nơi thượng nguồn Ngàn Sâu xa vắng sự khởi thủy của dòng sông mang bao trầm tích đã gắn bó mật thiết với đồng bào người Chứt. Dòng suối mát êm đềm ngày lại ngày vẫn chảy mãi về xuôi kết tinh những mạch nguồn sữa ngọt nuôi dưỡng bao thế hệ khôn lớn trưởng thành. Còn đỉnh núi Ka Đay cao chót vót, mây phủ bốn mùa là biểu tượng tinh thần, niềm tự hào kiêu hãnh của bà con dân bản.

Rào Tre ngày mới
Bộ đội Biên phòng và sinh viên tình nguyện giúp đỡ bà con dân tộc Chứt ở bản Rào Tre cấy lúa hè thu

Đến hôm nay, vẫn còn nhiều câu chuyện về hành trình “lột khố” đầy rẫy cam go của tộc người Mã Liềng, một trong năm nhóm địa phương của cộng đồng dân tộc thiểu số người Chứt. Đó là vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước tại vùng rừng sâu Cửa Bạ nơi giáp ranh giữa 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình trong một chuyến băng rừng tuần tra biên giới lực lượng Công an vũ trang Hà Tĩnh đã phát hiện ra một tộc người nước da đen nhẻm, trên thân mình không hề mang quần áo, chỉ đóng khố bằng vỏ cây Sui.

Cuộc sống du canh, du cư, săn bắt hái lượm khắp núi cao, hang sâu, ngõ hẻm khiến cho bàn chân họ sần sùi, cánh tay chai sạn, đầu tóc bù xù vàng úa theo thời gian. Điều đặc biệt là cả nhóm người nhưng tất thảy đều không hề biết chữ, không biết nói tiếng Kinh mà hễ thấy có người lạ là đứng nhìn ngơ ngác, rồi dắt díu nhau chạy trốn, mất hút vào tận rừng sâu.

Khi phát hiện ra tộc người Chứt đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, nhiều lần cấp ủy, chính quyền huyện Hương Khê đã phối hợp với lực lượng vũ trang đưa họ về định cư ở bản Giàng II nhưng vẫn không thành. Thói quen sinh hoạt cố hữu của bà con là mùa nắng lũ lượt dắt nhau lên rừng lang thang tìm kiếm cái ăn, còn mùa mưa khi những mạch ngầm của dòng suối Ka Đay đục ngầu, chảy xiết họ mới chịu quay về bản.

Năm 1998, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng, phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới được triển khai thực sự là một cuộc cách mạng lớn đối với đồng bào người Chứt. Họ đã được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống, sinh hoạt đến cái ăn, cái mặc và cả chuyện học hành. Trong niềm vui chung đó, vào tháng 6 năm 2001, Tổ công tác Bộ đội Biên phòng bản Rào Tre thuộc Đồn Biên phòng 575 được thành lập một lần nữa bà con dân bản được những cán bộ, chiến sỹ mang quân hàm xanh đùm bọc, cưu mang và lấy họ Hồ làm gốc khai sinh cho đến hôm nay.

Vậy là tộc người Chứt ở Rào Tre đã có tên, có họ, có ngày sinh tháng đẻ theo đúng nghĩa gốc gác của một con người. Chốn rừng sâu xa vắng, hủ tục lạc hậu một thuở chôn chặt, ôm riết lấy bà con đã phải nhường chỗ cho ánh sáng bình minh trong công cuộc xây dựng, đổi mới quê hương, đất nước. Bằng tình cảm, trách nhiệm của mình cấp ủy, chính quyền địa phương, các cán bộ, chiến sỹ biên phòng nơi cửa gió đã không quản ngại khó khăn, gian khổ thường xuyên bám bản, bám làng cầm tay chỉ việc cho bà con, vực dậy cuộc sống sau một chuỗi ngày dài tăm tối.

Khi chúng tôi có mặt tại Rào Tre cũng là lúc các cán bộ, chiến sỹ Biên phòng và đội sinh viên tình nguyện Trường Đại học Hà Tĩnh đang giúp đỡ bà con cấy lúa hè thu. Nhìn hình ảnh màu áo xanh tình nguyện mùa hè nhấp nhô giữa cánh đồng với những gương mặt căng tràn sức trẻ đang chăm chút cấy từng khóm lúa mới thấu hiểu hết tình cảm, trách nhiệm vì cuộc sống cộng đồng của các sinh viên. Họ không chỉ biết học hành thi cử vì một tương lai tươi sáng cho mình mà còn sẵn sàng đến với vùng sâu, vùng xa để đóng góp sức lực, trí tuệ xây dựng bản làng ngày một thêm ấm no, hạnh phúc.

Thiếu tá Dương Thanh Tịnh - Tổ trưởng tổ công tác bản Rào Tre vui mừng cho biết: Toàn bản hiện có 33 hộ dân với hơn 130 nhân khẩu. Những năm qua được hưởng lợi từ các chương trình, dự án 134, 135 cùng với các chủ trương, chính sách sát đúng của Đảng, Nhà nước nên hiện nay phần lớn bà con dân bản đều có nhà ngói để ở và có điện lưới quốc gia sinh hoạt. Ánh sáng văn hóa về với bản, nước sạch đến tận hộ dân, đường làng, ngõ xóm được rải nhựa phẳng lì tạo nhiều thuận lợi cho bà con trong lao động, sản xuất, sinh hoạt học tập.

Từ chỗ chỉ biết lang thang, phiêu bạt kiếm sống trên rừng, hôm nay, người Chứt ở Rào Tre đã biết khai hoang, mở đất tích cực đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Mỗi năm trên 3 ha đất nông nghiệp bà con đã duy trì trồng đều đặn 2 vụ lúa nước và gieo trỉa các giống cây hoa màu như: lạc, ngô, khoai lang. Mặc dù năng suất, sản lượng các loại cây trồng chưa thực sự vượt trội, song điều quan trọng là giờ đây bà con dân bản đã cơ bản chủ động được một phần lương thực, đẩy lùi nạn đói triền miên từ đời này qua kiếp khác.

Không chỉ biết trồng lúa nước, trồng cây hoa màu để cái bụng ngày một thêm no, gần đây, người Chứt ở Rào Tre còn tập trung chăn nuôi thêm trâu bò, gà vịt và trồng rừng nguyên liệu. Đến nay, toàn bản có gần 50 con trâu bò, hàng trăm con gà vịt. Dưới chân núi Ka Đay, hay bên sườn đồi quanh bản là màu xanh mướt của những tán cây keo lai, dó trầm và cây ăn quả. Chừng đó đủ để nói lên rằng bà con đã thay đổi tư duy nhận thức, biết làm kinh tế, biết lo cho cuộc sống hiện tại và cả mai sau.

Khó có thể nói hết nỗi gian nan vất vả trong công tác tuyên truyền, vận động ổn định cuộc sống đồng bào người Chứt. Nhưng phải khẳng định rằng thành quả ấn tượng hôm nay là trong mỗi gia đình người Chứt đã có của ăn, của để cho riêng mình. Cuộc sống, sinh hoạt cộng đồng được thực hiện theo nếp sống mới, các lớp học xóa mù chữ tại bản được triển khai, các chương trình y tế, dân số quốc gia được thực hiện đồng bộ, trẻ em trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường đi tìm cái chữ.

Hiện nay, phần lớn người Chứt đều đã biết chữ và biết nói tiếng Kinh khá lưu loát. Nổi bật trong năm học vừa qua 42 em học sinh đang theo học tại Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Hương Khê thì có nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến. Những cô bé, cậu bé hôm nay biết vượt rừng đến lớp, chăm chỉ học hành đây sẽ là những hạt giống, những mầm xanh tương lai để rồi tộc người Chứt nơi thượng Ngàn Sâu tiến lên những bước xa hơn.

Rảo bước chân trên bản Rào Tre được đắm mình trong làn gió mát rượi từ đỉnh núi Ka Đay thổi về mà lòng tôi trào dâng bao cảm xúc. Xa xa điệu đàn Trơbon cùng tiếng kèn Cổ Đông lúc trầm, lúc bỗng vẫn đều đặn vang lên, ngân dài theo sườn núi.

Bao mùa rẫy đi qua, bao khó khăn nếm trãi giờ đây bản làng đã thực sự yên vui, nhịp sống mới với những gam màu sáng đang từng ngày hiện hữu. Hòa vào niềm vui chung đó, tôi thầm nghĩ năm nay tết “lấp lỗ” cầu cho mưa thuận, gió hòa, rồi đến tết “Chăm cha bới” nghĩa là tết cúng mừng cơm mới của bà con người Chứt sẽ no ấm, đủ đầy và hạnh phúc hơn so với mọi năm.

Văn Chương
Nguồn Báo Hà Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập272
  • Hôm nay38,887
  • Tháng hiện tại814,165
  • Tổng lượt truy cập91,987,894
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây