Xuất hiện “quái vật” Dokruri!
Tôi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung nơi chảo lửa, túi mưa, mỗi năm quê nghèo phải hứng chịu từ 3-5 cơn bão “ghé thăm” nhưng chưa hề thấy cơn bão nào mạnh và sức tàn phá khủng khiếp như cơn bão số 10 này. Bão số 10 tên quốc tế là bão (Doksuri), khi bão đang hình thành ở biển đông, các nhà khoa học trên thế giới và Mỹ cảnh báo, bão Doksuri sẽ có sức công phá mạnh cấp 4, gió giật trên cấp 15-17 thấp một cấp so với siêu bão Irma cấp 5 vừa mới đổ bộ vào đất nước Mỹ trung tuần tháng 9.
Trong bão và sau bão chúng tôi có mặt ở những nơi tâm bão để kịp ghi lại những khoảnh khắc do “con quái vật” Doksuri tàn sát. Hai tháp truyền hình của 2 đài phát sóng ở thị xã Kỳ Anh và huyện miền núi Hương Khê, cả hai đều được xây dựng, lắp ráp, kết cấu đạt tiêu chuẩn quốc tế mà vẫn bị bão số 10 quật ngã gãy đổ.
Cũng trong bão, người chết, làng xóm, nhà cửa, ruộng đồng tan hoang, cây cối gãy đổ nghiêng ngã, có ít nhất 6 người chết, nhiều người bị thương, hàng trăm ngàn ngôi nhà dân bị hư hỏng, đường sá, cầu cống bị phá hủy, hàng chục ngàn héc ta rừng tự nhiên, rừng trồng, đặc biệt nhiều diện tích cao su bị đổ gãy không thể khắc phục, ước tính thiệt hại ban đầu lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng từ bão số 10 gây ra.
Toàn cảnh vườn cây cao su Cty cao su Hà Tĩnh bị gãy đổ
Nước mắt bên gốc cao su
Người làm cao su chủ yếu dựa vào đồng lương sau hơn 10 năm, những công nhân một nắng hai sương chăm sóc vườn cây cao su KTCB để cho thu hoạch. Đùng cái, bão số 10 đổ bộ vào, cả rừng cao su đang kỳ khai thác mủ tiêu điều xác xơ, thứ đổ, thứ gãy ngang xé toạc cả thân cây, trông thật xót xa. Quyền Tổng Giám đốc Cty cao su Thanh Hóa Đỗ Viết Dương tâm sự, Thanh Hóa tuy chỉ bị ảnh hưởng mức độ nhẹ của hoàn lưu bão, thế nhưng gió bão có lúc giật cấp 8-9 cộng với mưa to phần nào cũng đã ảnh hưởng đến một số công trình cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến vườn cây.
Nói về thiệt hại, Tổng giám đốc cho biết, có 2 nhà làm việc thuộc 2 nông trường Bãi Chành và nông trường Thạch Quảng bị hư hỏng nặng, gần 300 cây cao su đang trong thời kỳ khai thác mủ bị đổ gãy, một số tuyến đường, cầu cống bị xói lỡ, hư hỏng, một số nhà ở công nhân bị ảnh hưởng. Ông Dương chia sẻ, đối với Cty chúng tôi thế là còn may, tâm bão không vào, thiệt hại không đến nổi, chúng tôi sẽ sớm khắc phục được. Nhưng đối với các Cty phía trong như Nghệ An, Hà Tĩnh thiệt hại quá nặng nề không biết cuộc sống công nhân rồi sẽ ra sao sau cơn bão khủng khiếp này.
Công nhân Võ Thị Liên khóc ròng bên những gốc cây cao su bị đổ gãy
Từ cao su Thanh Hóa chúng tôi vào thăm Cty cao su Hà Tĩnh, gặp Tổng Giám đốc Cty Nguyễn Khánh Toàn chưa kịp chào hỏi, Tổng Giám đốc Toàn đã thốt lên với chúng tôi, mất hết rồi các anh ạ, đầu năm 2017 đến nay, đây là lần thứ hai bão đổ bộ vào, nhiều diện tích cao su đang trong kỳ khai thác mủ bị đổ gãy ngang thân cây, nhìn vườn cây mà đau xót quá, thương công nhân một nắng hai sương, lặn lội chăm sóc vườn cây chờ ngày thu hoạch nay tay trắng.
Cũng theo ông Toàn, do gió lớn (cấp 10-11) có những lúc gió giất lên cấp 13-14 gây thiệt hại trực tiếp các vườn cây cao su, rừng trồng và tài sản khác của Công ty cũng như của cán bộ công nhân viên. 33 nhà làm việc của các nông trường bị sập và tốc mái, 8 nhà kho chứa mủ cao su bị hư hỏng nặng, 265 ngôi nhà ở của cán bộ, công nhân viên bị sập và bị tốc mái, trong đó có khoảng 40 nhà bị bão phá hủy hoàn toàn.
Tổng Giám đốc nghẹn ngào nói về vườn cây bị thiệt hại trong rơm rớm nước mắt, có trên 108.798 cây cao su bị đổ gãy hoàn toàn, hơn 127.122 cây thuộc diện KTCB cũng bị đổ gãy, hơn 607, 87 ha rừng trồng nguyên liệu như keo, tràm bằng nguồn vốn vay tỷ lệ thiệt hại lên tới 40 - 50%, diện tích rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách bị thiệt hại tỷ lệ trên 70%. Nói về thiệt hại khác như 56,4km đường, ngầm đá bị cuốn trôi 26 cái; 1 cầu tràn bị trôi, hệ thống đường điện bị đổ cột, đứt dây, hư hỏng nhiều, thống kê ban đầu 43,4km, gạch mộc bị hỏng 50.020 viên, ngói lợp nhà, ngói Proximăng, mái che, tường rào, cửa cuốn của nhà máy chế biến mủ, hệ thống máng dẫn nước tại Lò gạch... cũng bị hư hỏng, thiệt hại nặng nề, một số con trâu bò của công nhân bị chết…
Nơi đổ nát tan tành
Rời trụ sở làm việc của Cty, chúng tôi trực tiếp đến các vườn cây bị thiệt hại nặng nề nhất. Tại vườn cây cao su đội 2, thuộc nông trường Truông Bát. Trước mắt chúng tôi không thể tin được sự tàn phá khủng khiếp của bão số 10 gây nên, cả một vườn cây được trồng từ năm 1997 đã 20 năm, Cty đã đưa vào khai thác hơn 10 năm nay, bình quân sản lượng mủ luôn đạt từ 1,2-1,5 tấn/ha/năm. Thế mà bão số 10 quật gãy đổ san bằng hàng trăm hecta.
Công nhân Mai Anh Hộ nhận khoán, chăm sóc bảo vệ vườn cây thuộc công nhân đội 2 nói trong tuyệt vọng: Thế là hết rồi các anh ơi, cả vườn cây 10ha Cty giao cho chăm sóc, bảo vệ, khai thác gần chục năm rồi, nay bão số 10 quật gãy đổ đến trên 90% xem như xóa sổ, bây giờ cuộc sống của vợ chồng, con cái biết làm gì mà sống đây nữa. Còn công nhân Võ Thị Liên ngồi khóc dưới gốc cao su vì bởi sau bão gia đình chị bị trắng tay, bởi bò chết, nhà cửa bị hư hỏng, toàn bộ diện tích cao su và rừng trồng nguyên liệu bị bão cuốn sạch. Chị Liên nói trong nức nở.
Giám đốc nông trường Truông Bát Mai Xuân Quyền đứng ngồi không yên nhìn cảnh hàng chục gia đình công nhân trắng tay sau bão, nghẹn ngào nói với chúng tôi, Nông trường Truông Bát có 25.515 cây đang kỳ khai thác bị đổ gãy hoàn toàn, 17.286 vườn cây KTCB cũng bị đổ nghiêng, nhiều diện tích rừng trồng nguyên liệu bị đổ gãy, trên 20 nhà công nhân bị hư hại nặng nề.
Ngoài nông trường Truông Bát các nông trường khác như nông trường Hàm Nghi, nông trường Phan Đình Phùng, nông trường Thanh niên, nông trường Can Lộc… tất cả đều chung số phận thiệt hại nặng nề sau bão số 10 gây nên.
Tạm biệt vùng đau thương mất mát ở Cty cao su Hà Tĩnh chúng tôi ngược rừng lên huyện miền núi Hương Khê trong bước đi nặng trĩu, nghỉ về cuộc sống của công nhân cao su sao mà oái oam thế, bởi ở nơi núi rừng xa xôi so với biển mà bão cũng tìm đến để tàn phá khủng khiếp thế này, liệu cuộc sông công nhân lao động ở đây rồi sẽ ra sao.
Tại Cty cao su Hương Khê, Tổng Giám đốc Cty Trần Thanh Hà cũng buồn bã tâm sự, tuy thiệt hại của Cty chỉ ảnh hưởng trên dưới 100ha so với Cty cao su Hà Tĩnh. Những dẫu sao đây cũng là thiệt hại khá nặng nề bởi đây là năm đầu mới bắt tay vào khai thác nên ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng công nhân lao động. Nhưng Cty quyết tâm khác phục sớm để ổn định đời sống công nhân, tiếp tục SX vượt khó vươn lên sau bão.
Đến với Cty cao su Quảng Trị, Tổng giám đốc Cty Văn Lưu cho biết, tuy bão không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Trị, nhưng do hoàn lưu bão gây gió mạnh cấp 8-9, kèm theo mưa lớn trên 120 ha vườn cây cao su bị gãy đổ. Nói về khó khăn, Tổng giám đốc Văn Lưu cho rằng, Cty cao su Quảng Trị đã có bề dày phòng chống bão, ngoài vườn cây bị thiệt hại ra, các công trình cơ sở hạ tầng đến nhà ở công nhân được xây dựng khá quy mô nên hạn chế được thiệt hại mỗi khi mùa mưa bão đến. Còn đối số cấy bị đổ Cty sẽ sớm khắc phục bằng cách chống đỡ, chăm bón cho cây chóng hồi phục tiếp tục SX ổn định.
Công nhân Mai Anh bị bão xóa sổ cả vườn cây 10 ha
Chia sẻ nổi đau
Sau bão, Tập đoàn CNCSVN đã kịp thời cử đoàn công tác do Chủ tịch Hội đồng Tập đoàn Võ Sỹ Lực làm trưởng đoàn ra trực tiếp hiện trường những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, nhằm động viên, chia sẽ với CBCN sớm vượt qua khó khăn, đồng thời chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão gây ra, sớm ổn định đời sống công nhân lao động, kịp thời hỗ trợ cho những gia đình công nhân bị thiệt hại nặng nề nhất, giúp họ sớm vượt qua những đau thương mất mát, bằng cách tạo việc làm, có thu nhập ổn định để duy trì cuộc sống trước mắt và lâu dài.
Trước mắt các Công ty phải tập trung chỉ đạo công tác dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, khuôn viên đơn vị, cưa cắt cây gãy đổ trên các tuyến đường đi lại. Hỗ trợ công nhân dọn dẹp, sữa sang nhà cửa ổn định cuộc sống. Đồng thời tiếp tục thống kê tình hình thiệt hại, chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh trên các lô vườn cây khai thác để tiếp tục khai thác với thời gian sớm nhất, góp phần ổn định cuộc sống công nhân lao động.
Anh Bình/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;