Học tập đạo đức HCM

17 năm chịu cảnh "giời hành" biến đồi hoang thành trang trại bạc tỷ

Thứ bảy - 29/07/2017 11:50
Sau 17 năm khai phá đồi hoang mà nói như nhiều người là chịu cảnh "giời hành", những giọt mồ hôi, công sức của lão nông Lò Văn Miên, bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã được đền đáp bằng những trái ngọt. Hơn 10ha cam, bưởi, ao cá đã đem lại cho ông hàng tỷ đồng mỗi năm, thương hiệu cam, bưởi ông Miên được người tiêu dùng tại Điện Biên ưa chuộng.

Lão khùng bỏ phố lên rừng

“Những năm đầu tôi lên đây khai khẩn đồi hoang làm trang trại, cả bản ai cũng cười chê, nó là lão khùng, phố bản thì không ở lại lên đồi trồng những loại cây mà theo họ chỉ có những cán bộ có trình độ “cao siêu” mới làm được. Đi đâu gặp tôi, người già, trẻ nhỏ đều thì thầm: lão này đúng là hâm thật rồi, ruộng đất dưới này thiếu gì mà phải bỏ lên đồi trồng cây” - ông Miên tâm sự trên đường đưa chúng tôi lên thăm trang trại.

 17 nam chiu canh 'gioi hanh' bien doi hoang thanh trang trai bac ty hinh anh 1

Vườn bưởi các loại đang độ nuôi quả lớn, ông Miên phải thường xuyên kiểm tra cây, quả để phát hiện sớm các loại sâu bệnh.

Ý định phát triển một trang trại tổng hợp, trồng cây, nuôi cá, gia súc, gia cầm được ông Miên triển khai rất bài bản. Do chưa có vốn để trồng cây ăn quả, thời gian đầu ông đắp đập, ngăn khe suối cạn để làm ao nuôi cá. Đất rừng rộng ông đầu tư nuôi đàn dê hơn 100 con, sau 4 năm đồng vốn tích cóp được ông không nuôi dê chuyển sang trồng cam, bưởi.

Cả một quả đồi hơn 10ha cam, bưởi diễn, bưởi da xanh quả sai trĩu cành chuẩn bị cho thu hoạch; từ đồi trọc, dưới bàn tay, công sức của ông Miên và gia đình giờ đã cho mùa vàng, quả ngọt. Những ngày đầu làm trang trại, trồng cây ăn quả, không chỉ người dân bảo ông là khùng, là hâm, rồi bị "giời hành" mà ngay vợ con ông cũng không tin vào thành quả như ngày hôm nay.

Ông Miên chia sẻ: “Lúc đầu nghe ý tưởng của tôi, vợ con đều phản đối nên một mình lên đồi phát cỏ, đào hố rồi mua cây giống về trồng, tiền mua cây không có, phải bán cả trâu, lợn, dê. Thấy tôi quyết tâm, mọi người trong nhà cũng ủng hộ, cùng làm, năm đầu tôi trồng 1ha cam. Nhưng đồng vốn ít ỏi gia đình dành dụm được đã hết, tôi đánh liều vay Ngân hàng chính sách. Dẫn cán bộ ngân hàng đến thăm trang trại và nói rõ ý tưởng của mình, tôi được vay 10 triệu đồng, đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cam”.

Lấy ngắn nuôi dài, cây cam, bưởi cho thu hoạch đến đâu, đồng vốn lại được ông Miên quay vòng đầu tư vào diện tích trồng mới. Để có kỹ thuật phòng chống các loại sâu bệnh hại cây, ngoài tham quan tại các khu vực trồng cam, bưởi nổi tiếng cả nước thì ông Miên còn tìm hiểu thông tin trên sách báo. Ông Miên tâm sự: “Kinh nghiệm ở đấy chứ đâu, các báo giới thiệu nhiều mô hình trang trại, những gương nông dân làm giàu, cách phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc cây ăn quả, cái quan trọng là người dân có biết học hỏi để làm”.

Mùa vàng, trái ngọt

Trung bình mỗi năm, ông Miên thu hoạch trên 20 tấn cá, hàng trăm tấn hoa quả. “Ngày trước chưa có đường xe máy lên được đến đây, mỗi lần bán cá, hoa quả, cả gia đình phải vận chuyển xuống Quốc lộ 12 để bán cho thương lái. Thấy bất tiện, tôi bỏ vài trăm triệu đồng thuê máy làm đường lên trang trại, từ khi có đường, không phải đem sản phẩm đi xa mà thương lái họ đến tận vườn thu mua” - ông Miên nói.

Với ông Miên, mỗi gốc cây đều mang đến cho ông những kỷ niệm, cây nào bị bệnh gì, ra bói như thế nào, bị bệnh ra sao, cách phun thuốc phòng bệnh... đều được ông ghi chép cẩn thận vào cuốn sổ tay đã ngả màu. Theo cách nói mộc mạc của ông Miên thì cây trồng cũng như con người, nếu chăm sóc tốt sẽ cho quả ngọt; ghi thế này để mình nhớ cách chăm sóc, chữa bệnh cho cây, nếu lần sau cây có bị bệnh như vậy thì dễ chữa...

 17 nam chiu canh 'gioi hanh' bien doi hoang thanh trang trai bac ty hinh anh 2

Từ lợn rừng lai, đến đàn gà của gia đình ông Lò Văn Miên chăn nuôi ra luôn được thương lái đến thu mua tại trang trại.

Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, ông Miên chỉ cho xem những vùng quy hoạch của ông. Khu vực đầu nguồn nước được ông ưu tiên làm ao cá và lấy nước tưới cho vườn cây ăn quả, dưới tán cây, ông nuôi hàng nghìn con gà. Khu vực nuôi lợn rừng được ông thiết kế hào sâu, lưới quây... Cách nuôi lợn rừng của ông cũng khác các trang trại khác, không bao giờ nuôi giống F1, mà ông cho lai con bố là lợn rừng, con mẹ là lợn bản.

Theo ông Miên thì đây là sự kết hợp “hoàn hảo” giữa 2 dòng lợn, những con lợn F2 được sinh ra mang những gen mạnh của 2 loại, đem lại thịt lợn thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Gần 100 con lợn sinh sản vậy mà không đủ cung cấp cho thị trường; ông Miên cho biết, ông sẽ mở rộng khu nuôi lợn rừng, dù lãi có ít hơn nhưng không lo mất giá và vẫn giữ vững thương hiệu.

Từ bàn tay trắng, với sự cần cù, chịu khó, mồ hôi công sức của ông và gia đình đã được đền đáp bằng trái ngọt. Trung bình mỗi năm ông Miên thu trên 1,6 tỷ đồng từ trang trại, trừ chi phí ông cũng thu về hơn 600 triệu đồng, tạo công việc thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.

“Bây giờ cả bản không ai còn bảo tôi là lão khùng nữa, mà họ nhìn tôi bằng ánh mắt khác trìu mến và kính phục hơn, tôi cũng không vì những lời nói, ánh mắt ngày trước mà không giúp đỡ họ, những ai khó khăn về cây giống, vốn, kỹ thuật để đầu tư trang trại đến đây tôi đều giúp” - ông Miên cho biết thêm.

 
Theo Quang Hưng (Báo Điện Biên)
 Tags: điện biên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập287
  • Hôm nay36,919
  • Tháng hiện tại276,245
  • Tổng lượt truy cập92,653,909
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây