Khi “văn minh” về bản
Đã lâu rồi, người dân ở làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) không còn được thường xuyên đón khách du lịch đến tham quan. Đường làng ngõ xóm rộng, được bê tông hóa, nhiều hộ đã được gắn biển nhà sạch vườn đẹp…
Hà Giang nổi tiếng với chè Shan tuyết
Có thể nói, chủ trương xây dựng nông thôn mới đã tạo cho thôn Thanh Sơn những thay đổi nhất định, văn minh và hiện đại hơn. Nhưng, Thanh Sơn không còn tạo được dấu ấn của mình trong lòng du khách đối với loại hình du lịch cộng đồng.
Điều dễ nhận thấy ở làng du lịch cộng đồng này là mọi thứ đã được bê tông hóa, từ con đường cho tới bờ rào. Điều này đang phần nào làm giảm đi vẻ đẹp nguyên sơ của một bản làng vùng cao. Những nếp nhà sàn lợp mái cọ dần thưa vắng, thay vào đó là những căn nhà mái ngói, fibro ximăng mang hơi hướng của kiến trúc đô thị.
Làng quê thay đổi diện mạo đã vậy, sản phẩm du lịch của Thanh Sơn cũng đang mất đi tính đặc sắc. Khách đến có lẽ chỉ vì sự hiếu kỳ, chứ để lưu trú ở lại thăm thú thì chẳng thể khám phá được gì. Bởi, bản sắc người Tày nơi đây đã và đang mai một dần.
Ngay lớp thanh niên nơi đây giờ đã không còn hào hứng với những điệu then hay những trò chơi của dân tộc mình. Tiếp xúc với những người già ở Thanh Sơn, các cụ đều tỏ chung sự lo lắng về giá trị văn hóa nơi đây.
Ông Nguyễn Trung Tín, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy cho hay: Người già chúng tôi lo lắm, bởi bản sắc văn hóa của người Tày trong thôn đang dần mai một. Chúng tôi cũng chưa biết làm cách nào để truyền dạy cho con cháu, vì thanh niên giờ ít quan tâm tới bản sắc lắm.
Nói về việc phát triển du lịch cộng đồng tại Thanh Sơn vẫn dậm chân tại chỗ, ông Nguyễn Văn Lòng - một trong hơn chục hộ tham gia làm mô hình du lịch cộng đồng của thôn lý giải: Nguyên nhân căn bản là do chưa có sản phẩm du lịch, chưa tạo được dấu ấn nào về văn hóa của người Tày.
Khách du lịch đến chỉ đặt dăm ba mâm cơm ăn xong rồi họ về. Người dân cũng chưa biết cách nào để níu chân du khách. Bởi, rất nhiều người đã không còn biết được nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Việc truyền dạy hay phục tráng lại các lễ hội, nét văn hóa hay các nghề truyền thống đều chưa làm được. Đây chính là cái khó trong phát triển du lịch cộng đồng của Thanh Sơn.
Mặc dù coi hoạt động du lịch cộng đồng là một trong những chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ xã Thanh Thủy, đã được huyện, tỉnh và ngành du lịch đầu tư, nhưng xem ra chính quyền xã cũng đang phải loay hoay tìm hướng đi mới cho phát triển du lịch tại Thanh Sơn.
Ông Bùi Trung Thu, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Thủy cho hay: cơ bản nhất, chỉ những nét đặc trưng của dân tộc và bản sắc văn hóa chuyên biệt mới có thể cuốn hút được sự hiếu kỳ, khám phá của du khách. Nhưng xem ra, đây đang là bài toán khó có lời giải một sớm một chiều.
Nhưng, vấn đề ở Thanh Sơn không là cá biệt. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có khá nhiều làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu như: làng văn hóa du lịch thôn Tha, thôn Tiến Thắng, thôn Lùng Tao, bản Bang (huyện Vị Xuyên), hay như làng văn hóa thôn Lũng Cẩm Trên (huyện Đồng Văn), làng văn hóa dân tộc thôn My Bắc (huyện Quang Bình)…
Tuy vậy, ở hầu khắp các làng văn hóa này mới chỉ khơi gợi lại rất ít nét văn hóa của dân tộc mình. Sự hấp dẫn đang giảm đi do nhiều nét văn hóa độc đáo, các giá trị văn hóa dân tộc bị “thất truyền”. Việc khôi phục, phục dựng lại các lễ hội hay các giá trị văn hóa đều chưa thực hiện bài bản do rất ít nghệ nhân dân gian còn nhớ được nguyên gốc các giá trị văn hóa đó.
Bảo tồn để tạo giá trị vật chất
Ông Mai Ngọc Hướng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Phát huy các giá trị văn hóa được xem là phương thức có hiệu quả nhất trong phát triển du lịch cộng đồng. Qua hoạt động hướng dẫn du lịch, du khách có cơ hội được tận mắt nhìn thấy trong thực tế các giá trị văn hóa của mỗi dân tộc và hiểu được các giá trị văn hóa nơi mình tới du lịch.
Thực tế, khi du khách đến với các làng văn hóa du lịch mới có thể cảm nhận được những khung cảnh thực của tự nhiên, nếp sống truyền thống của cộng đồng mà không thể có phim ảnh, diễn xuất nào có thể chuyển tải được. Và chỉ có du lịch trải nghiệm mới có thể đem lại cho du khách những trải nghiệm đặc biệt, sống động.
Phát huy bảo tồn nguyên trạng các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng chính là yếu tố tồn tại và phát triển các chuỗi du lịch cộng đồng. Vấn đề ở đây đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự định hướng cụ thể cho người dân biết và hiểu được giá trị của chính phong tục, tập quán, hiện vật mà họ đang từng ngày sở hữu.
Việc tạo cho người dân ở các làng văn hóa du lịch cộng đồng biết cách tiếp cận hoạt động dịch vụ du lịch theo chuỗi giá trị lợi ích nghĩa là cần có sự liên kết đối với các công ty lữ hành. Để làm được điều này thì các cơ quan Nhà nước về du lịch, các trung tâm lữ hành phải tập huấn và hướng dẫn trực tiếp cho người dân. Bản sắc văn hóa dân tộc chính là chìa khóa để có thể phát triển du lịch cộng đồng.
Thực tế, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được Hà Giang thực hiện tốt, phát huy hiệu quả tích cực. Điểm du lịch cao nguyên đá Đồng Văn… là những điểm sáng trong khai thác hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch.
Nhờ vậy, lượng khách đến với địa phương mấy năm gần đây tăng trưởng mạnh. Chính thế mạnh này, nên lượng khách du lịch đến với Hà Giang trong quý I/2014 đạt gần 138 nghìn lượt người; trong đó lượng khách quốc tế trên 25 nghìn lượt người, khách du lịch nội địa gần 112 nghìn lượt.
Khách du lịch đến Hà Giang chủ yếu với mục đích khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, thăm thân, tham dự lễ hội truyền thống ở làng văn hoá và du lịch tâm linh. Thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch trên 200 tỷ đồng...
Việc tỉnh Hà Giang đã chủ trương bố trí quy hoạch dân cư, đặc biệt là tập trung xây dựng các làng văn hóa du lịch cộng đồng, đã và đang định hình được loại hình du lịch này. Nhưng để người dân có thể thực hiện tốt việc phát huy bản sắc gắn với phát triển du lịch thì cần phải có sự đầu tư thỏa đáng trong việc tạo cảnh quan, hình thành các chuỗi dịch vụ và quy hoạch cụm dân cư hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan của mỗi làng du lịch.
Rõ ràng, vấn đề bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của các làng văn hóa rất cần sự quan tâm của ngành du lịch và chính quyền địa phương cùng chung tay với người dân để bảo tồn phát huy, biến các giá trị đó thành sản phẩm du lịch đem lại lợi ích cho người dân. Có như vậy mới song hành được việc bảo tồn và tạo ra giá trị vật chất cho người dân các làng văn hóa du lịch cộng đồng.
Bài và ảnh Nguyễn Trường Giang
Nguồn thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;