Học tập đạo đức HCM

Du lịch canh nông tạo đột phá tăng trưởng ngành du lịch Lâm Đồng trong xu thế hội nhập quốc tế

Thứ năm - 13/09/2018 21:04
Từ những năm 80 thế kỷ trước, du lịch canh nông đã được hình thành và phát triển nhiều nơi trên thế giới. Ở tỉnh Lâm Đồng, mô hình du lịch canh nông đã được phát triển trong mấy năm gần đây gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu mô hình này đã mang lại hiệu quả cho ngành du lịch và nông nghiệp, nhưng vẫn còn một số hạn chế và nhiều vấn đề đặt ra, cần được kịp thời giải quyết để tạo bước đột phá cho ngành du lịch Lâm Đồng trong thời gian tới.

Du khách hái trà tại Nông trường trà Tâm Châu - Bảo Lộc. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN

Cơ sở khoa học về phát triển du lịch canh nông

Trên thế giới mô hình du lịch canh nông đã xuất hiện từ khá lâu, khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước và đã được nhiều quốc gia khuyến khích phát triển, như Anh, Pháp, Đức, Áo, I-ta-li-a, Thụy Điển, Đan Mạch, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan. Đây là những quốc gia có thế mạnh về loại hình du lịch này với hàng nghìn doanh nghiệp. Tùy theo lợi thế của mỗi quốc gia mà loại hình du lịch canh nông có tên gọi khác nhau, ví dụ như ở Anh loại hình du lịch này được gọi là du lịch nông thôn; ở Mỹ, I-ta-li-a: du lịch trang trại, Pháp: du lịch canh nông, Ca-na-đa: du lịch nông trại, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a: du lịch nông nghiệp... song đều tuân thủ theo nguyên tắc: “Du lịch trải nghiệm, khai thác các giá trị tổng hợp dựa trên thành quả của ngành nông nghiệp”.

Tại nhiều quốc gia, như Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, I-ta-li-a hằng năm du lịch canh nông mang lại doanh thu hàng chục tỷ USD. Trong đó, có các mô hình điển hình, như chăn nuôi bò sữa Jersey Darry ở Mỹ mỗi năm thu hút 1,4 triệu lượt khách và mô hình du lịch - vườn dâu ở Niikura (thành phố Tô-ky-ô, Nhật Bản) chỉ có 5ha, mỗi năm thu hút 400.000 lượt du khách; vườn hoa Keukenhof ở Hà Lan thu hút hàng chục triệu du khách, có doanh thu hàng triệu USD/năm. 

Việt Nam sở hữu điều kiện thuận lợi với nhiều mô hình nông nghiệp để phát triển loại hình du lịch này. Nhiều địa phương có thế mạnh và khai thác du lịch canh nông, như thành phố Hội An (Quảng Nam); huyện Tịnh Biên (An Giang); du lịch miệt vườn ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre... Tân Phú (Đồng Nai); Sa Pa (Lào Cai); Ba Vì (Hà Nội); Hóc Môn và Bình Chánh, (Thành phố Hồ Chí Minh)... nhưng tiềm năng chưa được khai thác tương xứng. Đối với tỉnh Lâm Đồng, trước yêu cầu thực tiễn và trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tỉnh đã có định hướng dài hạn, do đó sản phẩm du lịch canh nông phong phú, đa dạng và có quy mô lớn, đặc biệt là địa phương đầu tiên ở Việt Nam áp dụng mô hình du lịch canh nông dựa trên cơ sở nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC).

Trên cơ sở thực hiện thành công chương trình NNƯDCNC giai đoạn 2004 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 05/NQ-TU về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã và đang triển khai quy hoạch một khu NNƯDCNC, một khu công nghiệp nông nghiệp, 7 khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tập trung và 19 vùng NNƯDCNC cho các cây trồng, vật nuôi để triển khai thực hiện. Đây là một trong những nội dung rất quan trọng tạo đột phá cho ngành nông nghiệp Lâm Đồng tiếp cận trình độ của thế giới. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 52.000ha đất canh tác sản xuất ứng dụng công nghệ cao, chiếm 20% diện tích đất canh tác, có 9 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp NNƯDCNC (chiếm 31% so với cả nước); nhiều doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại tiệm cận nông nghiệp thông minh 4.0; có 19 nông sản được công nhận nhãn hiệu chứng nhận. Tỷ trọng giá trị sản xuất NNƯDCNC đạt 30% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích năm 2017 đạt bình quân 160 triệu đồng/ha, trong đó có gần 15.000ha đạt khoảng 250 - 500 triệu đồng/ha, hơn 12.000ha đạt khoảng 500 triệu - 1 tỷ đồng/ha; 1.500ha đạt khoảng 1 - 2 tỷ đồng/ha. Đặc biệt, diện tích rau thủy canh doanh thu đạt 8 tỷ đồng/ha; lan Vũ nữ doanh thu đạt 5 tỷ đồng/ha; lan Hồ điệp doanh thu đạt 8 - 10 tỷ đồng/ha và cá nước lạnh doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng/ha. Trên cơ sở các trang trại NNƯDCNC đã hình thành chuỗi giá trị nông sản tham gia thị trường trong và ngoài nước hiệu quả; khai thác giá trị tổng hợp của ngành nông nghiệp, đặc biệt là du lịch canh nông.

Từ những cơ sở khoa học được phân tích nêu trên cho thấy việc phát triển du lịch canh nông là hướng đi đúng phù hợp với xu thế thời đại trong quá trình hội nhập quốc tế. Từ đó theo chúng tôi, “Du lịch canh nông là loại hình du lịch mang tính trải nghiệm sản xuất, chế biến, thưởng thức nông sản; giải trí, chiêm ngưỡng cảnh quan; trao đổi tri thức văn hóa, giáo dục và khoa học; đồng thời diễn ra hoạt động giao thương nông sản để khai thác giá trị tổng hợp từ sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho tổ chức và cá nhân từ các hoạt động nông nghiệp”.

Thực tiễn phát triển du lịch canh nông ở Lâm Đồng và những vấn đề đặt ra

Du lịch canh nông là một trong những giải pháp tăng thời gian lưu trú của du khách; thông qua du lịch canh nông, các cơ quan quản lý nhà nước và các công ty lữ hành nắm được nhu cầu của du khách để tạo sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách ngay mà không phải tốn nhiều chi phí; các công ty lữ hành xem đây là cơ hội cơ cấu lại sản phẩm du lịch, thu hút một lượng du khách mới. Du lịch canh nông giúp một bộ phận du khách có điều kiện ôn lại truyền thống ở những gia đình xuất thân từ nông dân nhưng hiện tại đang sinh sống và làm việc ở các đô thị lớn, nay có dịp quay trở lại trải nghiệm thực tế đồng ruộng, thông qua trải nghiệm sẽ có tính giáo dục cho con cháu của họ đối với ngành nông nghiệp, với vùng quê thanh bình.

Thông qua du lịch canh nông, chính du khách sẽ là động lực để các chủ trang trại, nông hộ và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ liên tục cải tiến sản phẩm, đầu tư công nghệ mới và tác phong phục vụ du khách sẽ nâng cao, có tính chuyên nghiệp hơn.

Đà Lạt là một trong số ít thành phố trên thế giới có thể trồng trọt hiệu quả nhiều loại cây trồng, cả cây ôn đới và cây nhiệt đới, là trung tâm sản xuất NNƯDCNC có tầm quốc gia và quốc tế, tiềm năng phát triển loại hình du lịch canh nông có tầm cỡ khu vực và quốc tế.

Thông qua chương trình hợp tác quốc tế giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng với tổ chức JICA và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện dự án tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng phát triển thương hiệu: Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành nhằm phát triển du lịch canh nông.

Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2644/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng các mô hình du lịch canh nông trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Quyết định số 2291/QĐ-UBND về Ban hành bộ tiêu chí công nhận mô hình “Tuyến du lịch canh nông” và “điểm du lịch canh nông” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; bước đầu xây dựng 25 điểm du lịch canh nông; theo đó sẽ có hai khu vực nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Lạt được chọn để đưa vào thực hiện thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp là khu phố Hồ Xuân Hương và khu Trại Mát. Khu phố Hồ Xuân Hương (phường 9) là khu dân cư có truyền thống làm nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực Trại Mát, (phường 11) là một vùng trồng rau, hoa, củ quả chủ yếu của Đà Lạt. Do có định hướng dài hạn, xác định các tiêu chí phù hợp và các chính sách có tính khả thi cao, nên du lịch canh nông đã mang lại giá trị tổng hợp ngành nông nghiệp rõ nét, góp phần tạo đột phá cho ngành du lịch Lâm Đồng.

Nhằm phát triển du lịch canh nông phát huy hiệu quả, tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 16-11-2016 về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn; tỉnh Lâm Đồng được Trung ương cho cơ chế đặc thù, tạo bước đột phá nhằm thu hút đầu tư vào du lịch hiệu quả; phát triển những sản phẩm du lịch mới lạ, gắn kết giữa các ngành như nông nghiệp, công nghiệp để hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, trong đó có du lịch canh nông.

Các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được đổi mới theo hướng xã hội hóa để phát huy vai trò chủ động của doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả của tuyên truyền, quảng bá cho du lịch canh nông.

Qua thực tiễn cho thấy, các mô hình du lịch canh nông đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch thành phố Đà Lạt; kết nối không gian đô thị và nông nghiệp gần nhau hơn; mở rộng tầm nhìn về sản xuất ứng dụng công nghệ cao; tạo đột phá thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án FDI; là lĩnh vực khởi nghiệp mạnh đối với thế hệ trẻ tỉnh Lâm Đồng. Du lịch canh nông cũng là cơ hội tốt cho các chủ trang trại, nông dân, doanh nghiệp và du khách hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa giữa các vùng, trong nước và các quốc gia trên thế giới. 

Thông qua cơ chế chính sách linh hoạt và định hướng dài hạn, kết hợp tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để phát triển du lịch canh nông; nhiều mô hình du lịch canh nông với nhiều hoạt động phong phú, song có một điểm chung là tạo sự trải nghiệm thú vị, ấn tượng và tạo môi trường hấp dẫn khó quên cho du khách đối với du lịch canh nông ở Lâm Đồng; điển hình là một số mô hình du lịch canh nông sau đây: Công ty cổ phần Long Đỉnh (huyện Lâm Hà) khai thác du lịch canh nông với sản phẩm chè hữu cơ; Tổ hợp du lịch canh nông DL Nature’s ở phường 11 (thành phố Đà Lạt), với trải nghiệm chủ yếu là vườn rau, củ quả, cửa hàng bán các đặc sản của Đà Lạt, quán cà phê, sinh tố; Công ty TNHH nông trại du lịch canh nông Kiến Huy ở thôn Đạ Đum II (xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương) với trải nghiệm rau quả mới lạ ứng dụng công nghệ cao như siêu quả magic-S; Công ty cổ phần Chè Cầu Đất xã Trạm Hành (thành phố Đà Lạt) có quy mô 220ha là điểm du lịch canh nông với vườn chè cổ và nhà máy chế biến chè trên 100 năm tuổi, vườn rau sản xuất theo hướng nông nghiệp thông minh 4.0; Công ty TNHH Vĩnh Tiến ở 81D Hoàng Văn Thụ, phường 4 (Đà Lạt) có diện tích gần 1,4ha, với du lịch canh nông là nhà máy chế biến trà atiso và rượu vang Vĩnh Tiến được đầu tư 23 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thiên Phúc với sản phẩm là công nghệ nuôi trồng và chế biến đông trùng hạ thảo; Công ty cổ phần sinh học rừng hoa với sản phẩm đặc trưng là hoa khô, giống hoa quý hiếm và ứng dụng công nghệ sinh học nhân giống hoa; Trung tâm Nghiên cứu và thực nghiệm nông nghiệp công nghệ cao của Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phục vụ du khách tham quan chủ yếu là trải nghiệm công nghệ mới và nghiên cứu khoa học. 

Đặc biệt Công ty TNHH Đà Lạt Thủy canh là doanh nghiệp có du lịch canh nông khép kín 3 nhất: Có quy mô ứng dụng công nghệ cao lớn nhất, du khách đông nhất và doanh thu nhiều nhất không chỉ ở Đà Lạt mà còn cả ở Việt Nam. Với quy mô diện tích 11ha (5ha đã khai thác, 06ha sẽ khai thác từ tháng 9-2018), điểm du lịch canh nông có đầy đủ các khu sản xuất rau thủy canh, khu trồng hoa, trồng siêu quả magic-S, cà chua, dâu tây, có kết cấu hạ tầng dịch vụ khá hiện đại. Đồng thời, với du lịch canh nông, công ty TNHH Đà Lạt rau thủy canh còn làm dịch vụ chuyên cung cấp, lắp đặt chuyển giao kỹ thuật và đến nay đã thi công lắp đặt 26 hệ thống này trong toàn quốc (đủ các diện tích lớn nhỏ, tổng cộng khoảng 7ha) với giá khoảng 8 - 15 tỷ đồng/hệ thống/ha.

Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch canh nông của tỉnh Lâm Đồng cũng còn những hạn chế nhất định cần nghiên cứu khắc phục trong thời gian tới, như việc kết hợp phát triển các hoạt động du lịch gắn kết với nông nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh vốn có của địa phương; hiệu quả hoạt động du lịch canh nông của tỉnh còn khiêm tốn so với tiềm năng diện tích NNƯDCNC; một số chủ trang trại chưa khai thác giá trị tổng hợp liên ngành, như công nghệ cao, trình diễn giống mới, nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, thưởng thức nông sản đặc hữu, trải nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; chưa có mô hình du lịch canh nông kiểu mẫu liên kết chuỗi giá trị từ chủ trang trại, ngân hàng, nhà khoa học và các công ty lữ hành để đổi mới sáng tạo sản phẩm, nhằm phát triển du lịch canh nông bền vững; còn nhiều điểm du lịch canh nông chưa đầu tư đồng bộ, đúng nghĩa một điểm du lịch canh nông, đặc biệt là kết cấu hạ tầng hỗ trợ du khách trong phạm vi điểm du lịch; dịch vụ truyền thông, kết nối tour tuyến phạm vi quốc gia và quốc tế chưa được quan tâm. 

Một số giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển du lịch canh nông, tạo đột phá tăng trưởng ngành du lịch của tỉnh trong xu thế hội nhập quốc tế

Để du lịch canh nông của tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy lợi thế tiềm năng trong những năm tới, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp và kiến nghị sau đây: 

Một là, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh có kế hoạch sơ kết Quyết định số 2644/QĐ-UBND về xây dựng mô hình thí điểm du lịch canh nông để đánh giá thực tiễn, trên cơ sở đó đề ra các chính sách đột phá hơn nữa trong giai đoạn 2017 - 2020 nhằm phát triển thêm khoảng 6 - 8 tour du lịch canh nông, đến năm 2025 có khoảng 45 điểm du lịch canh nông, định hướng đến năm 2030 tỉnh sẽ tiếp tục có cơ chế, chính sách khai thác du lịch canh nông tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh. 

Hai là, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt có giải pháp đồng bộ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt, xem đây là điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước đến Đà Lạt trong những năm tới.

Ba là, các huyện, thị, thành phố trong tỉnh Lâm Đồng cần rà soát tiềm năng, thế mạnh du lịch canh nông, xem du lịch canh nông là loại hình “du lịch xanh”, thân thiện với môi trường, là loại hình du lịch với chi phí thấp song có thu nhập cao. Trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng cần mở rộng các loại hình du lịch canh nông khác, như bò Bobe, cá nước lạnh, cà phê hữu cơ, chè hữu cơ, cà phê chồn, trang trại dế, trang trại siêu quả magic-S...

Bốn là, các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh các cơ chế, chính sách sát thực tế theo Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 03-9-2015, của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhằm đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư du lịch nói chung, du lịch canh nông nói riêng với phương châm 4 nhất: Quyết tâm cao nhất; đột phá nhất; bền vững nhất và phù hợp với xu thế thời đại nhất.

Năm là, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng rà soát, xem xét tính liên kết vùng, từ đó giới thiệu sản phẩm mới, kết nối tuor, tuyến với các công ty lữ hành thu hút khách du lịch canh nông; chủ động đề xuất xây dựng mô hình du lịch canh nông kiểu mẫu liên kết chuỗi giá trị từ chủ trang trại, ngân hàng, nhà khoa học và các công ty lữ hành để đổi mới sáng tạo sản phẩm, nhằm phát triển du lịch canh nông bền vững. 

Sáu là, tiếp tục hỗ trợ quảng bá xúc tiến du lịch, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động tham gia du lịch canh nông, thu hút đầu tư; hợp tác quốc tế về du lịch nói chung, du lịch canh nông nói riêng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng, bảo đảm quy cách hấp dẫn mô hình du lịch canh nông; thực hiện các quy hoạch đồng bộ và khoa học; tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược đối với du lịch canh nông.

Bảy là, kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch xây dựng Đề án tổng thể du lịch nông nghiệp/du lịch canh nông cấp quốc gia hoặc tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định chuyên đề về du lịch canh nông, trong đó cần quan tâm về tiêu chí du lịch canh nông, cơ chế, chính sách có tính khả thi, nhằm tạo đột phá Việt Nam là quốc gia - điểm đến hấp dẫn du lịch canh nông hàng đầu khu vực Đông Nam Á vào năm 2025./.

Tác giả bài viết: Phạm S TS, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng

Nguồn tin: www.tapchicongsan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập206
  • Hôm nay30,722
  • Tháng hiện tại806,000
  • Tổng lượt truy cập91,979,729
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây