Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành thanh kiểm tra hậu kiểm gần 159 nghìn cơ sở sản xuất/kinh doanh thực phẩm từ trung ương đến xã, phường. Tổng số cơ sở vi phạm là 31.138 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 19,3 tỷ đồng.
Cơ quan chức năng cũng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như đình chỉ hoạt động 72 cơ sở; đình chỉ lưu hành 228 loại thực phẩm; số cơ sở có nhãn phải khắc phục là 231 cơ sở; số cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm là 1.482 cơ sở; tiêu hủy 1.590 loại thực phẩm do không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm (thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hết hạn sử dụng...).
Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 15 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 15 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (năm cơ sở vi phạm từ hai hành vi trở lên), tổng số tiền phạt: 934.310.000 đồng.
Ngoài xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu tạm dừng lưu thông tám lô sản phẩm vi phạm, tiêu hủy hai lô sản phẩm vi phạm về chất lượng; chuyển hai trường hợp vi phạm về quảng cáo đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông (năm 2017 chuyển tám trường hợp); giám sát thu hồi và tiêu hủy 22 loại sản phẩm với gần 102 tấn sản phẩm của bốn cơ sở nhập khẩu sản phẩm sữa nghi nhiễm khuẩn theo cảnh báo của Infosan; đồng thời hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, Cục đã chuyển sáu vụ việc vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sang cơ quan điều tra.
Về vụ việc nổi bật nghiêm trọng về vi phạm an toàn thực phẩm hiện nay là việc trộn pin Con Ó vào phế phẩm cà-phê để sản xuất hồ tiêu, ông Nguyễn Thanh Phong nói, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, cần điều tra làm rõ, xử lý nghiêm và công khai để nhân dân được biết.