Học tập đạo đức HCM

Nuôi cá cảnh gom triệu đô

Thứ ba - 14/11/2017 21:24
Đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh của TP HCM sẽ đạt 150-180 triệu con, xuất khẩu đạt 40-50 triệu con và thu về khoảng 40-50 triệu USD

TP HCM được xem là trung tâm cá cảnh lớn của cả nước. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp cá cảnh mở rộng quy mô, có nhu cầu liên kết sản xuất, kết nối mở rộng thị trường xuất khẩu.

Xuất khẩu đến 52 quốc gia

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản TP HCM, 10 tháng đầu năm 2017, tổng diện tích nuôi cá cảnh trên toàn TP đạt khoảng 88 ha với hơn 290 cơ sở và hộ nuôi. Sản lượng cá cảnh xuất khẩu gần 16,25 triệu con, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2016; kim ngạch đạt gần 17,58 triệu USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ. Điều đáng chú ý là đã không còn cá cảnh xuất khẩu không đăng ký kiểm dịch.

Nuôi cá cảnh gom triệu đô - Ảnh 1.

Cơ sở cá cảnh giới thiệu loại cá lóc hoàng đế giá hàng chục triệu đồng/con tại "Ngày hội cá cảnh" vừa diễn ra ở TP HCM

Cá cảnh nước ngọt xuất khẩu hơn 70 loài, trong đó khoảng 45 loài nuôi sinh sản nhân tạo, hơn 20 loài được khai thác từ sông suối và khoảng 10 loài có nguồn gốc nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan. Những loài cá cảnh có tỉ lệ xuất khẩu cao hiện nay là cá dĩa, neon, bảy màu, mô ly, hòa lan, phượng hoàng, chạch rắn, lòng tong, bướm bầu, thủy tinh, xiêm, sặc, ông tiên, tai tượng… Nhóm cá cảnh biển xuất khẩu chỉ chiếm tỉ lệ dưới 1%. Cá cảnh của TP đã xuất khẩu đến 52 quốc gia; trong đó, thị trường châu Âu chiếm 60%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ và Nam Phi.

Với kết quả đó, TP đặt mục tiêu cả năm 2017 sẽ xuất khẩu từ 18-20 triệu con cá cảnh, với giá trị kim ngạch là 20-25 triệu USD, tăng từ 15%-20% so với năm 2016.

Ông Tống Hữu Châu, chủ trang trại cá cảnh Châu Tống (quận 12), cho biết nuôi cá cảnh xuất khẩu được TP chọn là lĩnh vực quan trọng trong nền nông nghiệp đô thị. Do đó, TP đã có các chính sách phát triển cá cảnh, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay cho hộ gia đình và các công ty trong quá trình sản xuất. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông TP đã nghiên cứu sinh sản được 3.000 con cá neon Việt Nam giống, bước đầu nghiên cứu sinh học sinh sản, xây dựng quy trình kỹ thuật thuần dưỡng trong điều kiện nuôi nhân tạo cá thủy tinh được khai thác từ tự nhiên, nâng tỉ lệ sống từ 25% lên 70%. Đồng thời, chuyển giao cho trại cá cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi) cá neon sinh sản, đến nay trại có 3.000 cá con và 200 cá bố mẹ neon Việt Nam; chuyển giao kỹ thuật nuôi dưỡng, cho sinh sản bán nhân tạo và bàn giao 100 cá neon Việt Nam 2 tháng tuổi cho Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông cũng đã triển khai đúng thời vụ những mô hình cá cảnh tại các quận, huyện. Trong đó, lợi nhuận từ mô hình cá koi lên tới 600 triệu đồng/vụ; cá dĩa thương phẩm 160 triệu đồng/vụ; sinh sản cá dĩa đạt 163 triệu đồng/vụ... Trung tâm Khuyến nông đang tiếp tục tìm những giống cá mới, đẹp để đưa vào kế hoạch thực hiện mô hình trong năm 2018.

Theo đó, mục tiêu của TP đến năm 2020, sản lượng sản xuất cá cảnh sẽ đạt 150-180 triệu con, xuất khẩu đạt 40-50 triệu con, kim ngạch đạt 40-50 triệu USD.

Gặp khó vì rào cản kỹ thuật

Theo Chi cục Thủy sản TP, nghề sản xuất cá cảnh của TP đến nay chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hầu hết các trại nuôi chưa có sự đầu tư đúng mức và phù hợp về cơ sở hạ tầng. Thực hành sản xuất mang tính truyền thống, quy trình sản xuất chủ yếu dựa theo kinh nghiệm mà không tuân thủ quy trình chuẩn nên vấn đề vệ sinh, tiêu độc khử trùng, bảo đảm an toàn dịch bệnh chưa được quan tâm. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số khu vực trong TP cũng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển cá cảnh. Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực cá cảnh như quy trình chọn giống, sản xuất giống, lai tạo giống mới và chế độ dinh dưỡng phù hợp để nâng cao chất lượng sản phẩm cá cảnh vẫn còn hạn chế.

Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh cá cảnh chưa có sự liên kết chặt chẽ, đặc biệt là vai trò của các hội, chi hội cá cảnh còn nhiều hạn chế. Hội viên phân tán chưa phát huy sức mạnh thực sự của các nghệ nhân có tâm huyết. Số lượng tổ hợp tác và HTX cá cảnh còn ít và hoạt động chưa hiệu quả. Số hộ nuôi cá cảnh được tiếp cận chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP còn ít. Dự án xây dựng chợ hoặc trung tâm giao dịch sinh vật cảnh, cá cảnh trên địa bàn TP vẫn chưa được triển khai.

Ông Lê Hữu Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức (chủ trại cá cảnh Thiên Đức), cho biết châu Âu là thị trường tiêu thụ cá cảnh lớn của thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường khó tính, có nhiều rào cản kỹ thuật và thủ tục phức tạp cho các nhà xuất nhập khẩu. Nhu cầu cá cảnh quanh năm song vào mùa hè, khách hàng châu Âu quan tâm nhiều đến dòng cá lạnh (cá chép, cá tàu). Do đó, cơ quan chức năng cần sớm công bố thủ tục và kết quả việc thực hiện công tác phối hợp với châu Âu để được xuất cá chép từ Việt Nam. Đồng thời, kết nối tour du lịch của khách nước ngoài đến được với một số doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu nhằm giới thiệu sản phẩm trực tiếp.

Ông Tống Hữu Châu đánh giá mức độ phát triển nghề nuôi cá cảnh của TP cũng như tỉ trọng xuất khẩu vẫn còn khá thấp so với tiềm lực, việc xuất khẩu sang thị trường châu Á chủ yếu bán cho khách những mặt hàng họ cần hoặc không có. Khó khăn trong việc xuất cá cảnh đi Hàn Quốc như một số loại cá bảy màu là cơ quan kiểm dịch nước này đòi hỏi giấy phép NAFI (Trung tâm Chất lương nông lâm thủy sản) thay vì của Trung tâm Thú y Vùng 6 hoặc Chi cục Thủy sản. Tương tự, Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhiều rào cản về kỹ thuật làm cho việc xuất khẩu cá cảnh sang thị trường này gặp nhiều khó khăn. Riêng thị trường Trung Quốc, Việt Nam chỉ giao thương mua bán qua đường tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc hoặc quá cảng qua Thái Lan. 

Giống trong nước đang suy thoái

Ông Tống Hữu Châu cho biết các cơ sở sản xuất, nuôi cá cảnh đa phần sản xuất giống thuần túy từ những loài đã có sẵn hoặc nhập từ nước ngoài về bán và làm giống. Trong khi các chủng loài cá cảnh có giá trị trong nước lại đang suy thoái về chất lượng giống. Một số loài cá cảnh tự nhiên gần như tuyệt chủng như cá thái hổ. Do đó, TP nên tạo điều kiện để các cơ sở, doanh nghiệp nhập giống về để cải tạo đàn giống cũ và tìm kiếm các nguồn giống mới.

Bài và ảnh: LONG GIANG/ NLD
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập359
  • Hôm nay37,008
  • Tháng hiện tại227,620
  • Tổng lượt truy cập90,291,013
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây