Học tập đạo đức HCM

Ông Ngọ Duy Hiểu: Đổi mới tư duy, cách làm xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 13/11/2016 22:07
Tập trung xử lý nợ đọng, nâng cấp các tiêu chí và phải đổi mới tư duy, cách làm trong xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đó là ý kiến của Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội chuyên trách TP Hà Nội Ngọ Duy Hiểu với Kinh tế & Đô thị để chương trình này hiệu quả hơn nữa, nâng cao chất lượng đời sống người dân khu vực nông thôn.
Cần cái nhìn tổng thể
Vấn đề NTM vừa làm nóng nghị trường Quốc hội vừa qua, khi báo cáo giám sát của UBTV Quốc hội về vấn đề này được đưa ra thảo luận. Vậy cá nhân ông đánh giá thế nào về kết quả xây dựng NTM của cả nước 5 năm qua?
- Tôi cho rằng, từ khi đất nước đổi mới đến nay, đây là phong trào vận động quần chúng lớn nhất ở khu vực nông thôn. Những thành quả quan trọng, bước đầu của phong trào này đã củng cố thêm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước; là môi trường và cơ hội rèn luyện, thử thách và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cơ sở.
Sau 5 năm triển khai chương trình này, đến nay cả nước đã có 2.061 xã (chiếm 23% tổng số xã) đạt tiêu chí NTM, có 27 đơn vị cấp huyện được công nhận tiêu chí NTM. Đối với các xã, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%. Người khó tính cũng có thể thấy rằng diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Nhận thức của người dân cũng được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố, tăng cường; an ninh nông thôn có tiến bộ; nhiều giá trị văn hóa truyền thống tiếp tục được phát huy, phát triển. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động rộng khắp cả nước, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Vậy còn những hạn chế, vướng mắc?
- Thành quả là cơ bản, nhưng phải thẳng thắn nói rằng những hạn chế, vướng mắc sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình còn không ít. Trước hết, đó là kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra còn khoảng cách. Chất lượng các xã NTM có nơi chưa cao, chưa đáp ứng các tiêu chí đề ra. Kết quả các tiêu chí về kết cấu hạ tầng khá cao, trong khi các tiêu chí về nâng cao hiệu quả và tổ chức lại sản xuất, tiêu chí về văn hóa, môi trường, xây dựng hệ thống chính trị, đời sống người dân chưa được đề cao. Việc xây dựng NTM chưa gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nợ đọng xây dựng cơ bản, các tiêu cực, lãng phí, thiếu công khai, minh bạch trong xây dựng NTM cũng là vấn đề được cử tri và Nhân dân quan tâm.
Khi thảo luận tại hội trường, nhiều ĐB Quốc hội đã tỏ ra bức xúc về vấn đề nợ xây dựng cơ bản và những tiêu cực trong quá trình xây dựng NTM, quan điểm của ông về vấn đề này?
-Theo thống kê, đến 31/12/2015, cả nước có 53/63 tỉnh, TP có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng, chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động cho chương trình và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện. Các tiêu cực trong xây dựng NTM cũng xảy ra ở nơi này, nơi khác, với vi phạm phổ biến là: Chạy theo thành tích, báo cáo không trung thực, đầy đủ, tìm mọi cách để xã, huyện mình được công nhận NTM; có các biểu hiện thiếu công khai, minh bạch, thậm chí là tham ô, tham nhũng trong quá trình triển khai thực hiện các dự án xây dựng NTM.
Mặc dù số nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 15.000 tỷ đồng lẽ ra là điều không nên có, nhưng nhìn tổng thể, tôi nghĩ đó là con số không quá lớn trong tổng số nguồn lực huy động và chiếm tỷ lệ rất thấp so với con số nợ đọng xây dựng cơ bản của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng hơn 850.000 tỷ đồng cho chương trình này, trong đó, ngân sách Nhà nước gần 267.000 tỷ đồng; vốn tín dụng gần 435.000 tỷ đồng, chiếm phần lớn (51%); huy động từ DN gần 42.000 tỷ đồng, chiếm thấp nhất (gần 5%) và người dân đóng góp gần 107.000 tỷ đồng, chiếm 12,62%.

Thu hoạch lúa tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Ảnh: Công Hùng

Khoản nợ này có lý do khách quan chủ yếu là nhiều địa phương không triển khai được việc đấu giá quyền sử dụng đất để lấy tiền làm vốn đối ứng nên phát sinh khoản nợ này. Các tiêu cực trong xây dựng NTM so với một số lĩnh vực khác, tôi nghĩ cũng không lớn. Vì ở cơ sở, người dân tham gia giám sát khá tốt. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta phải tập trung quan tâm khắc phục các hạn chế này.
Vậy thưa ông, kinh nghiệm của Hà Nội trong giải quyết vấn đề này như thế nào, liệu có giải quyết được dứt điểm trong năm 2017, 2018 như yêu cầu đặt ra?
- Theo tôi được biết, trong tổng số khoản nợ xây dựng cơ bản của cả nước liên quan đến xây dựng NTM, TP Hà Nội “góp” vào khoảng gần 500 tỷ đồng, con số này là rất nhỏ so với nguồn lực mà TP huy động được trong chương trình xây dựng NTM, với 201 xã đã được công nhận (chiếm trên 52% số xã). Trong quá trình lãnh đạo thực hiện chương trình này, TP đã chỉ đạo rất sát sao, chặt chẽ. Khi thấy tình hình nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM đáng lưu tâm, lãnh đạo TP đã có văn bản chấn chỉnh, không cho các địa phương triển khai dự án khi chưa có vốn đối ứng. Kinh phí TP cấp cho các huyện, thị xã phải ưu tiên trước hết cho việc trả nợ xây dựng cơ bản. Đến nay, theo tôi được biết, nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM của Hà Nội chỉ còn khoảng 300 tỷ đồng. Nhưng tôi vẫn phải nói thêm, số nợ này không phải là khoản tiền đang nằm đâu đó hay là những công trình “đắp chiếu”, mà thực ra nó đã có sản phẩm cụ thể, đó là những công trình hạ tầng dân đang thụ hưởng; là những dự án phát triển sản xuất người dân đang triển khai. Tôi tin rằng, chỉ trong năm 2017, Hà Nội có thể xử lý triệt để số nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Từng bước nâng cấp các tiêu chí
Có nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng NTM thời gian qua chủ yếu tập trung đầu tư vào xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa quan tâm nhiều đến những tiêu chí khác. Ý kiến của ông như thế nào?
- Đúng là như vậy. Có nhiều nơi, cán bộ chỉ quan tâm đến các dự án hạ tầng, chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Còn ít quan tâm đến các tiêu chí ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất; xây dựng văn hóa, con người; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở và đổi mới hệ thống chính trị, an ninh, an toàn, môi trường; nâng cao đời sống toàn diện cho người dân. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, cần phải chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới.
Đã từng là Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM của huyện Phúc Thọ nhiều năm, nay là ĐB Quốc hội, ông có đề xuất gì về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong thời gian tới?
- Đây là chương trình có ý nghĩa chiến lược đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân nước ta, nên việc tiếp tục thực hiện chương trình với tư duy mới, cách làm mới là rất cần thiết. Chúng ta phải nhận thức rằng mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, làm cho người dân sung túc, đoàn kết hơn, an toàn hơn, hạnh phúc hơn.
Điều đầu tiên là cụ thể hóa các tiêu chí cho phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng địa phương, trong đó có tiêu chí mềm. Làm tốt hơn nữa công tác xã hội hóa, công tác tuyên truyền và xác định rõ vai trò chủ thể của người nông dân trong xây dựng NTM. Tập trung nhiều hơn cho các tiêu chí liên quan đến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất, phát huy vai trò của hợp tác xã nông nghiệp; gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nền nông nghiệp; nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống toàn diện cho người dân. Khi người dân có thu nhập cao, đời sống tốt, chắc chắn họ sẽ sẵn sàng bỏ nguồn lực vào xây dựng NTM. Đầu tư hơn nữa cho việc xây dựng văn hóa, con người và hệ thống chính trị ở cơ sở; khắc phục bằng được bệnh thành tích, bệnh thiếu trung thực. Việc chỉ đạo phải quyết liệt, khoa học, sát sao và sáng tạo. Tôi cho rằng, những bài học của TP Hà Nội trong xây dựng NTM như coi đột phá là dồn điền đổi thửa, ban hành Quyết định 16, công tác chỉ đạo sát sao, cụ thể… rất đáng là những bài học quý cần nhân rộng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập210
  • Hôm nay36,200
  • Tháng hiện tại214,767
  • Tổng lượt truy cập90,278,160
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây