Sản phẩm rau hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sản phẩm hữu cơ từng bước lên ngôi
Bắt đầu áp dụng mô hình trồng rau hữu cơ từ năm 2010 với diện tích khiêm tốn, đến nay, nhóm trồng rau hữu cơ xóm Trại Hòa, xã Hợp Hòa (Lương Sơn – Hòa Bình) đã có 2,7ha với 19 hộ tham gia. Chị Hoàng Thị Long, trưởng nhóm, cho biết, trước khi đến với nghề trồng rau hữu cơ, các hộ dân trong nhóm chỉ trồng lúa, ngô, cuộc sống vô cùng khó khăn. Sau khi được dự án ADDA (Đan Mạch), Trường Cao đẳng Bắc Bộ hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bà con mạnh dạn chuyển sang trồng rau hữu cơ. “So với việc mạnh ai nấy làm trước đây, vào nhóm trồng rau hữu cơ, chúng tôi phải từ bỏ rất nhiều thói quen cũ như không được vứt rác bừa bãi, không được sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật, phải tập làm quen với việc ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất. Để giám sát quá trình sản xuất, chúng tôi phải bầu ban quản lý nhóm, trong đó có một nhóm trưởng quản lý chung, hai nhóm phó, một phụ trách khâu đầu vào của quá trình sản xuất, một phụ trách đầu ra”, chị Long cho biết.
Cũng theo chị Long, so với quy trình trồng rau thông thường, trồng rau hữu cơ khá vất vả, đòi hỏi phải có diện tích tập trung, trong quá trình sản xuất phải ủ phân hữu cơ, phải chế biến những loại thuốc trừ sâu thảo mộc (làm từ gừng, tỏi, ớt) hoặc bắt thủ công. “Chính vì khá vất vả nên lúc đầu nhiều người ngại tham gia, càng khó khăn hơn khi rau làm ra không có nơi tiêu thụ, mọi người phải mang về nhà ăn hoặc bán rẻ cho bà con chòm xóm. Phong trào trồng rau hữu cơ của nhóm đang có chiều hướng thoái trào thì năm 2011 Công ty Tâm Đạt (Hà Nội) lên ký hợp đồng thu mua rau của bà con với giá 11.000 đồng/kg. Có đầu ra ổn định, bà con lại yên tâm sản xuất”, chị Long nói.
Sau những vất vả ban đầu, đến nay, hoạt động sản xuất của nhóm Trại Hòa khá ổn định, mỗi tháng cung cấp cho thị trường 1,5 - 1,7 tấn rau/tháng (thời điểm năm 2011 chỉ 3-4 tạ/tháng), tùy diện tích rau, hộ ít cũng có thu nhập 1,5 triệu đồng/tháng, hộ nhiều 4-5 triệu đồng/tháng.Thị trường tiêu thụ của nhóm sản xuất rau hữu cơ Trại Hòa ngày càng rộng mở nên nhóm đang có dự định mở rộng diện tích trồng rau hữu cơ lên 8ha, hiện đang trong quá trình xây dựng hạ tầng.
Nhận thấy thị trường thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ đang rất nóng, đang là kế toán của một doanh nghiệp với mức lương ổn định, chị Hoàng Thị Thức ở thôn Đồng Xương, xã Thành Lập (Lương Sơn - Hòa Bình) quyết định bỏ việc, về nhà thành lập nhóm sản xuất rau hữu cơ. Tuy mới thành lập năm 2016 nhưng nhóm sản xuất rau hữu cơ Nà Lều của chị Thức đã có 8 thành viên với diện tích canh tác 6.500m2. Hiện, rau của nhóm được cửa hàng rau hữu cơ Bác Tôm (Hà Nội) thu mua với giá ổn định 15.000 đồng/kg.
Theo TSKH. Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, từ những dự án quy mô nhỏ lẻ ở các địa phương, đến nay, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ xuất hiện ngày càng nhiều, với sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ nông dân, trang trại, như: Chè organic của Công ty TNHH liên kết sinh thái Việt Na (Ecolink) và Công ty TNHH Hiệp Thành có diện tích lên đến 1.000ha, chủ yếu tại Lào Cai, Hà Giang; sản phẩm gạo, cá của Công ty CPTM&SX Viễn Phú (Cà Mau); rau thương hiệu Sóc Sơn, Lương Sơn, Organic Đà Lạt; thịt lợn Bảo Châu Organic Farm; rau và dược liệu hữu cơ của TH True milk; sữa organic của Vinamilk; gạo hữu cơ của Quế Lâm,…
Điều đáng ghi nhận là, các mô hình nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhận được sự quan tâm của chính quyền các địa phương, doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của nông dân, thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng mở rộng… Đơn cử như năm 2016, UBND tỉnh Tây Ninh có quy hoạch 1.000ha đất dành cho sản xuất hữu cơ và đang có các nhà đầu tư vào khu vực này; tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản dự kiến quy hoạch khoảng 10.000ha đất cho nông nghiệp hữu cơ… Tính đến nay, cả nước có khoảng 43.000ha canh tác hữu cơ, chiếm 0,4% diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn quốc. Hệ thống siêu thị, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ đang phát triển, được người tiêu dùng, nhất là các nhà hàng, khách sạn cao cấp trong cả nước đón nhận. Đó là tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn về một thị trường hữu cơ sẽ phát triển mạnh trong tương lai. Bên cạnh đó, các sản phẩm hữu cơ cũng đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Đức, Anh, Mỹ, Canada,… Dù số lượng còn khiêm tốn nhưng các doanh nghiệp đã quan tâm một cách bài bản đến sản xuất hữu cơ.
Cần chính sách hỗ trợ
Đó là ý kiến của ông Thân Dỹ Ngữ, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Thành, đơn vị đang tham gia làm một số sản phẩm nông sản hữu cơ như chè, gừng, quế. Bắt đầu triển khai từ năm 2004, đến nay, diện tích sản xuất hữu cơ của công ty đạt khoảng 1.000ha, gồm vùng chè ở Tam Đường (Lai Châu), Bắc Hà (Lào Cai); vùng quế ở Yên Bái; vùng trồng gừng ở Hà Giang. Theo ông Ngữ, để mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương trong việc xây dựng vùng chuyên canh tập trung, ngăn cản hóa chất từ bên ngoài ảnh hưởng đến mô hình; doanh nghiệp đóng vai trò kết nối nông dân trong chuỗi sản xuất. “Thị trường không phải là trở ngại lớn nhất của phát triển nông nghiệp hữu cơ bởi các sản phẩm sạch, an toàn ngày càng được ưa chuộng, cái khó là chúng ta chưa có hệ thống chính sách đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia làm nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế cho các đơn vị chứng nhận hoạt động hiệu quả, bởi việc chứng nhận truy xuất nguồn gốc với các sản phẩm hữu cơ rất quan trọng. Ngoài ra, ngành chức năng cũng cần cụ thể hóa các quy chuẩn trong sản xuất hữu cơ để doanh nghiệp, nông dân dễ áp dụng”, ông Ngữ nói.
Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc kỹ thuật của Mekong Cert, đơn vị chuyên chứng nhận các sản phẩm hữu cơ cho biết, Việt Nam có nhiều vùng nông sản đặc hữu, có thể phát triển thành vùng sản xuất hữu cơ. Nếu có chính sách hỗ trợ đủ mạnh chắc chắn đây sẽ là tiềm năng lớn.
Theo ông Hà Phúc Mịch, trở ngại lớn của việc mở rộng diện tích sản xuất hữu cơ là thay đổi tập quán sản xuất của người dân không đơn giản, hệ thống chính sách cho phát triển nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. Bởi vậy, trong thời gian tới, Hiệp hội xác định phải luôn đẩy mạnh hoàn thiện các vấn đề đặt ra trong chính sách, phối hợp với các bộ, ban ngành hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn, văn bản, quy định, chỉ dẫn, giám sát…, tạo điều kiện hành lang pháp lý cho sản xuất hữu cơ phát triển. Tham mưu cho các bộ, ngành ban hành cơ chế chính sách hình thành cơ quan chứng nhận, tăng cường công tác chứng nhận, kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ. Cần có quy hoạch đối với các địa phương dành diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ và vùng chuyên canh cho sản xuất hữu cơ.
“Để sản xuất hữu cơ phát triển, cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến, các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu khoa học phục vụ cho phát triển sản xuất hữu cơ”, ông Mịch nói.
Theo Anh Thơ/kinhtenongthoncom.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã